Tôi thực sự bị lôi cuốn mãnh liệt khi lời kể dồn dập của anh bật ra như một tiếng khóc. Lúc anh ngước mặt lên, nước mắt đã giàn giụa. Anh nói tiếp: “Hồi đó, mình là người trong cuộc thì thấy bình thường. Giờ nghĩ lại anh thương tụi anh lắm em. Thương những thằng con trai không có tuổi trẻ. Một tuổi trẻ không biết đồng tiền. Không thư tình. Không hẹn hò. Không biết gì về cuộc đời người ta đang sống”.
Hôm đó, tôi ghé nhà thăm và chúc tết vợ chồng nhà báo - nhà thơ Lê Minh Quốc. Vô tình nhắc mấy chuyện đang “thời sự”, câu chuyện đầu xuân Kỷ Hợi của anh em báo chí chợt chuyển sang câu chuyện chiến tranh biên giới Tây Nam hồi 40 năm trước.
“Hai bông hồng trên vai người lính”
Năm 1977, đang là học sinh lớp 11 tại Đà Nẵng, Lê Minh Quốc nhận được giấy khám sức khỏe để đi lính. Thuở ấy, Đà Nẵng vẫn râm ran tin chiến trận từ những buổi sinh hoạt chính trị ở ủy ban phường vào mỗi tối cuối tuần. Từng tốp người “vào lính”, lên đường đi huấn luyện xa nhà.
Nhịp sống thành phố vẫn êm đềm. Vì thế, với bọn con trai 16, 17 tuổi trong trường cấp III, tờ giấy gọi đi khám sức khỏe trở thành một điều quý giá, rất oai. Sức khỏe đạt tiêu chuẩn, Lê Minh Quốc hăm hở lên đường. Lúc đó, đầu óc của người trai 17 tuổi chỉ mải mê mấy câu thơ của anh chính trị viên phường đọc trong một buổi sinh hoạt chính trị: “Tổ quốc ơi hãy trao tôi cây súng/ Thân tôi đã dài, vai tôi đã rộng”.
|
Chàng thanh niên Lê Minh Quốc ngày lên đường nhập ngũ |
Cho đến lúc được đưa lên vùng đất cuối cùng của tỉnh Đắk Lắk, Lê Minh Quốc mới biết mình sẽ cùng đồng đội chiến đấu tại biên giới Campuchia. Anh được phân về D8, E9, F307. Đơn vị đêm nào cũng họp. Nhiệm vụ trước mắt là đào giao thông hào để tiến về sát biên giới Campuchia, vừa tiến vừa chiếm giữ. “Giai đoạn đó rất cam go, hai bên giành nhau từng tấc đất. Hễ mình đào được một đoạn để mở đường tiến sang, thì bọn nó dội đạn pháo xuống, san lấp cả người lẫn đất”.
Thấy anh dừng lại, im lặng sau một đoạn hồi ức “cam go”, tôi hỏi: “Hồi đó anh mới bước ra từ nhà trường, vậy làm sao đủ nhận thức để biết mình chiến đấu vì điều gì?”. Lê Minh Quốc không quên mời đàn em cạn ly như cung cách hồn hậu của người anh hiếu khách, trước khi thả ra câu nói như đã thuộc nằm lòng: “Biết chứ! Hồi đó mình đi là để bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Người ta hay gọi nhiệm vụ đó là “hai bông hồng trên vai người lính“. Lúc đó, biên giới Tây Nam của mình bị đe dọa nghiêm trọng, còn người dân nước bạn Campuchia đang lâm nguy vì cùng một kẻ thù là chế độ Pol Pot”.
Chừng như hình ảnh “hai bông hồng trên vai người lính” vẫn còn khá mơ hồ, anh kể: “Lúc sắp đối diện với chiến trận, chỉ huy căn dặn chín quy tắc ứng xử, trong đó quy định rõ ba thứ cụ thể mà binh lính được phép sử dụng trên đất Campuchia là không khí, nước sông và củi rừng. Không xin, không lấy, không nhận bất kỳ món quà nào của người dân“. Quy định ấy củng cố tư thế lên đường của những người lính sắp bước sang nước bạn. Nhưng chẳng ai ngờ, làm hảo hán chuyến ấy khó đến ngặt nghèo.
Ngay bên kia biên giới là rừng hoang, bạt ngàn. Từng đơn vị phải biến rừng thành nhà. Họ chặt cây làm nhà, đào ao nuôi cá, trồng rau, chăn gà. Thỉnh thoảng, họ cũng kết nối được với dân làng Campuchia trong những phum hẻo lánh, ít người. Nhưng nhịp điệu chủ đạo vẫn là nhịp điệu chiến đấu. Hễ cần tác chiến, đội quân sẵn sàng rút khỏi mảnh đất đang gầy dựng sự sống nọ để lên đường, tiến sâu vào giải phóng Campuchia. Họ vừa đi vừa mở đường. Có khi, chưa giáp mặt địch, đã bị bom mìn chặn đứng. “Chúng rải mìn như lá cây trong đường rừng. Có khi, đi một đoạn 5km đã phá được 200kg mìn, đủ loại” - Lê Minh Quốc nhớ lại.
|
Những người lính Việt ở chiến trường Tây Nam năm 1979 |
Địa hình hiểm trở, địa điểm đóng quân hẻo lánh. Những chuyến cung cấp quân nhu vốn đã hiếm hoi mà lắm khi lại không thể tiếp cận được với đơn vị. Việc di chuyển liên tục khiến quân lính không thể tăng gia sản xuất. Kỷ luật quân đội lại nghiêm cấm nhận quà của người dân. Bữa ăn quen thuộc nhất là bắp và bột của “một loại ngũ cốc gì đó rất khó nuốt”. Có những giai đoạn đói rã rời, các anh chia nhau mấy nắm lá rừng, vấn lại như điếu thuốc, đốt hút. Giữa lúc đó, ngay trong những phum làng Campuchia lại bạt ngàn những ruộng thuốc lá.
Ngoài đồng, dân làng gặt lúa xong không mang về mà để ngay trên phần ruộng nhà mình. Lính Việt Nam đều biết những làng mạc nọ cũng vừa trở mình sống dậy sau khi thoát khỏi ách cai trị của Khmer Đỏ, nhưng mùi lúa chín trên đồng cộng với lời mời mọc chân thật của dân làng cứ khiến lời từ chối trở nên khó khăn. Nhưng, quân lệnh như sơn. Khi dân làng thu hoạch hết thuốc lá, chặt bỏ hết thân cây, những anh lính trẻ chỉ dám ra xin được đào số rễ cây đã được bỏ đi dưới lòng đất lên, đem về rửa sạch, xắt nhỏ, sao trên cái chảo quân dụng, chia nhau hút.
“Không biết lính thời chống Mỹ, chống Pháp thế nào, nhưng tụi anh hồi đó đứa nào cũng mặc cái áo đến cũ mòn, không rách bươm thì cũng sờn vai, thiếu cúc. Cái quần phải tháo nối, mặc phía sau thành phía trước. Giày thì đôi nào đôi nấy há mồm, cột dây chằng chịt”. Một buổi chiều, khi đi từ phum về đơn vị, Quốc và một đồng đội nữa đập nhau chỉ về phía xa xa, một chiếc xe bò đang lững thững đi tới trong cái nắng tàn, trên xe là một con bò chết. Một người làng đang kéo nó đi chôn. Biết con bò chết không còn là “tài sản của dân”, một miếng thịt bò lúc này lại như một món quà vô giá với bữa cơm chiến sĩ, nhưng kỷ luật nghiêm khắc của quân đội khiến họ phải chùng lòng.
Bỏ đi không đặng, Quốc và người đồng đội rủ nhau đi theo chiếc xe bò. Chờ người chủ nọ vùi xác con bò xuống đất xong để xác nhận họ đã bỏ nó đi, hai anh mới lại cắt lấy hai cái đùi đem về đơn vị. Về đến nơi đóng quân, lại không dám đi vào cổng chính, sợ bị “bắt lại” với hai cái đùi bò, Quốc và đồng đội lẻn vào đường khác để về thẳng trung đội. Vừa bước đến lối vào, đạn từ bên trong nã ra inh ỏi. “Hai kẻ đột nhập” phải la lên, đồng đội mới nhận dạng được mà ngừng tấn công. Bữa cơm của cả trung đội hôm đó có thịt. Nhưng đến giờ, nhớ lại buổi chiều ấy, Lê Minh Quốc vẫn ngậm ngùi “có ai ngờ mình cũng có lúc suýt bỏ mạng vì miếng ăn”.
“Người Campuchia không khóc”
Lê Minh Quốc kể: “Có nhiều con đường được bọn anh gọi tên là con đường máu, vì ngày nào cũng có bao lượt cáng thương tải dạn, thay quân, rút quân, bổ sung tân binh liên tục. Quân Pol Pot hạn chế đánh trực tiếp. Mỗi lúc giáp mặt, chúng chỉ chống trả yếu ớt, nhưng chúng lén lút sát hại ta bằng cách gài bom, rải mìn. Quân ta hy sinh chủ yếu vì bom mìn, phần lớn thương binh mất chân, mất tay cũng vì mìn. Có người sang Campuchia từ đầu cuộc chiến, không một ngày về phép. Đến khi đủ 5 năm ở chiến trường, cầm được tờ giấy ra quân, về nước, những người lính xa nhà lâu năm chưa kịp hết hồi hộp thì đã hy sinh vì mìn địch trên đường rời đơn vị”.
Tôi như bị trôi vào vùng ký ức đang cố vá víu của người đàn ông lục tuần. Bất giác, tôi bật ra một nỗi hoài nghi: “Suốt chừng đó thời gian, đi hoài đi mãi vào nước bạn, chỉ thấy khó khăn, chết chóc, Tổ quốc ngày càng xa mịt mờ sau lưng, anh lấy gì làm động lực cầm súng?”. Anh Quốc cười buồn, không trả lời mà chợt nhắc đến nhà văn Đoàn Tuấn - người bạn chiến đấu của anh suốt những năm tháng ở Campuchia.
Lúc này, Quốc đã ngà ngà say, anh bốc máy gọi cho Tuấn, kể có mấy đứa em đang ngồi nghe tui kể chuyện tụi mình hồi ở K. Rồi anh chuyển máy cho tôi gặp Đoàn Tuấn - người đã viết cuốn hồi ức Mùa chinh chiến ấy kể về những năm tháng trên nước bạn. Cuộc thăm hỏi thân tình kết thúc, anh Quốc chừng như vẫn không quên câu hỏi chưa được trả lời của tôi. Anh hỏi: “Em có biết chuyện về cô bé Naryn biết nói tiếng Việt mà Đoàn Tuấn từng kể không?”. Tôi lắc đầu. “Đó, những câu chuyện như thế khiến mỗi đứa ra trận tự cầm chắc cây súng. Còn mọi lời nói hay tuyên truyền dù tâm huyết đến đâu cũng chỉ tạo động lực được lúc đầu, chiến trường sẽ trả lời mọi thứ”.
|
Đoàn Tuấn gặp Naryn khi lỡ đường đêm hôm, lại gặp mìn khiến ba đồng đội bị thương, phải vào gặp trưởng phum gần đó để mượn xe trâu chở thương binh. Trưởng phum vắng nhà. Cô bé Naryn ra tiếp. Gương mặt trái xoan, đôi mắt mở to, vẻ dịu dàng và thanh tú của Naryn khiến Tuấn xúc động mạnh, lại thêm thứ tiếng Khmer rõ ràng, trong sáng, thánh thót từ cô bé khiến anh ngẩn ngơ suốt con đường theo cô đi tìm gặp trưởng phum. Naryn kể, trước đây, cô ở Phnom Penh. Giờ cô đã chuyển hẳn về đây ở với vợ chồng anh trai. Hỏi cha mẹ cô đâu, Naryn bình thản đáp: “Bị Pol Pot giết”. Bi kịch gia đình được kể lại không cảm xúc.
Đi đến giữa cánh đồng, nghe tiếng chó tru hoang dại, sẵn không khí im lặng chùng xuống kể từ khi Naryn nhắc đến cha mẹ, Tuấn mới mở lời hỏi bằng tiếng Khmer: “Con gì thế”. Naryn đáp rõ từng tiếng: “Con chó rừng”. Từng chữ tiếng Việt bật ra giữa cánh đồng xa lạ, sau muôn trùng hoang vu đã đi qua khiến anh lính trẻ bàng hoàng. Đến khi gặp được trưởng phum, Tuấn mới được cho biết, anh em Naryn quê gốc An Giang. Cha mẹ anh sang Campuchia mưu sinh từ lâu; năm 1975, cả gia đình bị Pol Pot lùa khỏi Phnom Penh. Cha mẹ anh bị tra tấn đến chết.
Người trưởng phum bây giờ và cô em gái Naryn chứng kiến cái chết của cha mẹ trong câm lặng, không biểu lộ cảm xúc. Pol Pot có lệ, hễ thân nhân nào của người bị giết bày tỏ bất kỳ thái độ gì thì lập tức sẽ bị giết theo. Sau đó, nhân lúc thuận lợi, anh đưa em gái theo đoàn người di dân lên Preah Vihear, và tuyệt đối che giấu thân phận người Việt bằng cách nói thật chuẩn tiếng Khmer và sống nhẫn nhịn, im lặng giữa những người Khmer thứ thiệt cho đến khi bị nhận ra gốc gác bởi một người lính Việt, là Đoàn Tuấn.
“Thằng Tuấn sau này nó viết: người Campuchia không khóc. Mà đúng thật. Biết bao nhiêu bi kịch, gian khó trêu ngươi, cũng chỉ thấy họ im lặng, bình thản lạ lùng”. Kể đến chi tiết cuối cùng trong câu chuyện về cô bé Naryn của Đoàn Tuấn, Lê Minh Quốc vẫn cái giọng miên man như đang trong cùng một mạch kể. “Năm thứ năm ở Campuchia, anh từng ngồi tì lên chiếc ba-lô, vẽ lại bản đồ Đà Nẵng. Sông Hàn ở đâu, chợ Hàn khúc nào, chợ Cồn ở ngã tư nào, Anh cố nhớ thiệt chi tiết để vẽ. Hồi đó đi miết về phía Campuchia, ngày tháng dài quá rồi, mỗi lần nghe có đứa đồng hương sang là mừng cuống trong lòng. Nhớ hoài, có thằng bạn cùng trường sang làm tân binh, nhắn nhe đủ kiểu, hẹn gặp để hỏi nó chuyện ở nhà. Mà chưa kịp gặp, nó đã đạp mìn hy sinh”.
Những chi tiết được kể về sau càng lúc càng dồn dập như ký ức đã kịp gọi nhau ùa về trong Lê Minh Quốc. 40 năm đã qua. Người lính trẻ trong câu chuyện xa xôi nãy giờ hiện đang ngồi trước mặt tôi trong hình ảnh một người đàn ông 60 tuổi đang vụng về bật khóc khi vừa đọc xong câu thơ của chính mình:
“Đường hành quân còn xa tít tắp/ những mìn 45.2A, K.63 chờ tôi giẫm bước/ sẽ nổ tung nhức nhối cánh rừng già/ quờ quạng tôi đi như một bóng ma/ đời lính mục/ uống nước đục/ ăn cơm cục/ hy vọng trở thành những Thạch Sanh/ chém đứt cổ Lý Thông và Bạch chằn tinh/ chui vào hang cứu thoát nàng công chúa/ Tôi chỉ gặp cô vũ nữ Apsara góa bụa/ ngực lép nép vào đá/ khép nép ép người khô như đá/ đứng trong đêm/ rủ rê tôi những động tác tự tình/ đêm nay tôi vừa tròn hai mươi tuổi/ ôm mặt khóc tức tưởi/ vì đâu?”.
Anh hỏi tôi: “Nếu bây giờ lịch sử lại bước vào một bước ngoặt tương tự, với lời kêu gọi tương tự, liệu giới trẻ các em có ai còn lên đường không?”. Đối diện với câu hỏi của một cựu binh ở chiến trường Tây Nam lúc này, chỉ có mình tôi là “giới trẻ”. Giới trẻ thực sự ngoài kia vốn đã phân tán trăm bề bởi những mối bận tâm khác nhau trên thế giới phẳng. Mọi vấn đề đều có hàng vạn góc nhìn riêng, lấy đâu ra một câu trả lời chung chung cho một câu hỏi vĩ mô nhường ấy. Thế nhưng, trong một khoảnh khắc bị xâu chuỗi bởi câu chuyện lên đường của Lê Minh Quốc, tôi chợt thấy mình đã có câu trả lời. “Hễ đó là một cuộc chiến với ngoại bang, cuộc chiến vì toàn vẹn lãnh thổ thì em tin người trẻ, bằng nhiều cách, họ sẽ lên đường”. Lê Minh Quốc gật đầu. Câu trả lời của tôi khiến anh như đang kìm tiếng thở nhẹ.
Minh Trâm