“Một ngày của bạn trải qua như thế nào?”
“Tôi dậy từ 5 giờ sáng, sau khi vệ sinh cá nhân thì bật bếp nấu thức ăn sáng cho cả nhà, cháo cho em bé nhỏ. Sau đó chuẩn bị cơm trưa cho hai vợ chồng mang đi làm. Qua quýt trang điểm, vội vàng chở bé lớn đến trường rồi đi làm luôn. Trưa tranh thủ ăn trưa và nghỉ tại chỗ - vì nếu không nghỉ tối không thức khuya được. Chiều quày quả đón con, tạt qua chợ hay mấy cửa hàng tiện lợi mua thức ăn tối. Về thì nấu cơm tối, ăn cơm, dọn dẹp. Chơi với con xíu thì cho con ngủ. Dọn dẹp. Tắm táp lúc 10 giờ tối. Và,… ngủ”.
|
Giờ nào dành cho phụ nữ dành riêng cho mình? Ảnh minh họa |
“Thời gian nào bạn dành cho mình?”
“Buổi trưa ở cơ quan và 15 phút tắm tối”
“Bạn có thấy mình kiệt sức không?”
“Xung quanh đây, ai cũng vậy mà. Tôi không có biết định nghĩa từ kiệt sức”
“Bạn thấy mình có niềm vui riêng không?”
….
Ngày nối ngày, nối ngày, nối ngày…
Đoạn đối thoại kết thúc bằng dòng im lặng ấy là đoạn đối thoại của những-người-phụ-nữ đang nói cười xung quanh chúng ta đấy. Mỗi ngày đều trôi vào hư không mang màu sắc như nhau, mùi vị như nhau, cảm giác như nhau. Chẳng cần phải suy nghĩ, chẳng cần phải đắn đo, họ trả lời vanh vách thời gian biểu mỗi ngày của mình. Là quay cuồng với chồng, với con và việc kiếm tiền nuôi sống bản thân. Có người, mệt quá thì than một câu, mệt quá thì khóc, mệt quá thì viết đôi lời treo lên trang cá nhân. Rồi sáng thức dậy vẫn phải diễn tiếp cái đoạn điệp khúc quen thuộc đến phát hờn ấy.
Cái điệp khúc mà họ thuộc đến nhàm, không cần nhìn đồng hồ, họ vẫn biết mình nên làm việc gì tiếp theo. Cứ thế, ngày nối ngày, sáng trưa khuya tối, nhìn quanh chỉ thấy mình với công việc. Hít thở sự nhàm chán đến hụt hơi.
Nhưng dòng im lặng ấy, đôi khi với họ là cả một niềm tự hào đấy chứ. Vì phần lớn niềm vui của mình họ đã gửi gắm ở những phần việc ấy, việc này nối ngày kia, bất tận... Thời gian cho mình ư, cần gì. Họ không nghĩ gì đến mình đâu, họ vốn đã là những người phụ nữ từ lâu quên mất mình rồi.
|
Giờ thứ 25 với chị em chính là sự bớt cầu toàn. Ảnh minh họa |
Thùy là một người như vậy. Khi bạn bè mở miệng khuyên Thùy thả lỏng ra, thi thoảng nghỉ ngơi một chút Thùy đều gạt phắt đi. Thùy bảo, không có Thùy, mọi việc ở nhà hư hết. Thùy không nếm canh, con trai sẽ không ăn canh. Đi chơi Thùy cũng phai lên kế hoạch, tự chọn nơi đến, chọn khách sạn, đặt vé phương tiện. Thùy báo ngày đi, cả nhà đi vậy thôi. Quần áo cho chồng và con Thùy phải sắp sẵn bỏ vào vali. Con mang dép gì, Thùy phải xách theo, đến nơi ăn gì, cũng phải do Thùy chọn chỗ. “Vậy mà khách sạn không đẹp, thức ăn dở, thậm chí mang thiếu đồ lót, là ba cha con ấy nhao nhao lên, đổ thừa tại mẹ”.
Thùy hầu như không bao giờ nghĩ gì đến bản thân mình, bạn bè dần mất hết khi Thùy sinh đứa thứ hai. Mọi suy nghĩ hiện tại của Thùy dồn hết cho gia đình. Thùy coi việc ấy là hy sinh, hy sinh một cách đầy kiêu hãnh.
Tặng cho mình một giờ, mỗi ngày
Thực ra việc kêu gọi phụ nữ biết dành thời gian cho bản thân mình để nghỉ ngơi, để yêu chiều cũng giống như việc đọc một bản tin nào đấy tận châu Phi. Phụ nữ đọc xong cứ nghĩ việc này là việc của ai đấy, không phải của mình, mình đâu có bị làm sao, mình ổn mà… Là như thế đấy, đừng lên tiếng kêu gọi nữa, tự họ, họ khắc hiểu chính mình cần gì.
Họ cần gì?
Hằng, một cô bác sĩ sản trẻ, mẹ của hai cậu con trai, người luôn tự nói mình “không bao giờ nhìn thấy mặt trời”. Hằng rời nhà từ sáng sớm, chiều từ bệnh viện về là ôm lấy phòng mạch, nên việc nhìn thấy mặt trời của Hằng quả là xa xỉ thật. Hằng tâm sự rất thật lòng, cô cũng không thấy mình có nhu cầu được một mình làm chi cả, chỉ cần mình đừng sống quá cầu toàn, thì coi như mỗi ngày đều đều có thời gian để nghỉ ngơi rồi đấy. Thay vì thời gian để tỉ mẩn, để coi ngó mọi thứ, thì mình dành giờ đấy cho mình. Giờ thứ 25 trong ngày.
Là làm sao? Là mình đừng tự bắt mình phải chu toàn mọi thứ. Nhà có bẩn một bữa cũng không sao, hôm nay không lau được thì mai lau. Cơm nấu không kịp thì ăn mỳ gói, cháo trắng, ăn vỉa hè, hủ tíu gõ. Tủ lạnh có lẽ cũng đầy thức ăn trong đấy, cứ bỏ vào lò vi sóng một món, sẽ có ngay thức ăn, đâu nhất thiết ngày nào cũng ba món tinh tươm, đâu phải lúc nào cũng căng ra xem thử đủ chất không, hợp khẩu vị chồng không, con có thích không… Mặc kệ đi, ăn như vậy chưa ai chết liền đâu.
Con ăn ít một bữa cũng không sao, không ăn cũng không sao, trẻ con đói tự khắc biết tìm thức ăn. Con gầy cũng không sao, ốm bệnh ho heng chút cũng bình thường. Chơi dơ lấm lem chắc chắn là không sao, không tắm một bữa cũng tốt, quên đánh răng cũng là chuyện của trẻ con.
Cứ để con thỉnh thoảng đọc sách lố giờ, thức khuya hơn bình thường một chút, mình cứ thản nhiên xem sao, đừng quát tháo, cáu gắt, kêu gào con tuân thủ mọi kỷ luật. Con người mà, chứ đâu phải máy mà cứ răm rắp vậy. Giờ mà mình tập bơ đi đấy, là giờ của mình. Giờ mình dành riêng cho mình. Nghỉ một chút. Bớt căng một chút. Thoải mái một chút. Tự khắc thấy mình khỏe khoắn thôi.
Chúng ta gọi thời gian mình tự cho mình thong thả cái đầu ấy là giờ thứ 25. Giờ của mình.
|
Thả lỏng mình, bớt lo nghĩ, cầu toàn, ấy là bạn đã dành tặng mình một giờ. Ảnh minh họa |
Đã từng có một khảo sát dành cho đối tượng phụ nữ có gia đình “bạn làm gì vào khoảng thời gian dành cho mình?”, do bạn Vani, admin một diễn đàn về hạnh phúc tổ chức. Chính Vani đã trả lời câu hỏi ấy rằng, bạn chỉ cần sống tối giản, tự dưng bạn thấy mình thong thả, dư thời gian rồi. Nhưng câu hỏi ấy, tưởng chừng đơn giản, vậy mà lại nhận được những câu trả lời rất chung chung, té ra phụ nữ tin rằng đọc sách, uống trà, thiền là yêu lấy mình cơ đấy…Bản thân Vani đã rất ngạc nhiên khi số đông phụ nữ đứng trước câu hỏi đó đã không thể trả lời được mình đã làm gì trong khoảng thời gian được dành cho mình đó. Nhưng, đấy mới là phụ nữ.
Phụ nữ, không thể nào có thể tự dứt mình ra hẳn những mối làm họ bận tâm, để đặt mình ở một vị trí khác. Có ngồi ở Hawaii mà họ vẫn bồn chồn con có được đón đúng giờ không. Họ là vậy đó. Dù ở đâu rồi cũng lan man chuyện nhà, chuyện con, chuyện nồi thịt kho dang dở. Thế nên đừng đưa ra cho họ một công thức chung nào để bảo họ phải tuân theo. Mỗi một gia đình, có mỗi kiểu sinh hoạt khác nhau.
Cái họ cần ở đây, là tìm thấy sự nghỉ ngơi trong chính cái bận rộn của mình. Nói như Hằng đấy, không cần cầu toàn, thì có thời gian thôi. Nói như Vani đấy, sống tối giản, là có thời gian thôi. Yêu cầu phụ nữ không cầu toàn, quả là rất khó. Yêu cầu phụ nữ sống tối giản, quả là rất khó. Nhưng chúng ta cần tập, tập dần dần mỗi ngày để tạo cho chính mình thói quen.
Tập ngó lơ đi một chút. Bỏ bớt săm soi một chút. Buông lỏng một chút. Dần dà mọi việc sẽ thành thói quen thôi. Phụ nữ, chỉ cần họ thấy mọi việc nhẹ nhàng, thì đấy chính là giờ thứ 25 trong ngày của họ. Giờ họ dành riêng cho mình.
Đoàn Tâm