"Giỗ Tổ bây giờ lớn hơn, hoành tráng hơn nhưng niềm vui thì không còn"

27/09/2020 - 20:19

PNO - 12/8 âm lịch hằng năm, giới nghệ sĩ trên cả nước tề tựu tưởng nhớ về tiền nhân, hun đúc tinh thần để tiếp tục trên con đường chinh phục khán giả.

Xã hội phát triển mang đến những điều văn minh nhưng cũng kèm theo đó là sự tiếc nuối cho một quá khứ đẹp đẽ, ấm cúng, đặc biệt với những nghệ sĩ theo đuổi các bộ môn nghệ thuật truyền thống.  

Trong ký ức của NSƯT Ngọc Dung, giỗ Tổ sân khấu như ngày Tết của nghệ sĩ. 1 tuần trước ngày giỗ, họ sẽ cùng nhau làm lồng đèn ngôi sao, trang trí sân khấu thật lộng lẫy... bởi nơi đây chính là ngôi nhà chung của họ. Ông bầu của đoàn hát sẽ chấm điểm bằng cách dán thưởng lên lồng đèn.

Từ mùng 10/8 âm lịch, tất cả đoàn hát đều ngừng diễn. Ngày 11/8 âm lịch sẽ cúng xôi chè, 12/8 sẽ cúng heo quay, gà... rồi các nghệ sĩ lần lượt lên sân khấu diễn, chung vui cùng nhau.

Lễ vinh danh các thầy đờn nhân Lễ kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam
Lễ vinh danh các thầy đờn nhân Lễ kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam

“Ngày đó, chúng tôi đều háo hức để chờ đến giỗ Tổ. Đi diễn quanh năm suốt tháng, ít có thời gian để nghỉ ngơi nên đây cũng là lúc anh, chị, em nghệ sĩ được gặp gỡ, hàn huyên”, NSƯT Ngọc Dung chia sẻ.

NSƯT Thanh Kim Huệ vẫn nhớ như in những ngày đầy niềm vui, vô lo vô nghĩ trong đoàn hát bởi họ xem nhau như anh em, gia đình. “Thời gian trôi đi không ai níu lại. Giỗ Tổ bây giờ lớn hơn, hoành tráng hơn nhưng niềm vui thì không còn như xưa bởi ai đã về nhà nấy. Nhưng trong tôi luôn cố gắng giữ những hồi ức đẹp nhất về một thời không thể quay lại”, bà nói. 

Nhớ về ngày xưa, cũng là lúc các nghệ sĩ thầm nhớ lại những bài học thuở mới vào nghề, cũng là điều giúp họ xây đắp tên tuổi vững chắc như hôm nay.

NSND Minh Vương: Lòng tôn sư trọng đạo

Trong dòng hồi ức khi rõ ràng, rành mạch, lúc mơ hồ, đứt quãng vì lớp bụi thời gian, NSND Minh Vương nói ông học được rất nhiều trong suốt quá trình từ lúc bắt đầu cho đến khi xa dần nghề hát.

Sau gần 6 thập niên theo nghiệp cầm ca, NSND Minh Vương nói ông luôn nhớ bài học về lòng tôn sư trọng đạo đã được các thầy dạy cho mình. Ông cho rằng, việc tôn sư trọng đạo thuộc về nhận thức cá nhân của mỗi người, không phải cứ bắt buộc mà thành. Tuy nhiên, là người may mắn nhận được nhiều sự truyền dạy, NSND Minh Vương luôn tâm niệm là một nghệ sĩ phải nhớ ơn người dạy dỗ nên mình.

“Trong dịp giỗ Tổ nghề, tôi càng thấm thía hơn hết bài học tôn sư trọng đạo, nhớ ơn những ai đã dạy dỗ, giúp đỡ tôi có được ngày hôm nay. Chúng ta có thể nổi tiếng, có thể giỏi hơn thầy nhưng nếu quên người dạy mình thì điều đó không thể chấp nhận", NSND Minh Vương bộc bạch.

NSND Minh Vương tham gia lễ giổ tổ sân khấu được tổ chức sớm tại Nhà Văn hoá Thanh niên TPHCM hôm 26/9
NSND Minh Vương tham gia lễ giổ tổ sân khấu được tổ chức sớm tại Nhà Văn hoá Thanh niên TPHCM hôm 26/9

Nghệ sĩ Minh Vương cũng xuất hiện trong nhiều chương trình, cuộc thi liên quan đến âm nhạc với tư cách giám khảo. Ông nói, với thời gian ngắn ngủi trên sóng truyền hình, đôi khi ông chỉ kịp nhận xét về chuyên môn, những điều mà thí sinh còn thiếu sót để hoàn thiện phần biểu diễn. Nam nghệ sĩ không có nhiều thời gian nói về các câu chuyện bên lề, góp ý thêm cho thí sinh về những bài học cuộc sống. Tuy nhiên, tại hậu trường, ông cho rằng chính cách ông đối xử với mọi người, cũng như cách nhiều thế hệ hậu bối ứng xử với bậc tiền bối như ông cũng là bài học để thế hệ trẻ noi theo.

NSƯT Ngọc Dung: Muốn thành công, đừng tự phụ

NSƯT Ngọc Dung theo các đoàn hát bội, cải lương từ năm 5 tuổi. Trong rất nhiều năm theo nghề, bà nói ít khi được mẹ khen, cho đến khi mẹ bà qua đời. Các tiền nhân thường lo sợ nếu được khen nhiều, cộng với cái tôi lớn, nghệ sĩ thường sinh kiêu căng, ngạo mạn. Đôi lúc, bà cũng chạnh lòng vì luôn cố gắng nhưng không được khích lệ từ lời khen, nhưng càng đi lâu với nghề, nghệ sĩ Ngọc Dung nhận ra điều đó là đúng đắn.

“Nghệ thuật là học cả đời vì nó rộng như biển, dài như sông. Nếu chưa về hưu, vẫn còn đi đoàn hát, tôi vẫn sẽ học, từ người đi trước, lẫn lớp trẻ sau này vì ai cũng có hay riêng. Tôi đã được phong danh hiệu, nhưng điều đó không có nghĩa tôi đủ giỏi với nghề này, để không cần phải học thêm. Tự phụ là bệnh nguy hiểm có thể giết chết nghệ sĩ”, nữ nghệ sĩ nói.

NSƯT Ngọc Dung cho biết đến hiện tại khi bước lên sân khấu bà vẫn chuẩn bị chỉn chu như thuở mới vào nghề
NSƯT Ngọc Dung cho biết đến hiện tại khi bước lên sân khấu bà vẫn chuẩn bị chỉn chu như thuở mới vào nghề

Đó cũng là bài học mà NSƯT Ngọc Dung vẫn hay dạy học trò, trước khi nói với họ về chuyên môn trong nghề nghiệp. “Tài năng có thể rèn giũa qua năm tháng nhưng đạo đức phải là cái nền cơ bản cần có của một nghệ sĩ. Không tự phụ sẽ biết luôn phải học hỏi, hoà nhã với đồng nghiệp, cư xử đúng mực với khán giả... Có như thế, nghệ sĩ mới có thể đi đường dài với nghề”, bà chia sẻ.

NSƯT Ngọc Dung vẫn giữ thói quen mang theo một quyển sổ nhỏ để ghi chép góp ý cho thế hệ sau khi xem những vở diễn. Tuy nhiên, theo bà thời nay do nghệ sĩ khá dễ dàng để bước lên vị trí đào chánh, kép chánh nên sự nhìn nhận với mọi thứ cũng khác đi, đôi khi ít chịu nhận lời góp ý. Cũng có trường hợp nghệ sĩ trẻ vì đóng vai nhỏ mà chuẩn bị không chỉn chu... Những điều đó khiến bà cảm thấy buồn lòng, tuy nhiên, nữ nghệ sĩ vẫn giữ thói quen góp ý để giúp người đi sau tiến bộ hơn dẫu ít hay nhiều. Bởi theo bà, đó là những gì bà còn có thể làm được cho sân khấu hát bội, khi tuổi đời ngày một lớn hơn.                        

NSƯT Thanh Kim Huệ: Khiêm tốn, khiêm tốn và khiêm tốn

Nghệ sĩ Thanh Kim Huệ nói bà may mắn ngay từ khi khởi đầu sự nghiệp đã gặp gỡ được những người thầy, đàn anh, đàn chị nổi tiếng nhưng rất gần gũi và luôn hỗ trợ đàn em. Vì thế, sự khiêm tốn cũng sớm được bà ý thức để xây dựng tên tuổi của mình.

“Sự khiêm tốn giúp con người biết mình đang ở đâu, cần phải học thêm điều gì, cố gắng như thế nào... Điều đó vô cùng cần thiết cho tất cả, không riêng nghệ sĩ. Khiêm tốn cũng giúp nghệ sĩ gần khán giả hơn, được mọi người yêu mến”, nữ nghệ sĩ tâm sự. Và đó cũng là điều nghệ sĩ Thanh Kim Huệ thường dặn hậu bối khi có dịp trò chuyện.

Nghệ sĩ Thanh Kim Huệ đề cao giá trị của khiêm tốn trong sự thành công của một nghệ sĩ
Nghệ sĩ Thanh Kim Huệ đề cao giá trị của khiêm tốn trong sự thành công của một nghệ sĩ

Nhưng thực tế, với các nghệ sĩ sau này, cái tôi lớn, cộng với con đường thành công dễ dàng khiến họ đôi khi xem nhẹ giá trị của sự khiêm tốn. Nhưng nghệ sĩ Thanh Kim Huệ cho rằng đó không phải là điều đáng để lo lắng quá mức. “Trong cuộc sống, mọi thứ đều được sắp đặt hữu ý. Trên suốt chặng đường dài của sự nghiệp ắt sẽ có những người đến, những việc xảy ra buộc nghệ sĩ phải biết giá trị của sự khiêm tốn. Thời gian luôn là câu trả lời tốt nhất”, bà nói.

Trung Sơn - Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI