Giới chức Indonesia tiết lộ sự thật về hệ thống phao cảnh báo sóng thần

24/12/2018 - 11:16

PNO - Hai ngày sau thảm họa sóng thần ở eo biển Sunda giữa hai đảo Sumatra và Java, giới chức Indonesia thừa nhận, hệ thống phao cảnh báo sóng thần ngừng hoạt động từ năm 2012.

Gioi chuc Indonesia tiet lo su that ve he thong phao canh bao song than
Indonesia tiết lộ hệ thống phao cảnh báo sóng thần đã không còn hoạt động từ năm 2012.

Ngày 24/12, ông Sutopo Purwo Nugroho - người phát ngôn của Cơ quan phòng, chống thiên tai Indonesia xác nhận trên trang Twitter cá nhân: “Vì thiếu kinh phí, lỗi kỹ thuật liên tục, hư hỏng thiết bị mà hệ thống phao cảnh báo sóng thần đã không thể hoạt động hơn sáu năm qua”.

Trước khi thảm họa xảy ra đêm 22/12, không hề có bất kỳ cảnh báo sóng thần nào được đưa ra. Lẽ ra hệ thống này đã được sửa chữa từ sớm, nhưng để hệ thống phao cảnh báo sóng thần hoạt động ở mức tối ưu nhất thì cần đến hàng ngàn phao. Đây là điều mà chính quyền không đáp ứng nổi.

Indonesia không có hệ thống nào cảnh báo sóng thần cho trường hợp lở đất dưới biển, hoặc núi lửa phun trào dưới đáy biển. (Núi lửa phun trào dưới đáy biển hiếm hơn núi lửa trên mặt đất, và hoạt động với tần suất khá cao và cường độ mạnh).

Gioi chuc Indonesia tiet lo su that ve he thong phao canh bao song than
Ít nhất 222 người thiệt mạng, 843 người bị thương, 30 người vẫn còn mất tích trong thảm họa sóng thần đêm 22/12, do hoạt động của núi lửa Krakatau.

Hiện Indonesia chỉ có hệ thống cảnh báo sóng thần sau động đất. Vì không có động đất xảy ra đêm 22/12, nên không ai hình dung ra chuyện có sóng thần ập vào. Hệ thống cảnh báo cũng không phát tín hiệu.

Ở Indoensia có 127 núi lửa, chiếm 13% số núi lửa trên toàn thế giới, trong đó có nhiều núi lửa hoạt động dưới biển.

Theo ông Sutopo Purwo Nugroho, thảm họa lần này là bài học đắt giá để chính quyền nghiêm túc đầu tư thêm hệ thống cảnh báo sóng thần.

Các chuyên gia cảnh báo rằng trong những ngày tới, sóng thần vẫn có thể tấn công khu vực này, do núi lửa Krakatau tiếp tục hoạt động dữ dội.

Núi lửa Anak Krakatau hoạt động dữ dội trong ngày 23/12. Clip: CNA

Minh Khôi (Theo CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI