Gió sẽ cuốn ta đi cùng hương vị anh đào

12/07/2016 - 09:34

PNO - Hai tuyệt tác Taste Of Cherry (Hương vị anh đào) và The Wind Will Carry Us (Gió sẽ cuốn ta đi) bộc lộ rõ chân dung nghệ thuật của nhà làm phim Iran Abbas Kiarostami - vừa qua đời hôm 4/7 ở tuổi 76.

Với nhiều người yêu điện ảnh, Hương vị anh đào (đoạt giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes năm 1997) luôn nằm trong danh mục những bộ phim đáng để chia sẻ rộng rãi. Bộ phim cho thấy đạo diễn có biệt tài làm thơ bằng thoại, kể chuyện ngụ ngôn bằng hình theo cách vừa hóm hỉnh, vừa ám ảnh. Những yếu tố đó cộng với câu chuyện trong phim thường không cầu kỳ, phức tạp mà có chút độc đáo và huyền bí, nên không chỉ Hương vị anh đào, mà hầu như những tác phẩm điện ảnh của Abbas Kiarostami, đều khiến người xem vương vấn.

Nếu như Hương vị anh đào là câu chuyện ngụ ngôn đầy mê dụ về người đàn ông đi tìm người chôn mình, thì Gió sẽ cuốn ta đi là hàng loạt bức họa trừu tượng về một người đàn ông chờ một người sắp chết.

Gio se cuon ta di cung huong vi anh dao
Hình ảnh của Taste of Cherry và The Wind Will Carry Us
Gio se cuon ta di cung huong vi anh dao

Xem Hương vị anh đào, ta tự hỏi, khi thấy mình bất hạnh và những gì bày trước mắt là vô vị, thì ta có nên vĩnh biệt nó và vĩnh biệt thế nào? Trong phim, người đàn ông tên Baddi lái xe một mình lên quả đồ i cao, nơi thường được người Ba Tư chọn làm nghĩa trang, để đào một cái huyệt và nằm xuống đó. Ông chờ cái chết đến từ từ và chờ người ta đến lấp đất, đắp mộ cho mình. Lúc chờ chết cũng là lúc Baddi bình thản đến lạ, bao sầu muộn, ưu phiền như trôi về phía khác, để trước mặt ông chỉ còn trăng thanh lặn xuống và mặt trời nhô lên. Đã có lần lượt ba người đàn ông đến “xem xét” đề nghị của Baddi và ai đồng ý sẽ được trả một khoản tiền hậu hĩnh.

Nhưng chỉ có một người thực hiện công việc kỳ lạ này. Trước khi đáp ứng nguyện vọng của Baddi, người này kể cho ông nghe một câu chuyện. Đó là khi cũng muốn chết, ông đã treo một cái thòng lọng trên cây anh đào để kết thúc cuộc đời. Nhưng khi hái vài trái anh đào chín mọng để thưởng thức trước lúc chết thì ông… không còn muốn chết nữa.

Hai năm sau khi được vinh danh ở LHP Cannes với Cành cọ vàng, vị đạo diễn người Iran mang đến bộ phim có một người chết, một người suýt chết và một người biết sống, hiểu về lẽ sống nhiều hơn nhờ đối diện với cái chết. Đó là câu chuyện về một người đàn ông cùng cộng sự của mình được cử đến một ngôi làng nhỏ để bí mật ghi hình, lấy bằng được tư liệu về cái chết và tục lệ khâm liệm trong làng; do đó, họ nhắm đến một bà lão trên 100 tuổi được cho rằng đang chờ chết. Người đàn ông không rõ tên, tuổi được người dân trong làng coi là kỹ sư và được đối xử rất tử tế. Khi anh ta càng bị thúc giục, chỉ đạo từ xa là cần sớm hoàn thành công việc thì anh ta càng hiểu thêm và ngày càng nhận ra vẻ đẹp của con người, vẻ đẹp của thiên nhiên ẩn sâu trong ngôi làng nghèo xơ xác đó.

Trôi theo những ngày người đàn ông kia sống ở ngôi làng để chờ người chết, bộ phim dường như không có nhiều biến cố, câu chuyện để kể. Nhưng, bằng tài năng và ngôn ngữ điện ảnh bậc thầy của đạo diễn Abbas, Gió sẽ cuốn ta đi có quá nhiều ý nghĩa, lớp lang để cảm, để chiêm nghiệm và để “khai ngộ”. Bộ phim không nói rõ với ta, nhưng cho ta cảm nhận đâu và những gì là “vô vị”.

Để vượt khỏi những gì “vô vị” đó, khi xoay sang phía khác, với góc nhìn và thái độ khác, ta có thể được nếm trải những “hương vị anh đào” mà trước đó ta chưa cảm thấy, chưa đón lấy. Nhưng khi đã có thêm nhiều trải nghiệm và đánh giá về đêm - ngày, thật - giả, thiện - ác, sáng - tối, sống - chết, những cặp phạm trù đối lập mà đạo diễn Abbas đã thể hiện rất tinh tế trong phim, ta sẽ có hình dung rõ hơn rằng mình đi về đâu, sống tiếp như thế nào, đối diện với cái chết có thể rất gần mà cũng rất xa xôi ra sao.

Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI