Giỗ tổ họ Phan xuân này vắng anh

18/03/2018 - 07:48

PNO - Ông đến với bà con thật hồn nhiên, vui vẻ bắt tay thăm hỏi mọi người. Bà con thường đến chụp hình cùng ông để lưu lại những kỷ vật tinh thần với một nhân vật lịch sử, một người con chung thủy, mẫu mực của dòng tộc.

85 tuổi đời, 60 năm tuổi đảng, hoạt động cách mạng từ năm 1947, trải qua 2 thời kỳ kháng chiến chống thực dân đế quốc, ông Phan Văn Khải giữ nhiều trọng trách ở thành phố Hồ Chí Minh và Trung ương, cuối cùng là Thủ tướng Chính phủ, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Sao Vàng (2008).

Gio to ho Phan xuan nay vang anh
 

Điều đó đã phác họa chân dung về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Là người kế nhiệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải đã triển khai mạnh mẽ công cuộc đổi mới và cải cách toàn diện kinh tế xã hội ở Việt Nam từ 1997 đến 2007, đã thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, duy trì tốc độ tăng trưởng cao; cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đời sống nhân dân được cải thiện, hàng năm có hơn 1,2 triệu lao động có việc làm mới.

Chúng tôi, một người con của Phan tộc xin ghi lại vài suy nghĩ về ông (mà trong dòng tộc gọi là Cụ) đối với bà con dòng tộc, một thiết chế xã hội hàm chứa nhiều nội dung về lịch sử, văn hóa, đạo đức, truyền thống.

Thuở sinh thời, ông Phan Văn Khải cùng với cụ Phan Văn Hòa (Võ Văn Kiệt), cụ Phan Đình Đống (Mai Chí Thọ) và Thượng tướng Phan Trung Kiên đã nhiều lần đến dâng hương tại đền thờ họ Phan ở Bình Chánh, trực tiếp góp ý cho hội đồng trị sự với tình cảm chân thành yêu quý.

Trong 10 năm gần đây, dường như năm nào, lễ giỗ tổ Phan tộc cũng có mặt của ông Phan Văn Khải, với tư cách Trưởng ban cố vấn Phan tộc Việt Nam – kiêm Trưởng ban cố vấn Phan tộc TP.HCM.

Gio to ho Phan xuan nay vang anh
 

Ông đến với bà con thật hồn nhiên, vui vẻ bắt tay thăm hỏi mọi người. Bà con thường đến chụp hình, xin chữ ký của ông để lưu lại những kỷ vật tinh thần quý báu với một nhân vật lịch sử, một người con chung thủy, mẫu mực của dòng tộc.

Ông Phan Văn Khải đã tham gia dường như trọn vẹn các lễ nghi của lễ giỗ tổ. Ông dẫn đầu đoàn người thắp nhang lên bàn thờ tổ tiên với tấm long tôn kính, trang nghiêm; ông chúc tết bà con với giọng nói ấm áp, bằng những câu chữ mộc mạc gần gũi với cuộc sống họ hàng, gia đình nhưng hàm chứa bao nội dung ý nghĩa về giáo dục truyền thống, văn hóa, về trách nhiệm công dân, về bổn phận của các thành viên trong gia đình, dòng họ.

Ông luôn căn dặn: mỗi người trong họ Phan phải đem hết tài năng, sức lực của mình để cống hiến cho đất nước…, bồi đắp thêm truyền thống cao đẹp của dân tộc Việt Nam, trong đó có họ Phan chúng ta.

Ông trao giấy khen cho các cụ già với sự trân trọng và sẻ chia, trao học bổng cho các cháu trong họ với lời động viên khen ngợi, trao cả niềm tin cho tuổi trẻ trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt của cộng đồng dòng tộc.

Ông quây quần cùng mọi người xung quanh bàn tiệc “tự biên tự diễn” dù rất đơn giản, đạm bạc, ông luôn khen ngon, rồi nâng cốc, vui cười thân thiện.

Gio to ho Phan xuan nay vang anh
 

“Quân – Thần giai cộng lạc”, bà con cùng vị Thủ tướng năm nào cùng vui cười như tình cảm cha con, chú cháu, anh em đồng chí, đồng đội. Có lẽ vì thế mà hình ảnh của ông luôn được lưu giữ lâu bền trong lòng bà con, tầm vóc của ông được tôn cao. Đó như là một biểu hiện của đạo đức con người, đức độ của lãnh đạo, một nhân tố vô cùng quan trọng đối với xã hội phương Đông và có lẽ ông  luôn thấm thấu lời dạy của Bác Hồ, muốn dân trọng, dân tin thì phải gần dân, thương dân, lo cho dân…

Ông cũng thấm thấu lời của người xưa, muốn “trị quốc” phải “tu thân; tề gia”, muốn lãnh đạo được xã hội, bản thân phải có đức độ, phải giữ được đạo nhà, đạo đức gia đình, dòng tộc. Có lẽ vì nếp nghĩ truyền thống đó mà bà con dòng họ rất kính trọng, quý mến, gần gũi với ông Sáu Khải.

Đến độ xuân về, bà con lại háo hức đến giỗ họ, để tri ân tổ tiên, chúc phúc bà con và để được gần gũi, tâm sự cùng “Cụ Sáu Khải”. Vậy mà, trước lễ giỗ họ năm nay ông đã về với ông bà tổ tiên. Tinh thần hồ hởi, chan chứa niềm vui, không khí nồng ấm buổi họp mặt năm nay bị trùng xuống, ai ai cũng cảm nhận được sự mất mát lớn lao – giỗ họ xuân này vắng một nhân vật mà ai đến đây cũng mong được gặp, được bắt tay chào hỏi, trò chuyện.

Chương trình lễ giỗ họ Phan năm nay dự định bàn “tổ chức một buổi hội thảo để hiến kế tiếp tục phát triển việc họ dưới sự chủ trì của Trưởng ban cố vấn Phan tộc Việt Nam Phan Văn Khải” đã bị bỏ dở…

Gio to ho Phan xuan nay vang anh
 

35 đoàn đại biểu với gần 1.000 người đại diện cho các chi phái họ Phan khắp cả nước đến nhà thờ họ Phan, ở xã Vĩnh Lộc A, Bình Chánh năm nay lần lượt dâng hương lên bàn thờ tổ tiên, dường như ai cũng cầu khẩn cho ông qua được cơn nguy kịch để sống mãi với con cháu họ hàng. Và ai ai cũng thầm hứa thực hiện lời dặn của ông và theo gương ông, sẽ cố gắng làm tròn trách nhiệm của người công dân đối với Tổ quốc, bổn phận của người con đối với gia đình, dòng họ như ông đã làm.

Sáng ngày 17 tháng 3, chỉ sau ngày giỗ tổ họ Phan năm nay đúng một tuần, nhận được tin buồn với sự tiếc thương vô hạn - Cụ Phan Văn Khải đã từ trần. Xin kính cẩn cầu mong ông về với ông bà tổ tiên thật thanh thản, siêu thoát, phù hộ độ trì cho nhân dân cho bà con dòng họ, cho con cháu nước nhà.

Xin vĩnh biệt Anh và mãi mãi tri ân, tưởng nhớ Anh, một nhà lãnh đạo cao cấp đầy nhiệt huyết, tài năng và đức độ của Đảng và Nhà nước, một người con hiếu thảo của dân tộc, của gia đình, dòng họ Phan – Phan Văn Khải.

Phan Xuân Biên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI