Gieo yêu thương trên những mảnh đất bỏ hoang

06/08/2024 - 06:14

PNO - Những thửa ruộng bỏ hoang đã được chị em phụ nữ ở Nghệ An cải tạo và phủ xanh bởi lúa, đậu, rau. Họ cày cấy để có tiền giúp con đỡ đầu, hỗ trợ vốn cho những hội viên khó khăn, trao sinh kế và thăm hỏi nhiều hoàn cảnh…

Thương nhau trên mảnh đất cằn

Khi vụ đông xuân vừa cơ bản kết thúc thì Hội Phụ nữ xã Quỳnh Hưng (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) cũng huy động lực lượng ra thu hoạch 5 sào lúa để kịp thời gian cho làm vụ mới. Chị Nguyễn Thị Chuyên - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quỳnh Hưng - cho biết, phần lớn hội viên đều làm ruộng, nên phải ưu tiên cho công việc gia đình trước, rồi mới đến việc chung của hội.

Mảnh đất bỏ hoang cạnh UBND xã được Hội Phụ nữ xã Quỳnh Bảng phủ xanh bằng các loại rau
Mảnh đất bỏ hoang cạnh UBND xã được Hội Phụ nữ xã Quỳnh Bảng phủ xanh bằng các loại rau

Canh tác trên những thửa ruộng trũng lầy bị bỏ hoang, mọi khâu từ làm cỏ, cuốc đất, cấy, gặt đều phải làm bằng tay, song chị em chẳng ai phàn nàn, bởi họ đang làm để có tiền làm việc thiện.

Hơn 5 năm trước, thấy nhiều mảnh ruộng trũng lầy bỏ hoang, Hội Phụ nữ xã Quỳnh Hưng nảy ra ý tưởng “biến ruộng hoang thành yêu thương”, xin nhận trồng lúa tập thể để gây quỹ. Vì là vùng đất trũng lầy, không thể sử dụng máy móc, nên chị em mất rất nhiều công sức, nhưng cũng nhờ vậy mà họ chỉ mất tiền giống và phân bón. Năm nay lúa được mùa, được giá, 5 sào ruộng chị em thu hoạch lúa bán được hơn 13 triệu đồng, nên ai nấy đều phấn khởi.

Ngoài nhận ruộng bỏ hoang để canh tác, chị em phụ nữ xã Quỳnh Hưng còn tranh thủ ngày cuối tuần nhận nạo vét kênh mương nội đồng để có thêm nguồn quỹ. Số tiền này dùng để hỗ trợ cho 4 cháu mồ côi hội nhận đỡ đầu, mua gà, heo… tặng các hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Ý tưởng phủ xanh ruộng hoang gây quỹ cũng được chị em Chi hội Phụ nữ xóm 5, xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc tham gia hào hứng từ nhiều năm qua. Vào vụ thu hoạch, tiếng hát, tiếng cười nói lại rôm rả cánh đồng. Bà Nguyễn Thị Hà - 53 tuổi, trú xóm 5 - cho biết, vụ mùa năm nay chị em làm 8 sào khoai và lạc, dự kiến thu được 15 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí đầu tư. “Mỗi năm làm 2 vụ, nếu được mùa cũng được vài chục triệu. Số tiền này chúng tôi dành để thăm hỏi, hỗ trợ chị em đau ốm hoặc mua sinh kế” - bà Hà nói.

Đưa chúng tôi xem những củ lạc chắc nịch, bà Nguyễn Thị Lâm - 64 tuổi, trú xóm 5 - bảo: “Thời tiết đang nắng nóng nên chị em chúng tôi bảo nhau tranh thủ ra đồng lúc sáng sớm để thu hoạch cho kịp vụ mùa mới”. 3 năm trước, bà Lâm mắc bệnh hiểm nghèo, vào viện triền miên, nên kinh tế gia đình kiệt quệ. Bà được Hội Phụ nữ quan tâm thăm hỏi, động viên và trích quỹ hỗ trợ thuốc men. Đầu năm 2024, sức khỏe dần ổn định, bà xin vào hội để cùng chị em trồng lạc gây quỹ.

Cũng thế, tại xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu, phong trào phủ xanh ruộng hoang của Hội Phụ nữ cũng thu hút nhiều chị em. Vừa mới thu hoạch 12 sào lúa, thu được hơn 25 triệu đồng, chị Nguyễn Thị Hiệu - Chủ tịch Hội LHPN xã Quỳnh Giang - nói: “Tuy vất vả nhưng vui. Nhờ cùng nhau cấy gặt mà chị em có thời gian gần gũi trò chuyện, yêu thương, gắn kết nhau hơn. Nhiều người thấy hoạt động ý nghĩa nên xin tham gia rồi kết nạp vào hội luôn” - chị Hiệu nói.

“Ai ơi, đừng bỏ ruộng hoang”

Chị em phụ nữ xã Phúc Thọ tranh thủ thu hoạch lạc (đậu phụng) để chuẩn bị cho vụ mùa mới
Chị em phụ nữ xã Phúc Thọ tranh thủ thu hoạch lạc (đậu phụng) để chuẩn bị cho vụ mùa mới

Nhìn chung, những năm gần đây, phong trào “phủ xanh ruộng hoang” được các cấp hội ở Nghệ An nhân rộng nhằm khuyến khích người dân không bỏ hoang ruộng đất, tăng cường sự đoàn kết và tạo quỹ hoạt động hội. “Chúng tôi đang có 18 đứa con đỡ đầu nên ngoài hỗ trợ của các doanh nghiệp thì hội cũng muốn có một khoản thu nhập ổn định hằng năm để hỗ trợ, thăm hỏi các con” - chị Nguyễn Thị Hải - Chủ tịch Hội LHPN xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu - nói.

Trên tinh thần ấy, 4 năm trước, Hội LHPN xã Quỳnh Bảng đã mượn chính quyền 1.000m2 đất hoang rồi tổ chức cho chị em cải tạo thành vườn rau quanh năm xanh mướt, khiến ai cũng phải ngỡ ngàng. Mùa nào thứ ấy, cứ 3 tháng chị em lại thu hoạch 1 lần, mỗi vụ thu được hơn 10 triệu đồng. “Chúng tôi đầu tư hệ thống tưới nước tự động nên không phải mất công quá nhiều. Tranh thủ sau giờ làm việc, chị em ra mở nước tưới” - chị Hải nói.

Chị Nguyễn Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN xã Phúc Thọ - thông tin, từ một chi hội, nay mô hình nhận ruộng hoang gây quỹ hoạt động đã lan ra 7 chi hội với diện tích trên 2ha. Ngoài hỗ trợ hội viên những lúc khó khăn, hoạn nạn, nhiều chi hội còn sử dụng quỹ cho hội viên vay không lãi để phát triển kinh tế.

Bà Trần Thị Hà - Chủ tịch Hội LHPN huyện Quỳnh Lưu - cho biết, mô hình “biến ruộng hoang thành yêu thương” đang được nhân rộng và phát huy hiệu quả ở nhiều cấp hội. Phong trào không chỉ đúng với chủ trương phủ kín ruộng đồng, không để đất hoang mà còn tạo quỹ tổ chức các hoạt động ý nghĩa. Bên cạnh việc tạo quỹ thì hoạt động còn giúp các hội viên gần gũi, trò chuyện, gắn kết, từ đó hiểu và yêu thương nhau hơn” - bà Hà nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI