Gìn giữ văn hóa truyền thống từ đường sách

06/01/2021 - 07:20

PNO - Đường sách trở thành điểm hẹn cho các gia đình đúng như kỳ vọng của những người sáng lập. Nơi này đã diễn ra biết bao hoạt động ý nghĩa, những sự kiện ghi dấu ấn.

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt nhắc lại trò chơi “Năm, mười, mười lăm, hai mươi…” để nói về ý nghĩa chặng lên năm của đời người. “Trò chơi dân gian ấy muốn nói với ta điều gì? Đó là từ tuổi lên năm, một đứa trẻ đã có thể cứng cáp, được thỏa sức hòa vào những cuộc chơi, trải nghiệm, khám phá thế giới.

Vậy thì, Đường sách TP.HCM đã bước vào độ tuổi lên năm ấy; để rồi, từ dấu mốc này, chúng ta sẽ nhìn về tương lai như thế nào? Ngoài việc tiếp tục phát huy những giá trị đã tạo dựng trong những năm qua, luôn cần nhận thức phải tránh việc thương mại hóa. Đường sách phải luôn là một không gian văn hóa, không chỉ trong năm, mười năm mà còn nhìn về một chặng dài hơn nữa. Không gian này rồi sẽ trở thành di sản văn hóa của thành phố” - tiến sĩ Quách Thu Nguyệt tâm tình. 

Có một không gian trong lòng thành phố, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ  - Ảnh: Đường Sách TP.HCM
Có một không gian trong lòng thành phố, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ - Ảnh: Đường Sách TP.HCM

Báo cáo hoạt động 5 năm Đường sách TP.HCM là những con số khả quan: tổng doanh thu 181 tỷ đồng, thu hút 11,5 triệu lượt khách, số sách bán ra 3,5 triệu bản (trong đó 57.000 tựa sách mới), phạm vi lan tỏa khắp cả nước, mô hình đường sách được phát triển thêm ở nhiều tỉnh, thành… Đường sách trở thành điểm hẹn cho các gia đình đúng như kỳ vọng của những người sáng lập. Nơi này đã diễn ra biết bao hoạt động ý nghĩa, những sự kiện ghi dấu ấn.

Không chỉ góp phần tôn vinh, phát triển văn hóa đọc - điều mà truyền thông và cộng đồng đã nói suốt nhiều năm qua - Đường sách TP.HCM còn tạo dựng một không gian văn hóa truyền thống vô cùng ý nghĩa. Một trong những sự kiện văn hóa ấn tượng là Ngày Văn hóa Hòa bình (do Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM tổ chức năm 2019 và 2020), với các hoạt động giao lưu, biểu diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống: áo dài, hát then, đàn tranh, các trò chơi làm con rối, vẽ tranh, xếp lá dừa…

Trong nhiều sự kiện rải rác qua các năm, nghệ thuật truyền thống và trò chơi dân gian cũng đã được tái hiện tại không gian Đường sách TP.HCM. Ký ức thế hệ được khơi dòng bằng câu chuyện của cải lương, hát bội, rối nước, tranh Hàng Trống, những điệu hò/vè/hát/lý… Trẻ nhỏ đô thị được thử sức làm gốm, làm lồng đèn, nặn tò he, làm cào cào lá dừa… Còn người lớn được trở về với không gian tuổi thơ để lại ít nhiều dư vị.

Những giá trị cũ được tái hiện đã góp phần gìn giữ, bảo tồn, lan tỏa văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống - cũng chính là một phần hồn cốt, bản sắc dân tộc. Đường sách TP.HCM hiện đã có khu sách cũ, Chuyến xe tri thức, Sân chơi an toàn giao thông, sân khấu được mở rộng, chiếu nghỉ đọc sách, nhiều không gian cho trẻ cũng đang được hoàn thiện…

Bạn nhỏ đến đây có thể đọc sách, hoặc hòa mình vào những sân chơi tương tác, trò chơi dân gian. Cho trẻ rời xa những thiết bị công nghệ, tái nạp năng lượng xanh, tích cực cũng là một trong những tiêu chí, ý nghĩa của không gian này. Vẫn còn rất nhiều trò chơi dân gian bổ ích, trong những dịp lễ hội đặc biệt, Đường sách TP.HCM hoàn toàn có thể tái dựng. 

Chức năng của trò chơi dân gian ngoài giải trí, còn kích thích khả năng sáng tạo, rèn luyện thể lực/trí lực, phát huy tinh thần tập thể và nâng cao khả năng thẩm mỹ. Những trò chơi tạt lon, ô ăn quan, bắn bi, banh đũa, làm kèn lá… đang dần bị lãng quên trong nhịp sống mới của đô thị, của thời đại công nghệ. Nhìn bọn trẻ hào hứng, tò mò với những trò chơi được tái hiện, mới thấy với trẻ nhỏ đô thị, trò chơi bình dị cũng là những món quà. 

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI