Gió mùa lại thổi cùng khát vọng âm nhạc

28/09/2015 - 14:08

PNO - Monsoon Music Festival (MMF) - Lễ hội âm nhạc Gió mùa sắp trở lại. Từ 17g đến nửa đêm các ngày 8,9,10,11/10, Hoàng thành Thăng Long.

Monsoon Music Festival (MMF) - Lễ hội âm nhạc Gió mùa sắp trở lại. Từ 17g đến nửa đêm các ngày 8,9,10,11/10, Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) sẽ đón khoảng 10.000 lượt khán giả mỗi ngày đến để “hội hè miên man” trong không gian âm nhạc.

Nhưng ở năm thứ hai, sức ép vất vả của chuỗi sản xuất (và tìm nguồn tiền) cho Gió mùa hóa ra chẳng giảm. Nhạc sĩ Quốc Trung - người sáng lập đồng thời là tổng đạo diễn của MMF nói về “đứa con tinh thần” đặc biệt này của mình:

“Có một câu hỏi thường xuyên trở lại với tôi: Sao mình lại rúc đầu vào thứ khổ thế này? Rõ ràng những việc tôi làm không mang lại tiền, và tôi cũng chẳng cần thêm sự nổi tiếng. Cuối cùng thì tôi tìm được lý do, đó là vì những công việc ấy đã tạo cho tôi cảm hứng và niềm vui sống…”.

Gio mua lai thoi cung khat vong am nhac
Nhạc sĩ Quốc Trung

* Khi khởi sự dự án âm nhạc thường niên dành cho cộng đồng này, ý niệm về tên gọi “Gió mùa” (Monsoon) được hiểu như biểu tượng cho sự thay đổi tư duy trong đời sống âm nhạc và ý thức cộng đồng mà liên hoan kỳ vọng tạo nên. Nhìn lại mùa đầu tiên của MMF, anh có thấy kỳ vọng đó viển vông?

NS Quốc Trung: Tôi thấy đa số nghệ sĩ (NS) trẻ đang rất mò mẫm, họ bị nhầm lẫn về khái niệm chuyên nghiệp trong phương thức sáng tạo. Thực tế, nếu muốn bay bổng thăng hoa được thì việc sản xuất phải thật kỹ lưỡng, thậm chí chi tiết và máy móc đến mức khô khan.

Ví dụ trường hợp NS quốc tế gạo cội Paul McCartney ở tuổi 73 vẫn đàn và hát live từ đầu đến cuối một chương trình có thời lượng gần ba giờ, chưa kể gào, hét, giao lưu khán giả… Với cường độ đó thì các NS Việt Nam sợ phát khiếp.

Nhưng họ không hiểu rằng, để có thể chơi như thế, tự do và thăng hoa đến mức như thế, người ta phải tập hàng năm trời, phải chuẩn bị kỹ lưỡng từ những thứ li ti lụn vụn nhất, không xuề xòa cẩu thả vin vào bản năng, không bắt chước vá víu…Tôi không lạc quan đến mức cho rằng MMF có thể thay đổi được đời sống âm nhạc Việt Nam đâu.

Ngay cả những NS tham gia MMF, tôi cũng không thể ép được họ theo tôi hay phải làm việc giống tôi. Nhưng trải nghiệm khi chứng kiến cách các nghệ sĩ nước ngoài làm việc hoàn hảo và khe khắt thế nào, họ sẽ thấy một thái độ đúng, một quan niệm đúng về nghề. Được điều này là đã quý lắm rồi.

* Những người có cơ hội tham gia MMF lần đầu dù là nghệ sĩ, ê-kí p sản xuất hay khán giả, đều được thắp lên một lý tưởng. Chúng ta hay cười cợt khi nói về từ lý tưởng, bởi sự buồn chán và mất lòng tin hình như không còn chỗ cho niềm tin ấy nữa. Ngọn lửa trong sáng và hết lòng đó chính là điều tuyệt vời nhất anh đã dấy lên được, với tư cách một thủ lĩnh…

- Tôi có cảm giác trong cộng đồng MMF, mọi người đều được hồn nhiên, trong sáng và chia sẻ nhiều hơn. Đó là giá trị lớn nhất về tinh thần của một festival thực sự.

 MMF không chỉ là âm nhạc, nó là một hệ sinh thái, là cộng hưởng giữa NS và khán giả. Tiếc rằng thứ tác động đến tinh thần cộng đồng hiện nay lại là truyền hình thực tế.

Văn hóa truyền hình quá mạnh, trong một nền giải trí mà công nghiệp âm nhạc chưa đủ mạnh để tồn tại độc lập, công chúng không cần âm nhạc thuần chất, mà họ cần những câu chuyện bên lề âm nhạc, họ chẳng cần show mà cần biz… Điều đó rất đáng buồn, không phải cho cá nhân ai, mà buồn cho tinh thần của cả một xã hội.

Tôi nghĩ những khán giả đã đến MMF, họ không nhớ âm nhạc cụ thể thế nào đâu, mà họ nhớ không khí kỳ diệu của lễ hội, nơi họ được sống trong nó. Tôi thấy đáng buồn là không khí trong sáng, hết mình, chỉ toàn niềm vui ấy lại quá thiếu vắng trong đời sống tinh thần của một đô thị, nhất là thủ đô như Hà Nội.

Gio mua lai thoi cung khat vong am nhac
Những buổi biểu diễn street show luôn thu hút khán giả

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI