Đổi mới khâu ra đề theo hướng lấy dữ liệu từ thực tế và giúp học sinh có được không gian rộng mở để sáng tạo là một thay đổi lớn trong giáo dục; nhưng nếu cứ liên tục đưa những chuyện nhảm nhí của giới showbiz vào đề thi như vừa qua thì rất khó có thể chấp nhận.
|
Những đề thi trong trường phổ thông lạm dụng thực tế |
Đậm mùi… showbiz
Sau khi bất ngờ xuất hiện trong đề thi môn tài chính ngân hàng, mới đây “hot girl” Chi Pu lại tiếp tục “nóng” khi trở thành “nhân vật” trong đề kiểm tra môn ngữ văn của Trường THPT Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ).
Đề văn này yêu cầu các em học sinh (HS) lớp 10 hóa thân vào Chi Pu để viết một bài tự sự có sử dụng yếu tố biểu cảm, kể về một ngày của cô hot girl sau khi ra mắt MV bị “ném đá”. Tương tự, bài “hit” Em gái mưa của ca sĩ Hương Tràm đã không chỉ gây bão trên mạng mà còn xuất hiện trong đề kiểm tra 15 phút môn vật lý lớp 10 của Trường THPT chuyên Hùng Vương (tỉnh Bình Dương).
Trước đó không lâu, đề kiểm tra môn ngữ văn lớp 11 Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc cũng từng yêu cầu HS chỉ ra thông điệp đoạn trích trong bài hát Lạc trôi của Sơn Tùng M-TP. Đề thi trích dẫn một phần lời bài hát với câu hỏi liên quan đến phương thức biểu đạt của văn bản, tìm từ Hán Việt trong đoạn trích. Đề bài còn hỏi HS hiểu thế nào về hai câu “Bâng khuâng mình ta lạc trôi giữa đời/ Ta lạc trôi giữa trời”?
Rõ ràng, với một ca khúc còn chưa xác định được giá trị thế nào mà lại vội vàng chọn đưa vào đề thi cho HS tìm hiểu, phân tích thì thật khó làm cho dư luận yên lòng.
Càng bất an hơn khi đó là sản phẩm của một chàng ca sĩ/nhạc sĩ trẻ đã và đang gây rất nhiều tranh cãi về đạo đức và tài năng.
Tệ hại hơn, những nhân vật “đình đám” của showbiz như "nữ hoàng nội y" Ngọc Trinh với câu phát biểu “kinh điển” “Yêu mà không có tiền thì cạp đất mà ăn à?” hay như “Bà Tưng” cũng lần lượt được chễm chệ ngự vào đề thi, bất chấp mọi ý kiến phản bác vì hai cái tên đó vốn quá nhiều tai tiếng.
Ứng dụng… sai thực tế
Chỉ mới ngày 12/12 vừa qua, đề thi môn toán của Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) ở câu 28 có nội dung: “Một con quạ đang khát nước. Nó bay rất lâu để tìm nước nhưng chẳng thấy một giọt nước nào. Mệt quá, nó đậu xuống cành cây nghỉ. Nó nhìn xung quanh và bỗng thấy một cái ly nước ở dưới gốc cây. Khi tới gần, nó mới phát hiện ra rằng cái ly nước có dạng hình trụ: chiều cao là 15cm, đường kính đáy là 6cm, lượng nước ban đầu trong ly chỉ cao 5cm, cho nên nó không thể uống được nước. Nó thử đủ cách để thò mỏ được đến mặt nước nhưng mọi cố gắng của nó đều thất bại. Nó nhìn xung quanh, nó thấy những viên sỏi hình cầu có cùng đường kính là 3cm nằm lay lắt ở gần đấy. Lập tức, nó dùng mỏ gắp 15 viên sỏi thả vào ly. Hỏi sau khi thả 15 viên sỏi, mực nước trong ly cách miệng ly bao nhiêu cm?”. Kèm theo là hình ảnh minh họa.
|
Những đề thi trong trường phổ thông lạm dụng thực tế |
Đề thi được những người ra đề tự khen là thú vị, lồng ghép được một câu chuyện để HS tính toán theo hướng ứng dụng.
Thế nhưng, sau khi được “quảng cáo” trên mạng, đề thi bị phát hiện phần ứng dụng... không được thực tế.
Ông Phạm Phúc Thịnh, Phó hiệu trưởng khối phổ thông trường Việt Mỹ nhận định: “Tôi thấy có cái gì đó sai sai. Vì đường kính đáy chỉ là 6cm, nên chỉ có thể bỏ lọt hai viên sỏi hình cầu để tạo thành một lớp sỏi có chiều cao 3cm. Do vậy, không thể nào bỏ hết 15 viên sỏi vào ly. Bài toán thực tế này xem ra không được... thực tế lắm”.
Theo ý kiến của tiến sĩ toán học Trần Nam Dũng, có lẽ tác giả chỉ nghĩ đến công thức tính thể tích và sẽ cho đáp số là 2,5cm nhưng không để ý đến việc không thể bỏ được 15 hòn sỏi vào ly nước có kích thước như trong đề. Đây là một bài học chúng ta cần chú ý khi thiết lập các tình huống thực tế.
Sáng tạo nhưng phải hướng học sinh đến những điều tốt đẹp
Gần đây, việc đưa các vấn đề thời sự, nhất là chuyện của giới showbiz vào đề kiểm tra có vẻ như đang trở thành trào lưu, bị lạm dụng. Ông Phạm Phúc Thịnh đánh giá, đây chính là mối nguy hiểm trong giáo dục, cứ nghĩ là đổi mới, hiện đại mà quên đi sự chính xác khoa học.
Là một giáo viên đi đầu trong xu hướng đổi mới giảng dạy, thầy Trần Tuấn Anh, Trường THCS Bạch Đằng (Q.3) nhấn mạnh: “Tôi ủng hộ xu hướng ra đề theo hướng gắn văn học với cuộc sống. Đề thi phải gợi mở cho HS cảm thụ, sáng tạo. Đề thi được đánh giá là đổi mới, sáng tạo khi nó phù hợp, có tính giáo dục và nhân văn cao. Nếu lạm dụng quá đà coi chừng sẽ phản giáo dục, định hướng sai cho HS. Việc này đòi hỏi người ra đề phải tinh tế trong lựa chọn ngữ liệu để lồng ghép vào đề”.
Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân bày tỏ, ông cảm thấy thương cho HS khi sự phức tạp của giới showbiz được khoác lên chiếc áo “thực tế” để đi vào đề thi.
“Một đề thi phải đảm bảo được chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng, tính định hướng, tính giáo dục, thẩm mỹ và giá trị văn chương. Điều quan trọng hơn là phải vừa sức, gần gũi với HS. Vừa sức, gần gũi không có nghĩa là HS đang quan tâm gì, việc gì đang xôn xao ngoài xã hội đều có thể đưa vào đề thi một cách dễ dãi. Cần có sự thẩm định, chọn lựa những sự kiện đúng-sai rõ ràng. Những vấn đề còn nhiều tranh cãi thì không nên vội đưa vào đề thi. Đề thi còn phải mang tính định hướng cho các em đến cái tốt cái đẹp, những sự kiện nhảm nhí chỉ hướng giới trẻ đến sự quan tâm lệch lạc”- thầy Anh nói.
Bất kỳ sự thay đổi nào cũng có thể gặp khó khăn và gây tranh cãi, nhưng nếu cứ cố khoác chiếc áo “thực tế” mà vô tình biến sự đổi mới thành việc cổ xúy cho những sự kiện nhảm nhí thì rất khó chấp nhận. Dù đổi mới đến đâu thì tính khoa học, tính giáo dục vẫn phải là yêu cầu tối thượng của một đề thi. Điều này rất cần sự tỉnh táo của người ra đề và cả sự “gác cửa” chỉn chu của cấp quản lý.
Tiêu Hà