Ginsburg ra đi, bầu cử tổng thống Mỹ hết kịch tính

21/09/2020 - 10:03

PNO - Cái chết của Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg hôm 18/9 gây ra cuộc tranh luận sôi nổi...

Chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử tổng thống, các cử tri Mỹ phải đối mặt với cuộc chiến mới tại Tòa án Tối cao vào thời điểm đại dịch, khủng hoảng kinh tế và bất ổn dân sự.

Tranh cãi xung quanh vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao

Cái chết của Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg hôm 18/9 gây ra cuộc tranh luận sôi nổi, chỉ sáu tuần trước đợt bầu cử tổng thống vốn đã gây tranh cãi. Bà Ginsburg - biểu tượng nữ quyền của Tòa án Tối cao - trở thành huyền thoại trong số các cử tri cánh tả, và từng bày tỏ mong muốn người kế nhiệm được đề cử bởi một vị tổng thống mới.

Bà Ruth Bader Ginsburg qua đời ở tuổi 87 vì ung thư tuyến tụy, để lại một khoảng trống to lớn trong hệ thống tư pháp Mỹ
Bà Ruth Bader Ginsburg qua đời ở tuổi 87 vì ung thư tuyến tụy, để lại một khoảng trống to lớn trong hệ thống tư pháp Mỹ

Theo quy định, các ứng viên thẩm phán Tòa án Tối cao do tổng thống đề cử nhưng phải đối mặt với phiên điều trần và bỏ phiếu xác nhận tại Thượng viện. Hiện giờ, khi phần lớn người dân Mỹ đang lung lay ý chí trong bối cảnh đại dịch, đảng Cộng hòa đề nghị Thượng viện nên bỏ phiếu để xác nhận ngay một ứng cử viên vào Tòa án Tối cao. Tổng thống Donald Trump đăng trên Twitter hôm 19/9 rằng, đảng Cộng hòa của ông “có nghĩa vụ lựa chọn các thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, không chậm trễ”.

Trong khi đó, các nhà lập pháp Dân chủ cho rằng, Thượng viện nên chờ đợi một tổng thống mới, riêng ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden tuyên bố hôm 18/9 rằng, vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao nên được xác định sau cuộc bầu cử.

Trong lịch sử, đa phần tổng thống Mỹ đương nhiệm đều dễ dàng lựa chọn vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao, ngoại trừ tiền lệ duy nhất xảy ra năm 2016 khi Thượng nghị sĩ Mitch McConnell từ chối xác nhận ứng viên Tòa án Tối cao do Tổng thống Barack Obama đề cử, tám tháng trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Trong năm đó, đảng Cộng hòa cũng chiếm đa số ghế tại Thượng viện.

Chuck Schumer, một thượng nghị sĩ Dân chủ từ New York và là lãnh đạo thiểu số của hội đồng, ngay lập tức dẫn lại những lời của Nghị sĩ McConnell từ năm 2016: “Người dân Mỹ nên có tiếng nói trong việc lựa chọn thẩm phán Tòa án Tối cao tiếp theo của họ. Vì vậy, vị trí trống này không nên được lấp đầy cho đến khi chúng ta có tổng thống mới”.

Cựu Tổng thống Obama cũng tuyên bố, chính đảng Cộng hòa đã “phát minh ra nguyên tắc rằng Thượng viện không thể lấp đầy một ghế trống trong Tòa án Tối cao trước khi vị tổng thống mới tuyên thệ nhậm chức”, do đó họ nên tôn trọng tiền lệ.

Tòa án Tối cao Mỹ hiện có năm thẩm phán thiên hữu và ba thẩm phán thiên tả. Nhưng việc đảm nhiệm vị trí trọn đời, nghĩa là đề cử tiếp theo có thể ảnh hưởng nặng nề đến sự cân bằng của tòa án trong nhiều thế hệ. Tòa án gần đây đã đưa ra phán quyết về các trường hợp phân biệt đối xử dựa trên giới tính, tôn giáo và vấn đề nhập cư. Cử tri đang mong đợi Tòa án Tối cao sẽ quyết định các vấn đề liên quan đến phá thai và giải đáp câu hỏi về môi trường trong những năm tới. 

Món quà cho Tổng thống Trump

Đối với cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, cuộc chiến giành người kế nhiệm bà Ginsburg tạo cơ hội để tiếp thêm năng lượng cho cơ sở tranh cử của họ.

Ông Trump từng sử dụng vị trí trống của Tòa án Tối cao năm 2016 để thu hút nhóm cử tri bảo thủ với lời hứa cải cách tòa án. Vào năm 2018, việc ông Trump đề cử ứng viên Brett Kavanaugh vào ghế chánh án Tòa án Tối cao trước cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ 2018 khiến các cử tri Dân chủ thất vọng, đặc biệt là nữ giới, do những cáo buộc tấn công tình dục mà ông Kavanaugh vướng phải.

Hiện tại, khi đương kim tổng thống có phần yếu thế trong các cuộc thăm dò và những người ủng hộ ông Biden gia tăng, cái chết của bà Ginsburg cho phép ông Trump sử dụng lại kịch bản cũ năm 2016.

Tuy nhiên, đảng Dân chủ cũng đã học được những bài học của năm 2016 và bày tỏ sự lo lắng khi ông Trump lựa chọn các thẩm phán bảo thủ với tỷ lệ kỷ lục trong thời gian cầm quyền. Một cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào tháng Tám cho thấy, cử tri đảng Dân chủ coi việc bổ nhiệm vị trí Tòa án Tối cao là một vấn đề quan trọng, nhiều hơn so với cử tri đảng Cộng hòa.

Ngược lại, cái chết của bà Ginsburg giúp khơi mào cho hoạt động gây quỹ của đảng Dân chủ. Ngay sau tin tức ngày 18/9, ActBlue - nền tảng gây quỹ của đảng Dân chủ - đã lập kỷ lục mới về số tiền huy động trong ngày. 

Mặc cho mọi sóng gió, ông Trump và lãnh đạo phe đa số Cộng hòa ở Thượng viện Mỹ McConnell vẫn sẽ có hai tháng sau cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống để thông qua một ứng cử viên, trước khi Thượng viện mới tuyên thệ nhậm chức vào ngày 3/1. Đồng thời, đảng Dân chủ cần thuyết phục bốn thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bỏ phiếu chống lại đảng của họ để ngăn chặn ứng cử viên do ông Trump đề cử.

Nhìn chung, đảng Dân chủ có thể hưởng lợi về mặt chính trị từ những nỗ lực chặn ứng cử viên của ông Trump, nhưng cuối cùng có thể thua trận sau khi cử tri đi bầu. Vì vậy, xét cho cùng, cái chết của bà Ginsburg dường như là một “món quà” cho Tổng thống Donald Trump. 

Linh La (theo Financial Times, Euro News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI