Giỗ quải miền Tây, nghĩa đầy tình nặng

17/09/2023 - 07:55

PNO - Giỗ quải miền Tây từ rất lâu đã được xem là một nét văn hóa. Cũng từ những bữa giỗ này, những món ăn chỉ dành cho đám giỗ xưa cũ được tái hiện. Giữa cuộc sống hiện đại với nhiều món ngon món lạ, mỗi khi được ngồi gắp đũa, lùa muỗng trong những món ăn tưởng đã bị lãng quên, ta mới thấy mình thật may mắn khi còn “gặp” được vị xưa.

Buộc mình vào những thứ lễ nghĩa, chẳng hạn như việc cúng đám giỗ - chính là cách người miền Tây nối dài sợi dây gắn kết thế hệ. Mỗi năm có một ngày để con cháu quay về, bày ra nấu nướng với tất cả tấm lòng dâng lên người đã khuất cũng là dịp để ôn cố tri tân và nhắc nhớ dòng họ. 

Dịp để giữ gìn những món ngon truyền thống

Bánh ít - món ăn “phải có” trong đám giỗ miền Tây
Bánh ít - món ăn “phải có” trong đám giỗ miền Tây

Mâm giỗ miền Tây tuy giản đơn với những sản vật sẵn có trong vùng nhưng luôn chú trọng giữ gìn những món ăn mang tính truyền thống. Điều này bắt nguồn từ sự biết ơn và trân trọng những gì ông bà tổ tiên đã gầy dựng.

Người miền Tây trọng lễ nghĩa nên những việc thờ cúng hầu như đều phải làm thật chu đáo. Mâm thức ăn dâng lên bàn thờ để kính người đã khuất, ngoài những món mà khi còn sống người ấy thích ăn, lúc nào cũng có món khổ qua dồn thịt hầm, thịt kho trứng, cá lóc kho tiêu, thịt luộc, rau cải xào, bánh hỏi cuốn heo quay, các loại bánh quê… - những món ăn gắn liền với người đồng bằng. 

Các món cúng truyền thống trong đám giỗ
Các món cúng truyền thống trong đám giỗ

Có những món ăn dường như được sinh ra chỉ để dành cho dịp giỗ quải. Chẳng hạn mấy cái bánh ít nhỏ xíu mà ngon lạ lùng. Ngày thường, mấy ai để ý đến thứ bánh bột nếp được gói trong tấm lá chuối dân dã đó. Vậy mà nhà nào có giỗ là y như rằng phải hấp cho bằng được vài ba xửng bánh ít, phần để cúng kiếng, phần để “chia lộc”.

Ở quê, cứ hễ xế xế mà thấy mấy cô mấy dì đi đâu về, tay xách bọc đồ ăn kèm theo vài ba cái bánh ít là biết mới đi đám giỗ. Mấy cái bánh đó, nhà nào có trẻ con thì được ưu tiên hưởng trước.

Bánh ít nhìn đơn giản nhưng người miền Tây cũng khéo léo bày ra nhiều loại nhưn (nhân): nhưn dừa sên đường kèm với đậu phộng vừa ngọt vừa béo thơm, nhưn đậu xanh sên nước cốt dừa, nhưn mặn với thịt heo, tôm khô, nấm mèo…

Chả đùm miền Tây
Chả đùm miền Tây

Bánh tét cũng có 2 loại: nhưn mặn là thịt mỡ, đậu xanh… còn nhưn ngọt là đậu xanh sên đường, chuối xiêm… Giỗ quải mà thiếu khoanh bánh tét, hay mấy cái bánh ít là “coi không đặng”. Cúng kiếng không được xuề xòa nên dĩ nhiên mâm cúng không thể thiếu trái cây. Miền Tây là xứ trái cây “ngập mặt”, nên đa số chủ nhà sẽ tận dụng trái cây sẵn có trong vườn, mùa nào trái nấy, có gì cúng nấy, không câu nệ.

Như đã nói, giỗ là dịp để con cháu họ hàng gần xa tụ về, làm đám, nhắc nhớ đến ông bà, người đã khuất, chưa kể hàng xóm láng giềng cũng được mời đến “ăn bữa cơm” với gia chủ. Vậy nên, ngoài những món nấu riêng để cúng, chủ nhà phải lên thực đơn các món đầy đặn hơn để đãi khách.

Ngày nay, thực đơn đám giỗ nhiều gia đình miền Tây đã có sự cải tiến, góp mặt của nhiều món tiệc đa dạng. Vậy nhưng nếu ai đã từng được dự một đám giỗ thuần miền Tây sẽ không bao giờ quên những món đặc trưng trên bàn tiệc của miệt đồng bằng.

Nếu các nơi khác chuộng cà ri gà thì người miền Tây lại kết thân với món cà ri vịt. Đặc biệt vùng Bạc Liêu còn có nhiều quán bán món ăn sáng là cà ri vịt ngon nức tiếng. Thứ vịt chạy đồng miền Tây thịt ngọt, mềm vừa đủ, dẻo dai, săn chắc đủ làm xiêu lòng cả những người không hảo thịt vịt. Vịt được làm kỹ với rượu, gừng để khử mùi, ướp cà ri cùng các thứ gia vị cho thiệt đậm đà, xào cho săn rồi hầm với nước cốt dừa, thêm mớ khoai lang, khoai môn… Món cà ri vịt ngon hay không còn nhờ thứ nước hầm đủ béo, đủ thơm, để khi bẻ miếng bánh mì chấm vô, chấm miếng nào đã đời miếng đó.

Cà ri vịt ăn kèm bánh mì
Cà ri vịt ăn kèm bánh mì

Có 2 món lẩu đặc trưng của miền Tây mà không đám giỗ nào thiếu vắng: lẩu cù lao và lẩu mắm. Châu thổ Cửu Long xưa giờ là xứ “trên cơm dưới cá” nên hầu như những món ăn bình dân hay sang cả đều dựa trên cái gốc cá tôm sông nước đồng bằng. Trong món lẩu được hiểu là món canh “tả pí lù”, “thập cẩm”, cá vẫn là thành phần chủ đạo. Điều này thể hiện rõ nét trong món lẩu mắm với nước dùng chính là nước nấu từ mắm cá linh, mắm cá sặc, hòa quyện cùng nước dừa tươi cho ra thứ nước cốt ngọt thơm đậm đà. Ngoài tôm, thịt, mực, nhất định phải có vài khoanh cá lóc đồng hoặc cá bông lau. Món lẩu mắm được dọn kèm mẹt rau đồng thanh mát: bông súng dưới ao, bông điên điển mé sông, rau đắng, bông so đũa quanh vườn nhà…

Món lẩu cù lao lại như một nét chấm phá đẹp đẽ của người đồng bằng. Miền Tây sông nước dễ dàng bắt gặp bóng dáng những cồn đất nhô lên giữa sông, thường được gọi là cù lao. Lẩu cù lao bắt nguồn từ vật dụng để nấu lẩu, có hình dáng như chiếc đèn lớn, phần trụ tròn ở giữa nhô cao chứa than củi, có tác dụng giữ lửa suốt quá trình nấu. Xung quanh là nước, thịt, chả cá, tôm, gan, rau củ… bao bọc lấy trụ tròn này, nhìn như một cù lao giữa bốn bề nước nổi.

Lẩu cù lao độc đáo của miền Tây
Lẩu cù lao độc đáo của miền Tây

Bánh hỏi ăn kèm heo quay là món có vẻ giản tiện nhất vì heo được mua từ lò quay sẵn. Nhưng người trình bày phải khéo tay, xếp hoặc cuốn bánh hỏi sao cho đều, rưới nước mỡ hành cũng phải điệu nghệ.

Mấy dì lớn tuổi thường “giành” làm món chả đùm vì nó đòi hỏi kinh nghiệm, độ khéo léo mới ra được món ăn vừa đẹp vừa chắc, khi cắt ra không bị nát. Những năm gần đây, món chả đùm được biến tấu với cách gói hình hoa đẹp mắt, công phu.

Ngoài bánh hỏi heo quay, chả giò, chả đùm, món khai vị trong đám giỗ miền Tây thường không thể thiếu gỏi từ cây chuối non. Những bẹ non trắng nõn nà được tách ra, ngâm muối, chanh, rồi chẻ thành từng cọng nhỏ, bóp chung với thịt gà thả vườn hoặc tôm đất, ba rọi heo, thêm nước mắm chua ngọt, ăn kèm bánh phồng là “đúng bài”.

Ân tình như con nước lớn

Bà con chòm xóm phụ nấu đám giỗ
Bà con chòm xóm phụ nấu đám giỗ

Không tự nhiên mà những ngôi nhà miền Tây dù đơn sơ nhưng nhất thiết phải cất trên miếng đất rộng rãi. Thì chính là để những dịp giỗ quải, con cháu, họ hàng, láng giềng tụ lại, bày ra nấu nướng rộn ràng. Lúc này, mấy “ông lò” thường nằm im trong gầm được lôi ra, nhóm lửa cho ấm bụng rồi nấu hết nồi này tới xoong kia. Bà con chòm xóm đi đám cũng đâu đi tay không. Người ký đường, người ký bột… rồi họ cứ vậy mà xắn tay áo túm tụm phân công ai nấu món gì, ai phụ bếp, ai nấu chính…

Lúc nào gia chủ cũng chuẩn bị nguyên liệu ê hề để nấu dư ra, khi khách khứa xong bữa tiệc là thế nào trên tay, trên giỏ xe cũng có bịch đồ ăn “chia lộc”, ăn để hưởng phước ông bà tổ tiên đã chứng giám…

Giỗ, bà con tới thắp cho người mất nén nhang với tấm lòng thành, chia sẻ nỗi niềm với gia chủ. Giỗ, cũng là dịp gia chủ “trả nợ miệng” - theo cách nói vui của người miền Tây. 

Giỗ cũng là dịp để biết hồi còn sống, họ đã có một đời sống sinh động hay tẻ nhạt, quảng giao hay khép kín... Người được thương thì dẫu đã mất nhưng ngày giỗ vẫn dập dìu người đến để tưởng nhớ. Nói giỗ quải miền Tây nghĩa đầy tình nặng chính là vì vậy. Cái ơn nghĩa, ân tình đã được lưu giữ từ bao đời vẫn mãi như con nước lớn ròng, mênh mông sâu nặng. 

Trần Huyền Trang

Nguồn ảnh: Internet

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI