Gió thổi cột cao thế vật đổ: Tự lộ khi làm lại móng?

25/04/2016 - 14:14

PNO - Sau sự cố cột điện 500kV bị đổ, theo một cán bộ: Họ đang làm lại bằng toàn đá đổ, làm bằng sắt to, phi hơn 40 còn có, nhiều loại lắm.

Móng đá dăm, thép bằng đầu đũa

Vừa qua, trận mưa to kèm theo gió lốc đã làm cho một cột điện thuộc hệ thống truyền tải 500 kV trên địa bàn xã Cảnh Thụy và Tiến Dũng (huyện Yên Dũng, Bắc Giang) bị đổ, kéo một cột điện kế bên bị gãy 1/3 và rơi xuống đất.

Được biết, hai cột điện này nằm trên tuyến đường dây truyền tải từ trạm biến áp 500 kV Quảng Ninh đến trạm biến áp 500 kV Hiệp Hòa, đi qua địa bàn của các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang.

Bởi vậy, tuyến đường dây này có vị trí quan trọng, có nhiệm vụ truyền tải điện từ cụm nhiệt điện Quảng Ninh – Mông Dương vào hệ thống điện quốc gia, cấp điện cho các phụ tải miền Bắc.

Gio thoi cot cao the vat do: Tu lo khi lam lai mong?
Một trong 2 trụ móng của điện đổ. (Ảnh: Pháp Luật Plus)

Trước sự việc này, sáng 25/4, trao đổi với báo Phụ nữ TP.HCM, ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng cho biết: "Hiện nay Tổng công ty Điện lực đang khắc phục sự cố.

Vấn đề này bên ngành điện quản lý chứ huyện không quản lý vấn đề này vì đây là công trình của an ninh quốc gia. Hiện nay người ta cũng đang kiểm tra để tiến hành làm lại".

Trước đó, có nhiều phản ánh về việc chân đế cột điện bị bật bung, nền móng được chỉ là đá dăm, sắt thép nhỏ như đầu đũa không chịu được lực lớn. Đại diện Công ty truyền tải điện miền Bắc nói rằng các đơn vị vẫn đang khảo sát hiện trường chưa có kết luận.

Thép to lắm, phi 40

Tiếp tục thông tin về sự việc này, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND xã Tiến Dũng cũng cho hay: "Hiện nay phía điện lực đang tiến hành tháo trụ cột đổ, tiến hành làm móng".

Gio thoi cot cao the vat do: Tu lo khi lam lai mong?
Cột điện đổ dây chuyền. Ảnh: Zing

Ông Sơn nhận định: "Trong đợt này mình cũng tin tưởng là họ làm rất là vững chắc, làm bằng toàn đá đổ, làm bằng sắt to, phi hơn 40 còn có, nhiều loại lắm. Họ làm cả ngày cả đêm".

"Công ty điện lực cũng có trao đổi là cố gắng trong vòng 15 ngày là xong", ông Sơn nói thêm.

Trước đó, báo chí dẫn lời ông Khang - một người dân có trang trại nằm sát hiện trường vụ sập đổ cho biết vào giờ cơm tối cùng ngày 22/4, có 2 người lạ mặt đã điều khiển máy xúc tiến vào hiện trường vụ sập đổ. Nghi ngờ việc làm lúc đêm hôm có biểu hiện bất minh, ông Khang đã từ chối khi những người này ngỏ ý muốn đi qua vườn cam của ông để vào hiện trường.

Tuy nhiên, tranh thủ lúc ông Khang về nhà nghỉ ngơi, chiếc máy xúc đã nhanh chóng thực hiện công việc. Sáng sớm hôm sau khi có mặt tại hiện trường, ông Khang thấy phần móng của 2 chân cọc đã bị máy múc đào bới thành những hố sâu, chỉ còn lộ phần bê tông và thép chờ.

Cũng trao đổi với báo chí, theo Công an huyện Yên Dũng, đơn vị đã phối hợp cùng với cán bộ Cục an ninh kinh tế lập biên bản yêu cầu giữ nguyên hiện trường. Việc phá bỏ hiện trường này đã vi phạm pháp luật, công an đã xác định tang vật bỏ lại là một chiếc máy xúc.

Tiếp tục thông tin về tình hình khắc phục sự cố, ông Nguyễn Thế Quyền - công an viên thôn Tân Tiến, xã Tiến Dũng cho rằng: "Công ty Điện đã tiến hành tháo dỡ xong rồi và đang múc móng để chuẩn bị đổ móng mới. Móng bây giờ thì được làm rất kiên cố rồi, còn móng trước cũng kiên cố nhưng có kém hay không thì cơ quan chức năng đang xem xét".

"Đợt này đổ bằng đổ bằng bê tông tươi, thấy bảo là kiên cố, chắc chắn hơn nhiều. Tôi làm bảo vệ ở đấy nên ngày nào cũng có mặt ở đấy. Lần trước dùng móng đổ trực tiếp nhưng đợt này khả năng gia cố sẽ to hơn, kích thước của sắt cũng chắc chắn to hơn rồi", ông đánh giá.

Minh Khánh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI