Quà chiều là thức để nhấm nháp, bởi thế mà danh sách quà chiều chỉ tồn tại trong tâm trí người ta khi nó thực sự ngon.
Có bao nhiêu là sự cám dỗ nếu bạn đang ở giữa Hà Nội. Khi bạn đang nghỉ trưa hay đang mải miết hoàn thành nốt công việc buổi chiều thì cô hàng đã quẩy gánh trên các nẻo đường hoặc lục tục dọn hàng. Tầm 4, 5 giờ chiều, khi bụng lửng lơ và việc trong ngày cũng đã ngớt, ấy là giờ quà chiều đã điểm.
Khó điểm hết quà chiều Hà Nội trong một bài báo nhỏ. Mỗi người hãy tự nối vào danh sách những địa chỉ mới đã được thêm vào qua bề dày… ăn quà.
Bánh
Quà bánh là một từ khóa. Cũng đúng thôi, có rất nhiều thứ bánh ngon mà người ta có thể nghĩ đến khi thèm quà chiều.
Bánh rán là thức quà đơn giản nhất và hình như ăn bánh vào đúng giờ quà chiều cũng ngon hơn. Hà Nội có nhiều sự lựa chọn, các địa chỉ bánh rán ngon len lỏi khắp phố phường nhưng nổi danh hơn cả vẫn là bánh rán khu phố cổ. 52 Hàng Chiếu, đầu Ô Quan Chưởng, Lương Ngọc Quyến, Lý Quốc Sư… tất cả đều trong bán kính của 36 phố phường Hà Nội xưa.
Tôi nhớ những chiếc bánh rán tuổi thơ to bằng cả nửa bàn tay, giờ thì hiếm lắm. Bánh của thời ngại bột ngại đường nhỏ xinh thôi. Bánh rán ở những nhà hàng có tiếng để vài giờ đồng hồ vẫn giòn rụm nhưng ngon nhất dĩ nhiên vẫn là ăn khi bánh vừa được vớt lên, nóng hổi. Bánh rán mật, bánh rán vừng, bánh rán phủ vừng… đều ngon thấm thía.
Cạnh hàng bánh rán thể nào cũng có quán nước nho nhỏ cũng như cạnh hàng bún ốc nào hầu như luôn mọc lên một hàng bánh rán, có ai tự hỏi vì sao chưa? Nhâm nhi bánh ấy với trà xanh, trà mạn nhé, chứ đừng như ai kia gọi hẳn một cốc sinh tố hay trà sữa trân châu, mất hết cả vị bánh.
Bánh giò bà Giáp (Trần Xuân Soạn) bạn thử chưa? Vỏ bánh trong, nhân là thịt băm nguyên cục được hấp chín. Xắn miếng bánh, nước thịt ứa ra, vị ngọt và thơm khó tả. Đa phần bánh giò đại trà người ta băm thịt xào chín với mộc nhĩ mà! Bánh giò hẳn là phải ăn khi còn nóng hổi, ăn một cái bánh như thế vào giữa chiều mùa đông thì khoái khẩu vô cùng. Theo mốt bây giờ, người ta ăn kèm bánh giò với cả giò bò, dưa món… Cũng không tệ nhưng ăn như thế khó cảm nhận được độ ngon tinh tế của chiếc bánh giò nguyên thủy.
Cùng họ nhà bánh còn có bánh đúc. Bánh đúc lạc chấm tương giờ có nhiều biến tấu. Mấy hàng lẩu riêu cua hình như có sáng kiến “ghém” bánh đúc quê kiểng với món riêu cua cùng nguồn gốc chân quê? Mùa đông thì bánh đúc nóng xuýt xoa kèm với nhiều hành phi vàng ruộm, nổi tiếng nhất Hà Nội có ngõ Lê Ngọc Hân. Mùa hè, bạn đừng quên thử bánh đúc nộm. Hàng Bè, đầu dốc Hòe Nhai, chợ Châu Long hay tận ngõ Gốc Đề (Minh Khai) đều có hàng ngon. Cô hàng thái những lát bánh mướt mát đặt gọn trong một cái đĩa nhỏ. Món này ăn cùng rau sống, giá trần, lạc rang ngầy ngậy. Nước chấm pha khéo có vị ngọt dịu, chua thanh.
Cháo
Cháo trai cũng dễ gợi thèm vào buổi chiều tà. Thực chất đó là bột được quấy lên thành một thứ cháo sền sệt, trắng ngà. Bạn dễ dàng tìm thấy một nơi bán cháo trai vào tầm chiều nhưng kịp định danh tới nay thì có cháo trai Trần Xuân Soạn, cuối Quán Thánh gần giao đường Thanh Niên, Ngõ Huyện, Lý Quốc Sư chỗ ngã tư giao với Hàng Bông…
Cháo trai sánh mịn, thoảng vị gây gây nhẹ của loài nhuyễn thể, nhất thiết rắc hạt tiêu hay ớt bột cho nổi vị dù trước đó cô hàng đã nhanh tay rải hành hoa rau răm thái nhỏ vào đáy bát. Riêng tôi, khi nào cũng gia thêm chút giấm tỏi, cảm thấy “nâng tầm” vị giác lên hẳn. Cháo trai ăn kèm với quẩy mềm cắt nhỏ rất ngon. Nhiều khi đi ăn cháo vì thèm cháo hay thèm quẩy cũng chẳng rõ. Hay thực ra là thèm không khí của phố phường Hà Nội khi nắng đã êm?
Cháo đậu xanh cà muối đậu rán ca la thầu Đào Duy Từ có trong sổ quà vặt của dân công sở, cả những cư dân thủ đô gốc và nhập cư. Món cháo giản dị này có tính gia truyền. Cô chủ quán hiện nay được mẹ chồng truyền nghề và giữ nguyên công thức, chỉ đơn giản với đậu xanh, gạo, cà, đậu. Nồi cháo to đùng được ninh nấu đến độ, hạt gạo nở to như những bông hoa dập dềnh trong thứ nước sánh mịn, vàng nhạt.
Đậu làng Mơ ngon được rán liên tục, hết mẻ nào làm mẻ đó. Cà thì nén giòn, muối trước 3 ngày. Cháo chỉ được gia chút muối, nhạt nhẹ như cháo hoa. Bởi thế, cà muối độ nào, nước mắm rim hành đậu độ nào… để khi ăn cùng cháo vừa đậm đà, ngọt bùi chứ không đắng chát hay nhạt nhẽo cũng có thể được tính như là công thức gia truyền vậy.
Ốc
|
Bún ốc nguội cô Báu |
Ốc luộc là một thức quà chiều luôn giành được “phiếu” trong mọi cuộc bình chọn. Đây cũng là thứ quà nằm trong cõi nhớ của nhiều kẻ chọn con đường mưu sinh xa quê hương xứ sở. Nổi tiếng nhất khu phố cổ có ốc Đinh Liệt, rồi đến Cầu Gỗ, Hàm Long… Ven hồ Giảng Võ từ lâu cũng đã trở thành một tụ điểm ốc. Thủ phủ ốc hấp thuốc Bắc nằm ở hồ Tây, nổi danh nhất là ốc Ông Già. Người không thạo tới đây sẽ hoa mắt với các biển hiệu: Ông Già chính hiệu, Ông Già cũ, Ông Già gốc…
Ốc tháng Mười người Hà Nội, ý là tháng Mười ốc mới béo ngon nhưng thật ra người ta ăn ốc quanh năm. Ốc luộc hơn nhau ở khâu nước chấm. Phải đủ chua, đủ đậm, đủ ngọt, đủ cay. Lá chanh thái chỉ không thể thiếu.
Ở hàng ốc nổi tiếng, người ta còn hào phóng để những bát sả băm, hành giã, ớt tươi xắt miếng đầy có ngọn, muốn thêm bao nhiêu vào bát nước chấm tùy thích. Ốc luộc vừa chín tới lúc khêu sẽ không bị đứt đuôi, bát nước ốc nóng rực xin thêm khi nào cũng có, thi thoảng húp nhẹ cũng thú vị lắm. Ấy là chưa kể chúng bạn còn truyền tai nhau rằng nước ấy gia nhiều gừng, uống dặm vào là an toàn vì ốc vốn là món ăn tính hàn, dễ lạnh bụng.
Bún ốc là một gợi ý hợp nhẽ khi ngày đang dần trôi đi. Thích hợp nhất với giờ quà chiều chắc chắn là món bún ốc nguội. Bún ốc nguội cô Báu ngõ Tây Sơn mạn gần gò Đống Đa hay cô Lan Bùi Thị Xuân, đệ tử ốc nào cũng từng nghe.
Có ai lý giải vì sao bún ốc nguội ngon thường gắn với hình ảnh đôi quang gánh chứ không ở trong nhà hàng dù cô hàng cũng chỉ ngồi yên một chỗ? Cô Báu bán quanh năm, chỉ nghỉ tết ta. Cô bảo ốc phải ở vùng chiêm trũng mới có nhiều ruột. Mối ốc của cô cách Hà Nội 70km. Chỉ là gian hàng con con bày ngay vỉa hè trước nhà, lại trong ngõ nhưng cô Báu cũng trang trí khá bắt mắt. Bên dưới mẹt vỏ ốc kia là chiếc chum đựng được khoảng chục lít nước ốc. Không rõ ốc cô luộc kỹ thuật gì mà giòn sật không dai, nước chấm pha vừa độ, ai ăn chua hơn đã có sẵn chai giấm bỗng, muốn cay hơn thì tra ớt bột chưng.
Thi thoảng, cô Báu nhắc khách: “Dầm ngập (bún) vào, vừa ăn vừa húp mới ngon”. Bún ốc nguội là thức quà ăn chơi, 40.000 đồng/bát. Ăn 1 bát thì thòm thèm nhưng không nên gọi thêm bát thứ hai để đúng kiểu quà chiều chỉ ăn hương ăn hoa, ăn lấy thảo như các cụ vẫn thường dạy.
Trong danh sách quà chiều Hà Nội mà tôi muốn dắt bạn đi còn có bún ốc/chả rươi Hàng Chai, miến lươn Chân Cầm, mì vằn thắn Đinh Liệt, quẩy nóng Hàng Gà, bánh đa cua “Hạnh hâm” cuối đường Ngô Tất Tố, bánh cuốn Thanh Vân Hàng Gà, bún thang bà Đức Cầu Gỗ… Rồi còn chè Bà Thìn Hàng Bồ với cả dăm chục loại chè ngon nhức nhối như chè bà cốt/đậu đen/đậu xanh/sen với thạch đen, trân châu và dừa nạo như thời “ông bà anh”; rồi xôi vò chè hoa cau, bánh su sê, bánh chín tầng mây… Đằng nào thì cũng mang tiếng ăn quà, giờ có muốn detox, keto hay nhịn ăn giãn cách cũng khó.
Võ Hồng Thu