Gió chạy màu

24/07/2016 - 06:47

PNO - Trong vài giây sau đó, Liên nhìn xuyên qua hai dãy nhà, nghĩ về cuộc sống tạm bợ bình yên của những người công nhân ở đây và khẽ gật.

Lần đầu Liên đến xóm là giữa trưa. Bà chủ nhà đẹp như diễn viên mở cửa sắt màu xanh của một căn phòng, chỉ bâng quơ vô trong:

- Phòng nào cũng vậy. Bảy trăm một tháng, bao nước, điện ba ngàn một ký. Ở thì cọc một tháng.

Liên nhìn quanh, mặt ửng hồng, không dám nhìn vào khoảng tối loang mùi mốc trong căn phòng thiếu hơi người đã lâu. Phía bên kia đầu hành lang, trên cây sào phơi, những chiếc áo đồng phục công nhân bay chấp chới cả một vùng gió. Liên cũng vừa được phát hai cái có màu lam tương tự, đang cầm trên tay. Chiếc áo trĩu nặng như lòng Liên lúc này, không biết chắc chắn tương lai của mình thế nào nhưng bắt buộc phải bước đi.

Gio chay mau
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Người đàn bà liếc đôi mắt kẻ đường viền mi đậm, nhìn Liên dò chừng:

- Sao? Muốn ở không? Không thì tui để người khác.

- Dạ. Cô cho con thuê…

- Ờ. Ngoài chỗ này không còn nơi nào tốt hơn đâu.

Liên ngước mắt nhìn bà chủ nhà, rụt rè nở một nụ cười cầu thân, không biết phải trả lời sao. Đối với Liên bây giờ, cuộc sống bên ngoài ngôi nhà cũ, với những đêm dài nghe tiếng thở ra nặng nhọc của mẹ, tiếng rên đau của bà nội đã là một thứ gì đó yên ổn hơn nhiều.

**

Liên đứng chuyền bấm nút, nhận lương hai triệu tư một tháng, chưa thêm tiền tăng ca. Suốt những ngày đầu tiên của cuộc đời công nhân, những đầu ngón tay mỏng tang của Liên tấy đỏ vì tì lên đầu kéo suốt ngày. Dù có đeo hai lớp bao tay, nhưng sự lam lũ, giống như hạt đậu dưới nệm của công chúa ngày xưa, luôn có cách để khiến con người ta bầm giập.

Chị tổ trưởng nói ai có tay nghề mới được chuyển lên chuyền may, lương cao hơn và giấc mơ về những sản phẩm thành hình của bản thân mình cũng sẽ gần hơn. Tối về Liên nằm mân mê chiếc nhẫn vàng của mẹ và khóc đến lúc ngủ thiếp đi. Sáng Chủ nhật, Liên đi bán chỉ vàng, trả nợ tiền phòng cho bà chủ. Số tiền còn lại Liên đi xin học may của một cô thợ nổi tiếng từng đi làm công nhân mười tám năm. Từ 8 giờ sáng tới 9 giờ tối, Liên có thể đến tiệm bất cứ lúc nào, khi thì tiếp khách, lúc phụ xé vải, rồi mới lần lần đến công đoạn đo, may.

**

Hồi Liên mới đòi lên thành phố làm công nhân, cha Liên cười bằng mũi:

- Thích thì đi đi. Coi mi sống được mấy bữa trên đó.

Khi ấy, Liên vừa xếp đồ bỏ túi vừa quẹt nước mắt, không nói không rằng, chỉ tìm mọi cách để không phải nhìn mặt cha. Những ngón tay Liên bấu vào nếp áo run lên vừa ức, vừa giận, vừa sợ. Từ nhỏ đến giờ, Liên chưa bao giờ dám cãi lời cha, nói chi đến chuyện chống đối. Nhưng nếu cứ ngoan ngoãn theo cha, thì giờ có lẽ Liên đã đang chuẩn bị khăn gói về nhà chồng rồi. Ai đời, con gái người ta vừa học hết lớ p 12, xin đi thi đại học, cao đẳng gì cũng được, nhưng cha không cho. Cha nói cha đã kiếm được chỗ để gả con gái, chắc chắn đời Liên về sau sẽ sướng. Liên cự nự. Cha nói cãi cha thì tự kiếm chuyện làm mà nuôi mình. Mẹ Liên không nói gì, chỉ thở dài từng đêm vắng. Bà nội thì đêm nào cũng rên, trách ông trời nhanh thay đổi.

Một buổi tối như vậy, Liên đã bước khỏi cánh cổng gỗ quây kín hàng rào chè tiên, đeo chiếc ba lô căng phồng trên vai với tài sản vỏn vẹn một chỉ vàng mẹ lén dúi vào túi và năm trăm ngàn Liên dành dụm lâu nay. Ở trong nhà mẹ khóc, bà nội vừa rên vừa bật tiếng hức hức, không rõ là vì đau hay vì thương Liên. Cha thì đi đâu đó từ chiều. Liên đã chạy, nước mắt bay tóe lóe ra hai tai.

**

Xóm có hai mươi lăm phòng, mỗi phòng ba-bốn người ở. Liên vào được gần một tháng thì bà chủ như diễn viên dẫn tới trước cửa phòng một chị sồn sồn ăn mặc mát mẻ, chặn ngang khi Liên vừa mở cửa chuẩn bị đi làm.

- Phòng này mới có một người nè…

- Bà hất hàm với Liên

- Cô cần người ở ghép không?

Liên hơi đơ người trước hai vị khách lạ. Chị gái sồn sồn thổi phụt bã kẹo cao su vào rãnh thoát nước mưa, phủ đầu ngay, không để Liên kịp suy nghĩ:

- Tui chịu 2/3 tiền phòng. Bỏ qua là thiệt đó.

- Nhưng giờ em phải vô ca chị ơi. Liên chưng hửng trả lời. Chính cô cũng không biết mình đang từ chối hay đồng ý nữa.

- Thì có ai bắt cô làm gì đâu? Chịu cho tui ở thì mai dọn vô. Cô trả hai trăm một tháng. Cọc tui lo.

Liên chợn người đứng lại. Đôi mắt bà chủ nhà sáng lên. Chị gái sồn sồn ló đầu vô phòng, bĩu môi quay ra nhìn Liên bằng ánh mắt không diễn tả được.

- Vậy đi ha. Tui làm ban đêm. Cô ban ngày. Ở chung nhà mà chẳng bao giờ chạm mặt là sướng quá rồi.

Trong vài giây sau đó, Liên nhìn xuyên qua hai dãy nhà, nghĩ về cuộc sống tạm bợ bình yên của những người công nhân ở đây và khẽ gật.

Sau này Liên mới biết chị gái ấy làm ở một quán bia ôm. Nhưng đúng lúc sắp phải đóng tiền nhà, tiền học tháng thứ hai mà trong túi không còn tới một trăm ngàn, Liên không kịp nghĩ nhiều về sự kỳ thị hay những khác biệt nghề nghiệp khác. Liên chỉ nghĩ đơn giản, có lẽ là giữa cô và chị gái sồn sồn ấy có cái duyên.

Học được hai tháng, cô dạy may nói Liên có khiếu, nếu bỏ nghề làm công nhân ra đây làm không công cho cô một thời gian thì cô nhận luôn. Liên mừng muốn khóc, nhưng phải từ chối vì Liên cần số lương công nhân ít ỏi từ nhà máy. Liên còn thích cái cảm giác cặm cụi đến mụ mị trong những tiếng chân vịt chạy rào rào. Thỉnh thoảng, những buổi trưa hết hàng làm, Liên có thể lang thang qua khu nhuộm, giặt, ngửa cổ hít mùi thuốc hăng hăng nồng nồng (mà những ngày đầu mới vô Liên từng muốn ói). Để cảm ơn cô vì đã giúp mình chuyển lên chuyền may thô, Liên hứa mỗi cuối tuần sẽ ghé tiệm cô dạy may nếu không phải tăng ca. Cô vừa gật đầu, vừa lắc đầu vừa cười với Liên. Chắc cô hiểu thứ cảm giác bị ràng buộc cô từng trải qua mười mấy năm trước.

**

Một bữa tối chị sồn sồn không đi làm. Chị nằm miết trong góc phòng, mặt quay vô tường. Liên làm hết ca ba mới về, chỉ kịp rửa mặt, tắt đèn rồi xách gối tới nằm bên cạnh chị, thở không ra hơi. Liên cố đằng hắng để phá vỡ cảm giác ngưng đặc trong phòng khi lần đầu tiên chị ngủ cạnh Liên.

Vừa chợp mắt thì chị hỏi:

- Đi suốt ngày vậy? Sao không đổi nghề?

Dạ. Mấy bữa tăng ca cũng cực nhưng vui, chị. Làm nhiêu hưởng nhiêu. Liên khép mắt, khẽ cười trong bóng tối, nói y chang như trong lá thư Liên biên gửi về cho cha chiều qua.

Chị không nói gì. Rồi sau đó Liên nghe tiếng trở mình. Rồi có tiếng nấc. Chị nói:

- Công ty còn tuyển không? Chỉ tui cách nộp đơn.

Liên nín thở, nằm im lặng nuốt khan, cảm giác cơn ớn lạnh đang chạy dọc sống lưng. Chị cười, như cảm nhận được sự nặng nề đáng sợ trong lòng Liên.

- Hay những đứa bầm dập như tụi tui không làm được? Nếu mà được thì cô cứ chỉ tui đi. Khổ mấy tui cũng chịu. Chứ nghề này…

Sau đó Liên chỉ còn nghe tiếng thở lan đầy căn phòng. Liên quờ quạng đưa tay sờ mặt chị. Một bên má sưng to như đang ngậm trái táo trong miệng. Ở dưới mép của “trái táo”, những dòng nước mắt ấm sực đang chảy chảy. Chảy, tới đâu làm cơn lạnh trong Liên tan đến đó.

**

Tám tháng sau ngày Liên rời quê, cha một mình chạy xe gần hai trăm cây số chở lên cho Liên chiếc máy may của mẹ. Cha nói làm gì thì làm, sau này cha chỉ muốn Liên làm chủ cuộc đời Liên. Rồi cha bắt Liên chỉ chỗ cho cha ra chợ vải. Ông mua vài xấp vải về để sẵn cho Liên khỏi làm biếng. Cha còn cẩn thận bắt chị sồn sồn (đang được nghỉ ca ở nhà) đem giặt phơi, ngâm nước xả thơm lừng.

Liên đi làm về tới đầu xóm đã muốn sụm chân. Chị đứng trong nắng, phơi những tấm vải đủ màu lên sào. Gió bưng những mảng màu sặc sỡ lên, đem trộn hết vào hai gò má chị. Rồi trong khi Liên còn đang chết trân, thì chị cười khành khạch:

- Ê nhỏ, bộ mê chị rồi hả?

Liên ào tới rượt, đập chị trong mớ vải treo lồng lộng. Góc bên kia nữa, những mảng màu lam cứ chấp chới theo gió như một bài nhảy lộng lẫy Liên coi ngày nhỏ trên ti vi.

Lê Bảo Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI