Giờ mình mua nhà hay ở thuê?

16/04/2018 - 16:34

PNO - Giữa ngổn ngang thế sự, dự luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính trở thành đề tài gây hoang mang, bất mãn, bàn tán xôn xao.

Đụng đến túi tiền hiển nhiên lo lắng; nhưng, trong khi luật vẫn đang ở bước… dự, câu chuyện mua nhà hay tiếp tục ở thuê đã thành cuộc cãi nhau nảy lửa ở không ít gia đình.

Gio minh mua nha hay o thue?
 

Trong cuộc… chán nản tập thể trước dự luật thuế, không ai tìm nổi một lời khuyên hãy cố gắng sở hữu một căn nhà. Thiên hạ ì xèo ủng hộ quan điểm nên duy trì kiếp ở thuê. Với số tiền 1,5 tỷ đồng, bạn có thể ở trọ trong 20-30 năm, mức thuê 4-6 triệu đồng/tháng. Chừng ấy năm chẳng những sống thoải mái, bạn còn tự do thực hiện bao kế hoạch cuộc đời, như đưa gia đình đi du lịch hoặc thử đầu tư kinh doanh và dễ dàng nuôi con đến khi chúng trưởng thành, tự lập. Trong khi đó, nếu mua nhà trả góp, bạn sẽ phải cắt giảm chi tiêu, thắt lưng buộc bụng, gồng mình gánh nợ với cảnh sống bị động, lệ thuộc cũng hết cuộc đời.

Trường hợp luật thuế được thông qua, bạn không khác mấy chú lừa trong câu chuyện ngụ ngôn, thêm chiếc áo sẽ kiệt sức, sau vô vàn những gánh nặng bạn đã và đang phải chịu. Nhà lúc này - không biết thành tài sản hay… tiêu sản của bạn?

Giống như một “thuật toán” của Facebook (giả sử bạn thích đọc các trang làm đẹp hay vô tình bấm “like” một quảng cáo giày dép; thể nào tường nhà bạn cũng trở thành cuộc diễu hành rầm rộ của hàng loạt trang làm đẹp hay quảng cáo giày dép - chúng ít nhiều tác động đến lựa chọn và thẩm mỹ của bạn); khi hàng trăm người ủng hộ “nói không với mua nhà”, bạn khó mà nói có. Thế rồi, từ cái sự “khó nói có” đó đã dẫn đến “cuộc nổi dậy” của mâu thuẫn trong bao gia đình.

“Đời người đàn bà không thể mãi sấp ngửa chạy theo sự tạm bợ của chồng” - chị Hà (Q.3, TP.HCM) treo lên “tường” dòng trạng thái khó hiểu. Bạn bè hỏi thăm, chị rầu rĩ, từ hôm báo chí đăng tải dự luật thuế tài sản đến nay, anh Lâm - ông xã chị - nửa bước không rời chiếc điện thoại. Bài toán của nhiều người khiến anh hủy quyết định mua nhà; dù trước đó, vợ chồng đã đi xem, ưng ý một căn hộ, thống nhất vay ngân hàng mua trả góp trong 15 năm. Bữa cơm chiều, chị Hà nhấm nhẳng: “An cư lạc nghiệp. Vợ chồng mình thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng, trích trả cho khoản vay tầm 5, 6 triệu đồng thì vẫn còn sống khỏe”. Anh Lâm gạt phăng: “Em không thấy ở trọ sướng hơn à? Nhà cửa gì đủ thứ thuế chóng mặt”.

Gio minh mua nha hay o thue?
 

Viện dẫn 12 năm hôn nhân là bao lần mệt nhoài chuyển chỗ trọ, chị Hà tức tưởi: “Cứ thế này làm sao tôi ngẩng mặt nhìn ai. Về quê nghe bà con hỏi “có nhà chưa” anh không xấu hổ à?”. “Em sống đời mình hay đời của người khác?” - anh Lâm chốt hạ, quăng chén cơm, dắt xe rời nhà.

“Mình vẫn muốn mua nhà, mà bà xã phản đối vì cái dự luật, đòi lấy 400 triệu đồng tích lũy lâu nay mở cửa hàng mỹ phẩm. Bọn mình vừa gây nhau vì không thống nhất được” - anh Ngọc (một facebooker) cảm thán. Tâm sự của anh nhận được vô vàn động viên “hãy nghe theo lời vợ”…

Giữa cuồn cuộn ủng hộ, khuyên nhau không nên mua nhà như một trào lưu “định hướng dư luận”, chưa thấy ai nghĩ đến một thực tế nhiều rủi ít may rồi sẽ diễn ra: ngay cả khi ở trọ, nếu luật mới thực thi, ai biết giá nhà trọ sẽ “được” thổi lên cỡ nào. Không ai biết người cho thuê hay kẻ thuê sẽ gánh thuế suất mới khi mà chủ nhà bày tỏ sự… lạc quan, rằng thêm thuế thì tăng giá thuê, đơn giản vậy thôi.

Cả cuộc đời Denis Diderot sống trong nghèo khó. Dù là triết gia nổi tiếng, ông không thể lo nổi đám cưới cho con. Thế rồi, nhờ bán toàn bộ thư viện, Diderot bất ngờ giàu có với 50.000 USD vào năm 1765, ở tuổi 52. Ông lập tức vung tay mua một chiếc áo choàng đắt đỏ, để rồi, khi mang chiếc áo về, ông ngỡ ngàng thấy nó… quá lạc lõng so với ngôi nhà cùng các vật dụng chung quanh. Phần bị tác động, phần vì ý muốn, Diderot thay mới dần các vật dụng, từ tấm thảm, bộ bàn đến chỗ ở. Rồi, trước đống đồ mới toanh xa xỉ, ông ngồi xuống viết câu chuyện về hiệu ứng tâm lý mang tên mình. Diderot khuyên hãy là người biết đưa ra những lựa chọn sáng suốt về sở hữu vật dụng, tài sản dựa trên tính toán và nhu cầu hạnh phúc lâu dài của đời mình.

Dẫn đến cuộc diễu hành của các trang quảng cáo có sản phẩm na ná mà người dùng tìm kiếm, “thuật toán” Facebook nhờ vào thông số từ những cái click chuột hoặc bấm like. Nó không hề quan tâm đến việc bạn không còn nhu cầu và cũng chẳng màng đề tài yêu thích của bạn là vấn đề thời sự hay những fanpage mùi mẫn tâm sự. Cuộc “đổ bộ” của quan điểm không nên mua nhà mà lý lẽ vin vào dự luật vô tình khiến bạn bỏ quên “nội lực” của gia đình. Suy cho cùng, dự luật không hề tác động đến “cuộc chiến” sở hữu nhà hay không, mà là nỗi lo oằn mình cắt củm chi tiêu. Còn, an hay tạm cư vẫn luôn là lựa chọn độc lập gắn với khả năng cùng nhu cầu hạnh phúc của riêng mỗi gia đình. 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI