Trong tập 2 của chương trình VietNam why not? Đi Việt Nam đi, 3 đội chơi được đến với Cần Thơ để trải nghiệm văn hoá, cuộc sống và tham gia nhiều thử thách thú vị gắn liền với đời sống người dân Nam bộ như: bán hàng trên ghe, đi cầu khỉ, bắt chuột đồng.
Hơn 60 phút phát sóng mang đến cho người xem những tiếng cười không ngớt với sự thể hiện hài hước của các hoa hậu, á hậu nổi tiếng. Đồng thời qua đó cũng giúp người xem cảm thấy thích thú hơn với miệt vườn sông nước Cửu Long.
|
Các đội chơi trải nghiệm cuộc sống miền tây trong tập 2 của chương trình |
Nhưng đến 3 phút cuối cùng của tập 2 lại khiến người xem có đôi chút lăn tăn về nội dung chương trình truyền tải. Theo đó, sau 5 phần thi, đội Nón lá (gồm Hoa hậu Khánh Vân, Á hậu Mâu Thuỷ, người đẹp Hương Ly) giành chiến thắng, được trải nghiệm cuộc sống của điền chủ.
Còn hai đội thua cuộc: Quai thao (Hoa hậu Ngọc Diễm, Hoa hậu Tường Linh, Hoa hậu Ngọc Châu), Khăn rằn (Á hậu Võ Hoàng Yến, Á hậu Hoàng My, Á hậu Kim Duyên) vào vai người ở, cơm bưng nước rót, đấm bóp cho đội thắng cuộc. Phần nội dung này chiếm khoảng 2 phút, nhưng phá vỡ mọi sự hân hoan, thích thú trước đó của người xem bởi những sự bất thường về văn hoá.
Giáo sư Nguyễn Công Bình từng viết trong cuốn sách Đời sống xã hội ở vùng Nam bộ (NXB ĐHQG TPHCM, 2008): “Chế độ địa tô ở Nam bộ rất nặng nề, từ 50% hoa lợi trở lên, có nơi địa chủ thu tới 70-80% hoa lợi. Nông dân chẳng những phải nộp tô cho địa chủ, mà còn thuế đinh, thuế điền, cùng các thứ thuế khác".
|
Á hậu Mâu Thuỷ vào vai bà cả trong trải nghiệm làm điền chủ |
Chế độ địa chủ gắn liền với một giai đoạn cùng cực nhất của nông dân Việt Nam. Tại miền Nam, địa chủ từng là cánh tay nối dài của thực dân Pháp khiến nông dân rơi vào cảnh khốn cùng. Hình ảnh địa chủ khu vực miền Tây Nam bộ được miêu tả trong nhiều tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh, hoặc một số bộ phim truyền hình thời gian qua như: Tiếng sét trong mưa, Dâu bể đường trần... cũng khiến người xem căm phẫn với đủ kiểu đàn áp, vùi dập và xem rẻ thân phận tá điền.
Trong sự phát triển chung của xã hội, nhiều giá trị văn hóa cần được giữ gìn, tái hiện, nhưng liệu tái hiện điền chủ, con sen... chỉ để giải trí, vui vẻ thì e chừng là điều không nên làm. Khi xã hội đang hướng đến sự bình quyền thì việc tái hiện, trải nghiệm cuộc sống điền chủ, địa chủ theo cách này có thực sự cần thiết?
Chưa kể, việc đặt trải nghiệm này gắn với vùng đất Nam bộ hiện nay, nơi luôn được biết đến với hình ảnh người dân chất phác, hồn hậu khiến người xem thấy "lấn cấn".
|
Việc thể hiện cuộc sống điền chủ trong chương trình quảng bá du lịch Việt Nam chiếm thời gian ngắn nhưng khiến người xem không khỏi đắn đo, suy ngẫm |
Việc phát triển tour du lịch Một ngày làm điền chủ tại Cần Thơ cũng từng bị dư luận, truyền thông phản ứng vì làm sai lệch, xuyên tạc lịch sử, nhưng không hiểu vì sao chương trình làm điền chủ này lại tiếp tục được mang lên một chương trình nhằm quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam, phát sóng rộng rãi không chỉ trong phạm vi đất nước, và đối tượng hướng tới có cả người nước ngoài.
Đành rằng mọi nỗ lực góp phần quảng bá du lịch Việt Nam trong giai đoạn khó khăn này đều đáng được trân trọng, tuy nhiên, việc chọn lựa thể hiện quảng bá hình ảnh Việt Nam, ngoài sáng tạo còn cần phải hợp lý, có cân nhắc cẩn trọng.
VietNam why not? Đi Việt Nam đi là chương trình truyền hình thực tế nhằm quảng bá du lịch Việt Nam do Tổng cục Du lịch Việt Nam kết hợp với tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam để thực hiện.
Chương trình gồm 3 đội chơi, Khăn rằn (Võ Hoàng Yến, Kim Duyên, Hoàng My), Quai thao (Ngọc Diễm, Ngọc Châu, Tường Linh) và Nón lá (Khánh Vân, Mâu Thuỷ, Hương Ly).
Mỗi tập, các đội chơi sẽ đến những vùng đất khác nhau để thực hiện các thử thách, đồng thời quảng bá nét đẹp, văn hoá từng điểm đến.
Chương trình phát sóng 21g55 thứ Bảy hàng tuần trên VTV9, bắt đầu từ 28/11.
|
Trung Sơn