Gió khơi Cần Giờ - tiềm năng lớn chờ được khai thác

05/04/2024 - 07:36

PNO - Sáng 4/4, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TPHCM cùng Viện Nghiên cứu vùng và đô thị đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học (HTKH) “Phát triển điện gió ngoài khơi Cần Giờ”. Các đại biểu đánh giá, gió biển là nguồn tài nguyên quý chưa được khai thác hiệu quả.

Ngoài khơi không bao giờ hết gió

Ông Đặng Quốc Toản - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng dầu khí Châu Á (Asiapetro) - cho rằng, TPHCM là trung tâm kinh tế của phía Nam và cả nước, cũng là nơi tiêu thụ năng lượng lớn nhất cả nước. Trong khi đó, TPHCM lại có một “mỏ” gió rất lớn, có thể cung cấp nguồn điện sạch cho thành phố và các tỉnh vùng Nam Bộ, nên cần sớm tận dụng nguồn năng lượng “trời cho” này.

Ông Đặng Quốc Toản - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần  Năng lượng dầu khí Châu Á (Asiapetro) - trình bày về tiềm năng điện gió ở Cần Giờ
Ông Đặng Quốc Toản - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng dầu khí Châu Á (Asiapetro) - trình bày về tiềm năng điện gió ở Cần Giờ

Theo ông, điện gió ngoài khơi là nguồn điện ổn định, có thể phát ngày đêm mà không cần phải có hệ thống lưu trữ giống như điện mặt trời, số giờ phát cũng cao gấp ít nhất 3 lần so với điện mặt trời. Số giờ phát của điện gió cao hơn cả thủy điện, bởi nguồn nước cho thủy điện thường bị thiếu trong mùa khô khiến việc phát điện gặp khó khăn. Ông nói: “Ngoài biển khơi thì không lúc nào hết gió nên chúng ta cần phải tận dụng ngay nguồn năng lượng này. Việc sản xuất điện gió không cần đến nguồn nguyên liệu đầu vào nên không phát thải ra môi trường. Việt Nam có vùng biển trải dài, nếu tận dụng được gió biển thì không chỉ đủ cung cấp điện cho chính mình mà còn xuất khẩu được”.

Cũng theo ông Đặng Quốc Toản, khoảng cách từ ngoài khơi Cần Giờ về trung tâm TPHCM cũng rất gần nên việc truyền tải điện gió về thuận tiện. Hơn nữa, hiện nay, nhiều doanh nghiệp - đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) ở TPHCM và các tỉnh lân cận - đang cần nguồn điện sạch, xanh cho sản xuất, xuất khẩu hàng hóa đi châu Âu và nhiều thị trường khác. Dùng năng lượng sạch là xu thế chung của các nước, đồng thời cũng giúp Việt Nam tiến tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (net zero) mà Chính phủ đã cam kết tại hội nghị lần thứ 26 của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Ông đề xuất đầu tư xây dựng nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ, công suất dự kiến 6.000MW, giai đoạn đầu tư là 2031-2040. Dự án này có thể giúp giảm phát thải hơn 200 triệu tấn các bon (carbon) trong vòng đời của dự án, cung cấp nguồn điện sạch vào lưới điện quốc gia thông qua việc đấu nối tại trạm biến áp 500kV Đa Phước. Ngoài ra, dự án còn cung cấp điện, hydrogen xanh cho các đô thị, các khu công nghiệp, các phương tiện vận tải để giảm phát thải khí các bon. Dự án chẳng những không gây ảnh hưởng đến đất rừng phòng hộ mà còn có thể tạo ra hàng chục ngàn việc làm. Đặc biệt, dự án này còn có thể cung cấp điện cho các dự án lớn đang và sắp triển khai ở Cần Giờ.

Vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển điện gió

Theo dự án của Asiapetro, địa điểm đầu tư làm điện gió là ở ngoài khơi biển Cần Giờ (huyện Cần Giờ, TPHCM), tổng diện tích khảo sát khoảng hơn 325.000ha và phần dự án trên đất liền khoảng 8ha nằm trong khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2, thuộc xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM. Tổng mức đầu tư dự án là khoảng 313.372 tỉ đồng. Tổng diện tích chiếm đất có thời hạn của dự án dự kiến khoảng 607,97ha (giai đoạn 2031-2035) và 550,97ha (giai đoạn 2036-2040).

Trước đó, Sở Công Thương TPHCM cũng từng đề xuất UBND TPHCM kiến nghị bổ sung dự án nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ vào danh mục các dự án điện gió ngoài khơi tiềm năng trong dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Theo sở này, việc khai thác điện gió ngoài khơi Cần Giờ là cần thiết nhưng hiện dự án chưa nằm trong quy hoạch.

Ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió, Điện mặt trời tỉnh Bình Thuận - cho hay, hiện nay, trong xu thế chuyển dần năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, việc phát triển điện gió đang có nhiều lợi thế, tiềm năng. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước đi sau, có thể tận hưởng những thành quả khoa học của các nước đi trước, áp dụng được những công nghệ mới vào khai thác điện gió.

Nhưng ông cũng cho rằng, đang thiếu các quy định, chính sách, quy hoạch không gian, chính sách giá đối với điện. Điện đang ngày càng thiếu nhưng các dự án về điện lại không thể triển khai. Các nhà đầu tư có thể làm ra điện nhưng lại lấn cấn về giá cả. Do đó, ông kiến nghị có những cơ chế, chính sách đặc biệt để TPHCM phát triển điện gió ngoài khơi.

Theo giáo sư Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TPHCM - Chính phủ, Quốc hội đã dành nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt cho TPHCM như Nghị quyết 98/2023/QH15. Các nhà đầu tư cần chỉ ra những vướng mắc, trở ngại cụ thể đối với dự án để đề xuất UBND TPHCM và Chính phủ tháo gỡ. Ngoài ra, trong các hội nghị quốc tế, chính phủ nhiều nước đã cam kết hỗ trợ cho Việt Nam trong các dự án sản xuất xanh, nên có thể vay vốn ưu đãi để đầu tư vào điện gió. Ông cũng gợi ý, nên kết hợp việc phát triển điện gió ngoài khơi với an ninh quốc phòng để kết hợp việc khai thác tài nguyên với công cuộc bảo vệ an ninh vùng trời, vùng biển.

Cung cấp điện cho 3 “siêu” dự án ở Cần Giờ

Dự án điện gió ngoài khơi dự kiến sẽ cung cấp điện cho dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ, khu đô thị Hiệp Phước.

Trong đó, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với khả năng khai thác tàu có trọng tải lên đến 250.000DWT (24.000 Teu). Dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn, dự kiến giai đoạn 1 bắt đầu vào năm 2024 và đưa vào khai thác năm 2027, hoàn thành xây dựng vào năm 2045, tạo việc làm cho 6.000-8.000 nhân viên, người lao động. Tổng kinh phí khoảng 5,45 tỉ USD.
Khu đô thị lấn biển Cần Giờ có tổng diện tích được phê duyệt 2.870ha, tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỉ đồng. Dự án sẽ được xây dựng tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh. Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm.

Khu đô thị Hiệp Phước có diện tích khoảng 1.354ha, quy mô dân số gần 180.000 người. Dự án sẽ có những tiện ích nội khu như siêu thị, phố thương mại, khu làng đại học, trường học, bệnh viện, công viên cây xanh, đường dạo bộ, khu thể dục thể thao ngoài trời, khu vui chơi, bến tàu khách quốc tế, bến ca nô, tàu du lịch…

Vũ Quyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI