|
Cô giáo tình nguyện người Mỹ Katy Lee và học sinh tương tác vui vẻ trong tiết dạy đầu tiên của mình ở Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức) |
Cô bắt đầu tiết dạy bằng phần giới thiệu về bản thân: “Tôi tên là Katy, mình đến từ thành phố Seattle (Washington, Mỹ)”. Thấy cô nói khá nhanh, nhiều từ mới không nghe kịp, các em liền giơ tay đề nghị cô nói chậm hơn. Katy điều chỉnh lại tốc độ, nói chậm và dùng những từ cơ bản, dễ hiểu kết hợp giải nghĩa các từ mới. Cô trò sau đó dễ dàng bắt nhịp được với nhau.
Rèn luyện tiếng Anh cho học sinh trong 2 năm
Cô Katy gợi ý học sinh đoán về số thành viên trong gia đình của cô, đoán tuổi cô, thú cưng của cô là gì... Sau khi học sinh trả lời, cô lần lượt giới thiệu về gia đình, quê hương nơi cô lớn lên. Nhằm khuấy động lớp học, Katy còn hướng dẫn cả lớp tham gia trò chơi nhỏ, so tài hiểu biết của học sinh về đất nước của cô.
Lớp được chia thành 4 nhóm, sôi nổi tham gia các trò chơi kể tên về các món ăn, địa danh, người nổi tiếng của Mỹ… Cứ thế, cả cô và trò cuốn vào giờ học một cách hăng say. Hết tiết, nhiều em còn xúm lại nói chuyện thêm với cô trong khi cô giáo rất nhiệt tình trao đổi.
“Tiết học hào hứng hơn so với những gì tôi nghĩ. Như bao giáo viên khác, tôi khá hồi hộp khi bắt đầu công việc ở một môi trường mới, hoàn toàn khác lạ và cách xa quê hương mình nửa vòng trái đất. Tôi lo không thể kết nối với học sinh, sợ các em không thích bài học của mình nên khi thấy các bạn ào ào lên bục giảng tham gia trả lời tôi rất vui. Tôi sẽ nỗ lực hết sức để giúp học sinh học tiếng Anh” - Katy nói.
Em Huỳnh Ngọc Bảo An - học sinh lớp Mười Trường THPT Đào Sơn Tây - nhận xét: “Giờ học rất vui, cô rất nhiệt tình và bọn em không áp lực về điểm số, hay nặng về bài học nên rất thoải mái. Dù nhẹ nhàng nhưng khi được giao tiếp với cô em lại cảm thấy rất thú vị và nhớ rất tốt. Em mong sẽ có thêm thật nhiều tiết học như vậy”.
Tương tự, khi bắt đầu tiết dạy của mình tại Trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi), Sarah Beck cũng nhận được sự chào đón nhiệt tình từ các học sinh khiến cô không khỏi xúc động. Trong tiết dạy của mình, cô nhận được hàng chục câu hỏi từ các em về quê hương, đất nước, sở thích và cuộc sống hiện tại của Sarah ở Việt Nam. Tiết học kết thúc, nhiều em tiếp tục trò chuyện, rủ cô cùng chơi thể thao trong sân trường. Sarah cũng nhanh chóng làm quen với học sinh, đồng nghiệp ở trường.
Bà Lê Thị Uyên - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết do ở xa trung tâm nên học sinh không có nhiều cơ hội giao tiếp tiếng Anh. Vì vậy các em rất háo hức với những giờ học này.
Katy và Sarah là 2 trong 9 tình nguyện viên của Chương trình Hòa bình (Peace Corps), một cơ quan độc lập thuộc Chính phủ Mỹ. Đây là nhóm tình nguyện viên đầu tiên đến TPHCM và là nhóm thứ hai đến Việt Nam. Nhiệm vụ của họ là đồng dạy tiếng Anh với giáo viên Việt Nam và tham gia các hoạt động giáo dục khác tại 9 trường THPT công lập tại TPHCM trong 2 năm, giúp các trường cải thiện khả năng dạy học tiếng Anh cho học sinh.
Cả trường mong chờ giáo viên nước ngoài
Ở cuối huyện Cần Giờ, nơi cách xa trung tâm TPHCM gần 3 giờ đồng hồ di chuyển, cả thầy và trò Trường THPT Cần Thạnh rất vui khi lần đầu tiên có giáo viên nước ngoài về dạy tiếng Anh. “Những năm trước, tôi cũng nhiều lần liên hệ các trung tâm để tìm kiếm giáo viên, mong muốn cho các em cơ hội giao tiếp, thực hành tiếng Anh với giáo viên nước ngoài. Nhưng trường quá xa trung tâm, đi lại khó khăn nên chi phí rất cao, mà kể cả có trả thù lao cao giáo viên họ cũng không mấy mặn mà. Nên khi nghe tin trường được tiếp nhận tình nguyện viên đến từ Mỹ không chỉ học trò, giáo viên mà bản thân tôi cũng mừng lắm” - ông Lương Văn Minh - Hiệu trưởng Trường THPT Cần Thạnh - chia sẻ.
Thầy trò trường Cần Thạnh đang mong chờ những tiết học đầu tiên với tình nguyện viên người Mỹ. Thời gian hỗ trợ kéo dài 2 năm nên vị hiệu trưởng tin đây sẽ là cơ hội lớn để trường có “làn gió mới trong việc dạy và học tiếng Anh”. Ông cho biết sau khi về trường, tình nguyện viên sẽ cùng giáo viên của trường soạn giáo án, lên chương trình. Tình nguyện viên sẽ phụ trách chính các tiết dạy kỹ năng nghe - nói để học sinh có cơ hội giao tiếp nhiều nhất có thể. Trường cũng sắp xếp chỗ ở, lịch làm việc phù hợp để tình nguyện viên cảm nhận được tấm lòng hiếu khách của thầy trò.
Dù được phân về trường xa thành phố nhất, nhưng thầy Tony Maul - tình nguyện viên người Mỹ ở Trường THPT Cần Thạnh - rất thích thú với môi trường sống ở đây. Tuần này mới bắt đầu lên lớp đồng giảng, tuy nhiên từ khi về trường, Tony đã được nhiều học sinh, giáo viên chủ động bắt chuyện, hỏi thăm.
“Các đồng nghiệp Việt Nam hỗ trợ tôi mọi thứ, dẫn tôi đi vòng quanh khu vực này để làm quen với cuộc sống, chia sẻ đồ ăn, cho tôi mượn xe đạp. Nhiều học sinh thấy tôi đều chủ động chào hỏi. Có những em lần đầu gặp còn khá rụt rè, thấy bạn bắt chuyện với tôi chỉ dám đứng nghe nhưng sau đó cũng bắt đầu giao tiếp. Chỉ vài câu đơn giản, chưa thật đúng về mặt ngữ nghĩa nhưng thấy các bạn ham học hỏi, tôi thấy được ý nghĩa và trách nhiệm khi chọn về đây. Tôi hy vọng những tiết dạy của mình sẽ góp phần hỗ trợ học sinh ở đây cải thiện kỹ năng tiếng Anh” - thầy Tony Maul nói.
Cơ hội cho cả giáo viên Là một trong những giáo viên chính, đồng giảng với tình nguyện viên người Mỹ, cô Trâm Anh - giáo viên Trường THPT Quang Trung - chia sẻ đây không chỉ là cơ hội của học sinh mà còn giúp giáo viên môn tiếng Anh các trường trau dồi kiến thức, kỹ năng khi được làm việc trực tiếp với người nước ngoài trong thời gian dài. “Chúng tôi sẽ học hỏi thêm được nền văn hóa, cập nhật cách thức giảng dạy ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ của các tình nguyện viên nước ngoài để có thêm kinh nghiệm cho mình” - cô Trâm Anh nói. |
Nguyễn Loan