Giới siêu giàu “nghiện” chi tiền để kéo dài tuổi xuân

23/09/2023 - 06:19

PNO - Từ nhiều năm qua, phong trào “biohacking” - nghiên cứu sinh học tự thân - ngày càng lan rộng (tự áp dụng các kiến thức sinh học để điều chỉnh và làm chủ sức khỏe). Không ít người - đặc biệt là giới siêu giàu - theo đuổi phương pháp này với mong muốn được trường sinh bất lão.

Mục tiêu cuối cùng là... đừng chết

Tim Gurner - một triệu phú bất động sản người Úc - vừa thu hút thêm sự chú ý mới của dư luận khi công bố về những nỗ lực kéo dài tuổi thọ mới của mình. Gurner là một đại diện tiêu biểu của xu hướng ngày càng nhiều người siêu giàu dành phần lớn tài sản cho “biohacking”.

“Mục tiêu cuối cùng của tôi là đừng chết”, Bryan Johnson nói về kế hoạch sống mãi gây tranh cãi của mình - Nguồn ảnh: The Guardian
“Mục tiêu cuối cùng của tôi là đừng chết”, Bryan Johnson nói về kế hoạch sống mãi gây tranh cãi của mình - Nguồn ảnh: The Guardian

Một số kỹ thuật mà Gurner yêu thích được phổ biến ở Câu lạc bộ Trường thọ Saint Haven (Collingwood, Melbourne) do chính ông sáng lập. Ở đây có các hộp ô xy cao áp, liệu pháp áp lạnh, ống truyền tĩnh mạch, máy chụp MRI toàn thân, quét não, xét nghiệm máu, thuốc men, mền làm mát giường, mền chống lo âu, liệu pháp ánh sáng đỏ, thảm trường điện từ xung… Giá trọn gói một liệu trình lên đến 250.000 USD. 

Chia sẻ với Tạp chí Forbes Australia vào năm ngoái về “14 mẹo sinh học hàng đầu để đạt được hiệu suất sức khỏe tốt nhất”, Gurner nói sau khi chứng kiến cha mình mắc bệnh ung thư, ông đã bắt đầu mong muốn có một cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh. “Bất cứ thứ gì có liên quan đến thử nghiệm biohacking tôi đều đã làm. Từ nấm định lượng vi mô đến xông hơi hồng ngoại, vòng thông minh Our, dẫn lưu bạch huyết... Tôi muốn thử để xem điều gì phù hợp với mình” - ông nói.

“Mục tiêu cuối cùng của tôi là đừng chết” - doanh nhân công nghệ người Mỹ Bryan Johnson nói về kế hoạch trường sinh gây tranh cãi của mình. Tiến hành cuộc chiến chống lại sự lão hóa, Johnson đã tuân thủ một lịch trình nghiêm ngặt hằng ngày. Thức dậy lúc 4g30 sáng, ăn tất cả các món và kết thúc việc dùng bữa trước 11 giờ. Người đàn ông 46 tuổi đi ngủ một mình lúc 8g30 tối và không bao giờ có ngoại lệ.

Trong ngày, Johnson uống hơn 100 viên thuốc các loại, tắm cơ thể dưới ánh đèn LED và ngồi trên một thiết bị điện từ cường độ cao mà ông tin rằng sẽ giúp củng cố khung xương chậu. Ông từ bỏ rượu, thuốc lá và nhiều thói quen sinh hoạt bình thường. Tất cả nhằm mục đích làm chậm tốc độ lão hóa, hy vọng giữ nguyên tuổi sinh học bất chấp việc thời gian qua đi. 

Tất cả chỉ lãng phí tiền bạc?

Như đã nói, “biohacking” là làn sóng của những người khao khát được sống mãi, dẫn đầu bởi những người rất giàu, có niềm tin cực đoan vào những thứ chưa được khoa học kiểm chứng. Dù Gurner hay Johnson có những tuyên bố về các hiệu quả đạt được nhưng không có nghĩa là họ đã thử nghiệm các hoạt động một cách hợp pháp và áp dụng các kỹ thuật đã được cấp phép.

Các bác sĩ khẳng định chế độ ăn uống hợp lý, vận động và suy nghĩ tích cực là liều thuốc tốt nhất cho việc sống khỏe mạnh, sống thọ
Các bác sĩ khẳng định chế độ ăn uống hợp lý, vận động và suy nghĩ tích cực là liều thuốc tốt nhất cho việc sống khỏe mạnh, sống thọ

Nhiều người nổi tiếng khác thì chọn cách sử dụng các loại thuốc đang được thử nghiệm với liều lượng nhỏ hoặc hạn chế nghiêm ngặt lượng calo nạp vào cơ thể bất chấp các ý kiến nhận định đó là chế độ ăn kiêng cực đoan. Cụ thể, họ sử dụng các loại thuốc như resveratrol, metformin… và các hóa chất khác dù không thể chứng minh được lợi ích trong việc chống lão hóa. Chẳng hạn Jack Dorsey - người từng sở hữu Twitter - hiện theo đuổi chế độ ăn 1 bữa/ngày kèm theo “nước muối” buổi sáng. 

Theo các chuyên gia, hầu hết các biện pháp nói trên đều chỉ là sự lãng phí tiền bạc. Giáo sư Luigi Fontana (Đại học Sydney, Úc) - một chuyên gia về tuổi thọ - cho rằng người ta đang bỏ tiền ra để tìm kiếm một “viên thuốc thần kỳ” không có thực. Những quan niệm đắt tiền của “biohacking” về trường sinh là chuyện vớ vẩn. Theo ông, mạng xã hội tràn ngập những người rao bán các biện pháp kéo dài tuổi thọ chưa được chứng minh. “Hầu hết các trường hợp đều không có bằng chứng khoa học nào cho thấy chúng có tác dụng. Nguy hiểm là ngày nay, cả những nhà khoa học nổi tiếng, có vẻ đáng tin cậy, cũng được trả tiền để đưa ra các tuyên bố về tác dụng chống lão hóa hoặc chuyển hóa từ các chất bổ sung” - Fontana nói.

Sở dĩ họ dám làm như vậy, theo Fontana, là vì các chất bổ sung ấy không phải là thuốc kê đơn, không chịu sự quản lý của cơ quan y tế, bất kỳ ai cũng có thể mua ở siêu thị dưới dạng thực phẩm chức năng. “Mạng xã hội là con đường ngắn nhất để thực hiện nhiều hoạt động tiếp thị biến thực phẩm chức năng thành những viên thuốc thần kỳ” - ông cho hay.

Ăn kiêng, tập thể dục, ngủ ngon, ít căng thẳng và cắt bỏ rượu bia, thuốc lá là những cách đã được chứng minh giúp khỏe mạnh, tăng tuổi thọ. Fontana nói: “Chế độ ăn uống là biện pháp hiệu quả nhất để làm chậm quá trình lão hóa. Cụ thể là chế độ ăn uống lành mạnh với thực phẩm chất lượng cao, ít calo rỗng, chủ yếu có nguồn gốc thực vật với nhiều loại rau, đậu, cá, quả hạch, sữa ít béo”. Ông cho biết thêm, điều quan trọng là phải thực hiện các loại bài tập khác nhau, bao gồm sức bền, sức đề kháng và tính linh hoạt, cùng với các biện pháp giảm căng thẳng như kỹ thuật thở hoặc suy nghĩ tích cực. 

Nam Anh (theo The Guardian, Forbes)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI