Giới rap Việt đừng để tai tiếng “leo thang”

13/08/2024 - 07:42

PNO - Không phủ nhận thời gian qua, các rapper Việt hoạt động tích cực với số lượng sản phẩm tung ra thị trường rất lớn, vượt xa các năm trước. Nhưng cùng với đó là nhiều tai tiếng, làm xấu hình ảnh chung.

Nhiều ồn ào, tai tiếng không nên có

Vài năm trở lại đây, dòng rap Việt phát triển cực thịnh. Nhờ hiệu ứng từ một số cuộc thi rap, các rapper Việt dần để lại ấn tượng tốt, góp phần đưa rap gần hơn với khán giả. Họ cũng được vinh danh ở nhiều giải thưởng âm nhạc.

Sự lao động chăm chỉ của các rapper thể hiện qua số album rap tung ra thị trường từ đầu năm đến nay. Gần nhất, rapper Karik (tên thật: Phạm Hoàng Khoa) gây chú ý khi cùng lúc giới thiệu 2 album nhạc rap nhân kỷ niệm 15 năm theo đuổi âm nhạc. Việc tung album kép là chuyện cực hiếm của nhạc Việt, nên có thể xem đây là “cú nhảy vọt” ấn tượng của nam rapper. Các rapper khác như Đạt Maniac (Trần Sơn Đạt), Double2T (Bùi Xuân Trường), Liu Grace (Trần Nguyễn Thanh Nhi)… cũng đã có các album, EP (đĩa mở rộng) chất lượng gửi đến khán giả, giúp tạo sự sôi động chung cho thị trường.

Dòng cảnh báo được đặt ở đầu MV Ổ quỷ  - Ảnh chụp màn hình
Dòng cảnh báo được đặt ở đầu MV Ổ quỷ - Ảnh chụp màn hình

Tuy nhiên, đi cùng sự phát triển của nhạc rap, những ồn ào từ các rapper Việt cũng tăng lên, từ âm nhạc cho đến đời tư. Nhiều rapper trẻ đang vô tình “đẩy” công chúng ra xa. Mới đây, rapper Coldzy (Đỗ Hoàng Hải) và tlinh (Nguyễn Thảo Linh) phải gỡ bản rap Fever vì có nhiều ngôn từ nhạy cảm, gợi dục như “Áo 2 dây buông lên sofa”, “Nằm lên giường cho chân vác lên vai”, “Kéo rèm lại sát bên em/ Đoán xem lần này ai sẽ làm ướt đệm/ Khóa phòng rồi khóa môi em”… Đây không phải lần đầu tlinh vướng ồn ào. Từ sau khi tham gia Rap Việt mùa 1, cô theo đuổi hình ảnh gợi cảm, nhưng nhiều lần gây tranh cãi vì cách ăn mặc, cách đối đáp với cộng đồng mạng và không ít bài rap có ca từ gợi dục.

Một số bản rap khác cũng chứa “rác”, nhưng nếu Fever không còn xuất hiện trên YouTube thì cho đến nay, các bản rap này không hề hấn gì, thậm chí còn nhận lượt xem cao. Như MV Ổ quỷ của nhóm rapper trẻ, hiện nhận được hơn 12 triệu lượt xem trên YouTube. Ca khúc nhiều lần nhắc đến “cỏ Mỹ” (cần sa - PV), chửi tục, khích bác người khác, ví trụ sở phường là “ổ quỷ”. Trong MV, các rapper phì phèo thuốc lá. MV này được cài đặt giới hạn độ tuổi và có dòng cảnh báo “Video này có thể không phù hợp một số người xem” ở đầu.

Không chỉ ồn ào trong âm nhạc, chuyện đời tư của các rapper cũng khiến dư luận chú ý. Nhiều rapper có đời sống phóng khoáng và không ngại chia sẻ chuyện “thay bồ như thay áo”. Một số đoạn tin nhắn tán tỉnh cho thấy các rapper cùng lúc yêu nhiều người cũng được bóc mẽ, lan truyền trên mạng xã hội. Đối diện với các ồn ào, có rapper im lặng nhưng nhiều cá nhân vẫn thản nhiên đáp trả, gọi mày - xưng tao, khiến làn sóng chỉ trích trên mạng càng lúc càng “nóng”.

Đừng đánh mất thiện cảm của công chúng

Trước khi được công chúng nhìn nhận thiện cảm hơn, dòng nhạc rap tại Việt Nam chỉ dành cho một nhóm đối tượng cụ thể. Rap mang tinh thần tự do, phóng khoáng, là nơi để nhiều cá nhân thể hiện quan điểm, cất lên tiếng nói cá nhân mạnh mẽ… nên ca từ đậm chất đường phố, bộc trực. Thậm chí rap diss (dùng rap để hạ bệ, khích bác người khác) cũng được xem là một phần “văn hoá” của rap. Các trận “diss” này luôn nhận được nhiều sự chú ý vì các rapper sẽ khoe khả năng rap cùng với việc viết lời làm sao để “hạ gục” đối thủ. Những lời nhục mạ không thiếu trong các trận đối đầu như cách mà Thành Draw (Nguyễn Tấn Thành) và 16 Typh (Phạm Hoàng Hải) đã “so găng” trong tháng 6/2024.

Sản phẩm Fever đã bị gỡ khỏi YouTube.
Sản phẩm Fever đã bị gỡ khỏi YouTube

Không ai có thể ép các rapper đi vào khuôn khổ trong sáng tác, cách thể hiện cũng như đời sống cá nhân. Tuy nhiên, một khi dòng nhạc rap thịnh hành hơn, các rapper trở thành người nổi tiếng và có sức ảnh hưởng nhất định, họ cần ý thức về cách ứng xử và âm nhạc mà họ tạo ra. Nhất là khi cộng đồng rap Việt đang nỗ lực đến gần hơn với khán giả, lan tỏa giá trị tích cực để được nhìn nhận đúng đắn, bất kỳ cách hành xử nào thiếu kiểm soát, lỗ mãng cũng có thể làm xấu hình ảnh chung.

Đầu năm 2024, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đã làm việc với rapper B Ray (Trần Thiện Thanh Bảo) sau khi ca khúc Để ai cần của anh bị chỉ trích dữ dội. Nội dung bài rap mang tính chế giễu, trù ẻo người phụ nữ sau chia tay với nhiều câu từ không phù hợp, thể hiện thái độ thù hằn cay nghiệt từ phía người nam. Lập tức, B Ray phải gỡ ca khúc trên mọi nền tảng, xin lỗi công chúng. Không hiếm trường hợp các rapper phải xin lỗi, thậm chí bị xử phạt hành chính vì sáng tác xúc phạm tôn giáo, tín ngưỡng như bản rap Thích Ca Mâu Chí của rapper Chí (Lê Vũ An) từ nhóm Rap Nhà Làm hay rapper Chị Cả (Đinh Thanh Tùng) với sáng tác mang nội dung trái thuần phong mỹ tục.

Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng là kịp thời để “gạn đục khơi trong” giới rap Việt. Tuy nhiên, có thể vì mức phạt còn nhẹ nên sau án phạt, nhiều rapper vẫn thản nhiên sản xuất “nhạc rác” ra thị trường. Nếu các rapper không ý thức với những sản phẩm âm nhạc cũng như việc giữ hình ảnh đời tư, có thể công chúng sẽ có những nhìn nhận, đánh giá không tốt về giới rap Việt, ảnh hưởng đến nỗ lực của cộng đồng nghệ sĩ rap.

An Trịnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI