Gió lớn làm bùng lên những đám cháy rừng chết người ở California

17/09/2020 - 14:23

PNO - Chính quyền tiểu bang California hôm 16/9 cảnh báo gió mạnh kết hợp với nắng nóng khô hiện hữu có nguy cơ thổi bùng mạnh những đám cháy rừng chết người ở California, gây nên sự tàn phá nặng nề hơn những đám cháy đã hủy hoại Bờ Tây nước Mỹ.

Thống đốc California Gavin Newsom cho biết, mặc dù các nhân viên cứu hỏa đạt được tiến bộ trong trận chiến khống chế hơn hai chục đám cháy rừng lớn, nhưng gió mạnh mang tên Santa Ana có thể tiếp thêm sức mạnh cho những đám cháy đang hoành hành.

Hiện trường đám cháy Bobcat trên sườn đồi gần Công viên Canyon Monrovia ở Monrovia, California. Ảnh chụp ngày 15/9/2020 - Ảnh: AFP
Hiện trường đám cháy Bobcat trên sườn đồi gần Công viên Canyon Monrovia ở Monrovia, California. Ảnh chụp ngày 15/9/2020 - Ảnh: AFP

Hãng tin AFP dẫn lời Thống đốc Newsom phát biểu tại cuộc họp báo hôm 16/9: "Với hiện tượng gió (Santa Ana) đang trải qua và những gì chúng ta dự đoán trong những ngày tới, phải lưu ý rằng ngay cả khi số đám cháy được khống chế cao, thì những đám cháy đó vẫn đuổi theo sau chúng ta”.

Ông Newsom nêu rõ quy mô của thảm họa đang bùng phát và cho biết, năm nay tiểu bang đã trải qua 7.606 vụ hỏa hoạn so với 4.972 vụ trong năm 2019. Ông cho biết “bà Hỏa” đã thiêu rụi gần 2,3 triệu mẫu Anh đất rừng và đất ở, so với 118.000 mẫu năm ngoái. Ông nói: “Những con số cháy rừng này mang tính lịch sử”.

Thống đốc Newsom cũng chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã đến thăm California đầu tuần này, khi nói rằng ông "đã mất kiên nhẫn với những người phủ nhận biến đổi khí hậu" - những người bác bỏ bằng chứng khoa học rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến sự nóng lên toàn cầu.

Trong chuyến đi thị sát California, Tổng thống Trump “đã hạ thấp những lo ngại về khí hậu liên quan đến cháy rừng, mà nói rằng sự nóng lên toàn cầu sẽ tự biến mất”.

Mark Parrington, nhà khoa học cấp cao và chuyên gia về cháy rừng tại Cục Giám sát Khí quyển Copernicus (CAMS) của châu Âu cho biết: “Phạm vi và độ lớn của những đám cháy này ở mức cao hơn nhiều so với bất kỳ dữ liệu nào giám sát trong 18 năm qua”. Ông nói thêm rằng các đám cháy đã phát ra quá nhiều ô nhiễm, khi khói dày có thể nhìn thấy cách xa hơn 8.000km ở miền bắc châu Âu, đồng thời nhấn mạnh sự tàn phá của ngọn lửa.

Khói đậm đặc nhất từ ​​đám cháy vẫn treo trên Bờ Tây nước Mỹ khiến các thành phố Los Angeles và San Francisco ghi nhận chất lượng không khí tồi tệ nhất trên thế giới.

Các nhân viên cứu hỏa kiệt sức hiện đang chiến đấu với 79 đám cháy lớn, khi "thời tiết gây hỏa hoạn nghiêm trọng" được dự báo ​​ở đông bắc California, theo Trung tâm Cứu hỏa Liên ngành Quốc gia (NIFC).

Cơ quan cứu hỏa California (Cal Fire) cho biết: “Không có mưa đáng kể, California vẫn khô ráo và chín muồi cho cháy rừng”, đồng thời nói thêm rằng thời tiết dự kiến ấm hơn ​​vào cuối tuần này sẽ khiến “nguy cơ hỏa hoạn tăng cao”.

Một trong những đám cháy gần Los Angeles, được gọi là đám cháy Bobcat, hôm 15/9 tiến đến gần một đài quan sát lịch sử, nhưng các đội cứu hỏa đã bảo vệ được cấu trúc không bị hư hại.

Ngoài California, nơi hứng chịu gánh nặng hỏa hoạn với tổng số người chết đã vượt qua con số 30, các tiểu bang ven biển Oregon và Washington cũng trải qua những trận hỏa hoạn kỷ lục xâm lấn vào các trung tâm dân cư lớn. Ở Oregon, 10 người đã thiệt mạng bởi các đám cháy trong điều kiện khô hạn. Những trận mưa hôm 16/9 dự kiến ​sẽ làm dịu các đám cháy ở Oregon và Washington.

Trong lịch sử, rất khó chứng minh mối liên hệ giữa các hiện tượng thời tiết cực đoan riêng lẻ và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những vụ cháy rừng ở Mỹ sẽ không dữ dội và lan rộng đến vậy nếu không có sự ấm lên của Trái đất trong thời đại công nghiệp. Nhìn chung, biến đổi khí hậu đã được chứng minh là có khả năng khuếch đại hạn hán làm khô các khu vực, tạo điều kiện lý tưởng cho cháy rừng.

Tác động kinh tế từ cháy rừng năm nay ở Mỹ dự kiến ​​sẽ rất lớn và một chuyên gia ước tính thiệt hại sẽ lên tới hơn 20 tỷ USD.

Ngoài ra, nhà chức trách cũng đã cảnh báo rằng khói từ các đám cháy có thể làm trầm trọng thêm đại dịch COVID-19, khi người dân buộc phải sơ tán để tìm nơi trú ẩn trong các chỗ ở chung. Hít phải khói và tro cũng có thể làm suy yếu thêm phổi của những người bị nhiễm virus và làm suy yếu hệ thống miễn dịch.

Việt Hưng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI