Giỗ tổ sân khấu và sự thật sau những câu chuyện "hoang đường"

24/09/2015 - 11:46

PNO - Không khí rộn ràng đang diễn ra ở nhiều sân khấu tất bật chuẩn bị cho ngày đặc biệt, rất trang trọng của giới làm nghệ thuật là lễ giỗ tổ.

Gio to san khau va su that sau nhung cau chuyen

Không ai rõ nghi thức này có từ bao giờ, chỉ biết vào ngày 11 - 12 tháng Tám âm lịch hàng năm, nghệ sĩ (NS) của các loại hình hát bội, cải lương, kịch nói... lại quây quần bên nhau để ghi nhớ công lao các bậc tiền nhân, những người khai sáng nghề nghiệp.

Sức sống từ truyền thuyết

Người làm sân khấu (SK) thế hệ trước vẫn kể cho lớp sau nhiều giai thoại, truyền thuyết khác nhau về ông tổ của SK. Câu chuyện được kể nhiều nhất là về hai vị hoàng tử mê xem hát đến quên ăn quên ngủ, sức khỏe hao mòn nên bị vua cha ngăn cấm.

Một đêm nọ, cả hai lén vua cha đi xem hát rồi kiệt sức chết. Sau đó, ban hát thấy nhị hoàng thường hiện về xem hát, biết linh hiển nên lập bàn thờ, phụng kính là tổ.

Cũng có truyền thuyết cho rằng ông tổ của SK là vị hoàng tử mê SK, trốn vua cha, chui vào trong bộng cây vông để theo gánh hát rồi chết cháy trong bộng cây. Vì thế, giới NS xưa kiêng mang guốc vông và tượng của ông tổ cũng được làm bằng gỗ vông.

Một truyền thuyết khác kể rằng, có ba vị hoàng tử tên Càn, Chơn, Chất rất mê xem hát, thường dùng trái thị làm ám hiệu để lén vua cha đi xem… Một hôm Càn bận, chỉ có Chơn, Chất đến gánh hát.

Sau đêm đó, hai hoàng tử mắc trận mưa lớn và chết vì lạnh. Thái tử Càn lên ngôi, nhưng phần nhớ hai em, phần nhớ SK nên bỏ cung đình đi tìm người lập gánh hát. Trong một mùa mưa bão, gánh không hát được nên rã ban. Ông Càn gom góp gia sản còn lại bỏ vào hai thúng gánh đi, nhưng kiệt sức, gọi tên của hai em rồi chết.

Nơi ông chết thường có bóng hình của ba anh em ôm nhau trong mùi trái thị ngào ngạt. Ba linh hồn ấy thường rủ nhau đến các ban hát để nương náu, xem hát và giúp đỡ NS. Ông Càn mất vào ngày 12 tháng Tám âm lịch nên những người làm SK chọn ngày này để tưởng nhớ ông Càn và hai em trai, những người được xem như tổ nghề.

NSND Đinh Bằng Phi nói: “Nhiều giả thuyết về tổ nghiệp là cách để những NS ngày xưa đặt ra nguyên tắc, quy định nhằm duy trì sự ổn định, tôn ti, trật tự, thái độ làm nghề nghiêm túc của các đoàn hát. Người xưa dùng hình ảnh ông tổ để răn dạy NS những điều hay, lẽ phải”.

Theo thời gian, quan niệm, cách nhìn nhận về ông tổ SK đã ít nhiều đổi thay. Ông tổ của SK còn là những người đã đóng góp cho SK, từ anh thợ mộc, thợ rèn, thợ may… đến những ngành nghề, công việc khác nhau trong đời thực đã cho người NS mượn hình ảnh để hóa thân và được khán giả yêu ghét trên SK.

“Tổ nghiệp cũng chính là những người đã khai sáng ra nghệ thuật SK, những bậc tiền nhân đã góp công sức gìn giữ và phát huy để nghệ thuật SK ngày càng được hoàn thiện hơn. Hình ảnh hai vị hoàng tử cũng được xem là tất cả khán giả của SK, những người đã góp phần nuôi sống NS”, NSND Đinh Bằng Phi chia sẻ. 

Những câu chuyện về đạo đức làm nghề

Giới SK thường truyền khẩu nhiều câu chuyện về những điều kiêng kỵ hay những trường hợp được tổ đãi, bị tổ trác. Những câu chuyện này ẩn chứa nhiều bài học về đạo đức, lối sống và tinh thần tôn sư trọng đạo của người NS.

Các NS đi trước vẫn luôn răn dạy thế hệ sau đừng bao giờ đem tổ nghiệp ra đùa giỡn trên SK hoặc thề thốt để lấp liếm cho việc làm sai của mình.

Chuyện của một kép chánh ở đoàn Minh Cảnh, từng là một trong những kép có cát-sê cao nhất những năm 1960 thường được kể như lời răn dạy cho thế hệ sau. Cứ mỗi lần ca trật nhịp, anh kép này tức giận đá bàn thờ tổ, trách móc sao đã xá rồi mà tổ không “độ” cho mình.

Con đường công danh của anh kép sau đó dừng lại, không tiến thêm bước nào. Sau năm 1975, anh vẫn là kép chánh của một đoàn cải lương ở TP.HCM nhưng không mấy khán giả còn nhớ đến.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI