PNO - Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Thị Bích Hường - Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Lê Văn Thịnh - ghi nhận các trường hợp gặp vấn đề sức khỏe do tiền mãn kinh tới khám tại đơn vị mình khá nhiều (chiếm 20% trên tổng số bệnh nhân). Tuy nhiên, hầu hết chị em không hề biết các dấu hiệu bất thường đang gặp phải có liên quan tới tiền mãn kinh. Họ được chuyển tới từ các chuyên khoa khác và phải chịu đựng những ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý trong thời gian dài.
Hồi hộp, đánh trống ngực có thể là dấu hiệu của tiền mãn kinh
Nhầm với... viêm tiết niệu
Theo bác sĩ Lê Thị Bích Hường, các bệnh nhân tiền mãn kinh đến khám trực tiếp tại đơn vị mình chủ yếu do 2 vấn đề chính là khô rát âm đạo và rối loạn kinh nguyệt. Đa số bệnh nhân liên quan tới tiền mãn kinh còn lại được chuyển tới từ các chuyên khoa tim mạch, khoa nội thần kinh hoặc thận niệu. Điều đáng nói là dấu hiệu tiền mãn kinh xuất hiện trước khi phụ nữ chính thức bước vào thời kỳ mãn kinh từ 7-8 năm. Từ đó cho thấy nếu không được phát hiện và can thiệp sớm, phụ nữ rất thiệt thòi. Họ phải chịu đựng trong suốt thời gian dài dẫn đến stress, trầm cảm do chất lượng cuộc sống bị xáo trộn, thậm chí hạnh phúc gia đình cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chị Đ.K.T. (48 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) là một trường hợp điển hình về rối loạn tiền mãn kinh. Khoảng 2 năm nay, âm đạo của chị T. bỗng trở nên khô rát. Mỗi lần đi tiểu, chị cảm thấy rất khó chịu vì vùng kín bị cộm, xốn. Tưởng mình bị viêm đường tiết niệu, chị tự mua thuốc về uống. Thế nhưng tình trạng khô rát, cộm xốn vùng kín cứ kéo dài khiến chị T. vô cùng mệt mỏi. Chị chẳng còn hứng thú với sinh hoạt vợ chồng, tâm trạng lúc nào cũng bực bội, hay cáu gắt với mọi người xung quanh.
Lo ngại tình trạng viêm tiết niệu của vợ ngày càng nặng, chồng chị đã động viên và đưa vợ đi khám tiết niệu. Ai ngờ sau khi hỏi han bệnh sử, làm xét nghiệm, bác sĩ cho biết chị T. không bị viêm tiết niệu. Các dấu hiệu đi kèm cho thấy có khả năng bệnh nhân đang ở giai đoạn tiền mãn kinh. Bác sĩ đã chỉ định chị đi khám chuyên khoa phụ sản.
Tại Khoa Phụ sản Bệnh viện Lê Văn Thịnh, bệnh nhân được xác định khô rát âm đạo do rối loạn nội tiết tố giai đoạn tiền mãn kinh. Vì âm đạo khô nhiều nên khi đi tiểu, chị T. cảm thấy cộm xốn, khó chịu. Bệnh nhân đã được tư vấn, tầm soát sức khỏe trước khi can thiệp bằng cách bổ sung nội tiết tố nhằm giúp giảm bớt các triệu chứng khó chịu của tiền mãn kinh.
Rối loạn giấc ngủ, hay vã mồ hôi và hồi hộp
Trường hợp khác là chị N.T.T.D. (50 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai). Chị D. hay bị vã mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực cả năm nay. Chị lên mạng tìm hiểu thì thấy có vẻ mình đang mắc bệnh lý tim mạch. Điều đó khiến chị vô cùng lo lắng, tâm trạng lúc nào cũng bất an, chỉ sợ gặp bất trắc không ai nuôi con đang độ tuổi ăn học.
Trong một lần đến thăm người thân, chị D. được khuyên tới bệnh viện khám tim mạch. Sau khi cho bệnh nhân làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ cho rằng nguyên nhân không xuất phát từ bệnh lý tim mạch, khuyên chị đi khám phụ sản vì nghi ngờ chị bị tiền mãn kinh.
Tại khoa phụ sản, bác sĩ Bích Hường giải thích rằng, chính sự rối loạn vận mạch (xuất hiện ở 80% phụ nữ tiền mãn kinh) khiến bệnh nhân bị vã mồ hôi, hồi hộp. Triệu chứng này có thể kéo dài rất lâu (trong khoảng 7-8 năm) cho tới khi bệnh nhân mãn kinh. Khi tiếp xúc, bác sĩ nhận thấy tâm trạng của chị D. rất tệ. Bệnh nhân bị stress quá độ, lo lắng về mọi thứ và không có hứng khởi với bất cứ chuyện gì, kể cả sinh hoạt vợ chồng.
Chính điều này khiến hôn nhân của chị D. bị rạn nứt. Bệnh nhân tâm sự cả nhà đều tỏ ra chán nản, không muốn tiếp xúc với chị do chị hay cáu gắt và làm quá mọi chuyện. Bản thân chị D. cũng biết mình vô lý nhưng không thể kiểm soát được cảm xúc. Bác sĩ cho rằng, ngoài can thiệp làm giảm các triệu chứng của tiền mãn kinh, bệnh nhân cần trị liệu cả về tâm lý. Nếu không xử trí kịp thời, người bệnh sẽ phải gánh chịu nhiều nguy cơ về sức khỏe và mối quan hệ với các thành viên trong gia đình cũng ngày càng trở nên xa cách.
Thêm một trường hợp là chị B.T.C.L. (47 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) bị mất ngủ trầm trọng khoảng 2 năm nay. Chị L. chia sẻ mình rất khó đi vào giấc ngủ, mỗi đêm chỉ ngủ được khoảng 2-3 tiếng. Giấc ngủ của chị L. cũng chập chờn và chị hay bị hồi hộp, bóng đè. Rối loạn giấc ngủ khiến chị L. uể oải, cơ thể như không có sức sống, năng suất lao động giảm sút. Kể từ đó, tính tình chị thay đổi. Chị hay gắt gỏng, dễ nổi nóng cả với chồng con và đồng nghiệp.
Với những biểu hiện như trên, chị L. được mọi người khuyên nên đi khám chuyên khoa thần kinh nhằm điều trị tình trạng rối loạn giấc ngủ. Cũng tương tự như chị T. và chị D., sau khi thăm khám và kiểm tra các vấn đề về nội thần kinh, bác sĩ đã khuyên chị sang khám ở khoa phụ sản. Tình trạng rối loạn giấc ngủ của chị được xác định liên quan tới tiền mãn kinh.
Bổ sung nội tiết tố kết hợp dinh dưỡng và luyện tập
Bổ sung nhiều thực phẩm họ đậu giúp giảm các triệu chứng tiền mãn kinh
Theo bác sĩ Bích Hường, mãn kinh không xảy ra đột ngột mà sẽ có những dấu hiệu trước đó vài năm. Độ tuổi mãn kinh trung bình của phụ nữ là từ 50. Trước khi mãn kinh vài năm, có thể lên tới 8 năm, phụ nữ bắt đầu cảm thấy các dấu hiệu bất thường liên quan tới sụt giảm nội tiết tố nữ estrogen như rối loạn giấc ngủ, vã mồ hôi (đặc biệt vào ban đêm khi đang ngủ), hồi hộp, đánh trống ngực, bốc hỏa, chu kỳ kinh nguyệt lúc có lúc không. Hơn thế, ở giai đoạn tiền mãn kinh, phụ nữ sẽ bị khô rát âm đạo, teo âm đạo dẫn tới đau khi sinh hoạt vợ chồng.
Ở giai đoạn này, canxi trong cơ thể sụt giảm nên chị em dễ bị loãng xương. Các thay đổi tiền mãn kinh khiến họ sẽ phải đối diện với nhiều nguy cơ bệnh tật hơn như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… Chính từ những diễn biến sức khỏe bất thường như trên, chị em tuổi tiền mãn kinh phải gánh chịu một áp lực rất lớn trong suốt thời gian dài. Thực tế cho thấy đa số chị em coi các dấu hiệu tiền mãn kinh là một hiện tượng sinh lý tự nhiên nên âm thầm chịu đựng.
Khi thấy mình có các dấu hiệu vã mồ hồi, hồi hộp, đánh trống ngực, kinh nguyệt thưa dần, phụ nữ độ tuổi trung niên nên đi khám chuyên khoa phụ sản để được chẩn đoán chính xác. Nếu liên quan tới tiền mãn kinh, bệnh nhân sẽ được can thiệp bằng nhiều cách. Trước đây, nhiều báo cáo cho rằng bổ sung nội tiết tố cho phụ nữ tuổi tiền mãn kinh sẽ khiến các bệnh nền như đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp khó kiểm soát và trở nặng hơn.
Tuy nhiên ngày nay, các nghiên cứu mới nhất lại chỉ ra rằng nội tiết tố không liên quan tới tình trạng nặng lên của các bệnh lý này. Dù vậy, chị em cần được tầm soát các bệnh ung thư có liên quan tới nội tiết tố như ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung… Những trường hợp có nguy cơ hoặc đang bị ung thư vú và nội mạc tử cung thì không nên bổ sung nội tiết tố. Còn lại, các trường hợp mắc bệnh lý nền về huyết áp, tim mạch, đái tháo đường cần được bác sĩ tư vấn để sử dụng loại nội tiết tố phù hợp vào đúng thời điểm. Chị em đang bổ sung nội tiết tố nếu thấy âm đạo ra máu bất thường phải tạm ngưng và đi khám ngay để được chẩn đoán kịp thời.
Bên cạnh việc bổ sung nội tiết tố, phụ nữ tiền mãn kinh nên ăn nhiều thực phẩm họ đậu, sử dụng chiết xuất mầm đậu nành (có sự tư vấn của bác sĩ), chế độ dinh dưỡng giàu canxi nhằm tránh bị loãng xương. Tập thể dục thể thao thường xuyên cũng là cách duy trì thể lực dẻo dai và giải tỏa stress hiệu quả.
Trước thực trạng quản lý, kiểm định nước sinh hoạt ở chung cư còn nhiều bất cập khiến chất lượng nước chưa bảo đảm, các chuyên gia đã đề xuất giải pháp.