Vừa nhìn thấy mẹ, đứa bé lập tức khóc ré: “Mẹ bắt cóc, bắt cóc”. Người mẹ sững người như chết đứng bởi những gì mình lo lắng đã dần thành sự thật…
|
Ngoài việc cháu ngày càng ốm yếu khi ở với ông bà, nỗi lo của tôi đang dần thành sự thật: con tôi không còn chịu nhận mẹ. Họ đã làm gì với con tôi? - Chị Nguyễn Thị Thi |
Thoát khỏi cuộc hôn nhân “địa ngục”
Cậu bé Huỳnh Minh T. ra đời năm 2012 đã không thể giúp cho quan hệ của cha mẹ - chị Nguyễn Thị Thi và anh Huỳnh Long Hưng, tốt lên được sau một năm chung sống. Ngược lại, căn phòng trọ ở Q.Thủ Đức, TP.HCM càng trở nên bức bối hơn vì những trận cãi vã thường xuyên xảy ra.
Theo chị Thi, chị là người thẳng tính, muốn mọi cái phải rõ ràng, trong khi chồng lại nóng tính, nên bao nhiêu lần vợ chồng xung đột là bấy lần kết thúc bằng… bạo lực. Từ những lời chửi bới, cái bạt tai dành cho vợ, anh Hưng nâng dần thành những cú đạp, rồi chụp lấy bất kỳ thứ gì trong tầm tay để làm vũ khí hành hung.
Có lần, hai người đang đi ngoài đường thì gây cãi, anh Hưng dừng xe, nắm cổ áo vợ, lấy mũ bảo hiểm đánh tới tấp, khiến chị bất tỉnh phải nhập viện cấp cứu. Nhiều lần như vậy nên lần này, mặc cho chồng xin lỗi, thề thốt, ngày xuất viện chị vẫn quyết tâm: “Nếu còn đánh tôi một lần nữa thì vợ chồng chia tay”.
Thế nhưng, chị Thi nghẹn ngào: “Anh Hưng vẫn chứng nào tật ấy. Vài tháng sau, ngày 5/4/2015, vợ chồng đang chiến tranh lạnh, tôi đến nhà bạn thân chơi, ngủ lại. Lúc về, anh ta không nói tiếng nào, cứ thế chộp một khúc cây to quất túi bụi lên người tôi. Tôi khóc lóc van xin anh ta cũng không dừng lại. Hàng xóm sợ tôi bị đánh chết nên xông vào đưa tôi đi bệnh viện”.
Giọt nước tràn ly, chị ra công an trình báo, rồi “bỏ của chạy lấy người”, dọn đến nhà người bạn ở tạm. Tháng 11/2015, chị gửi đơn xin ly hôn đến TAND thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương - nơi xác định anh Hưng đang sinh sống.
Tòa còn đang thụ lý vụ việc thì anh Hưng bất ngờ ra tận nhà vợ ở Quảng Nam tìm con trai là bé T., vốn được ông bà ngoại nuôi dưỡng từ lúc 17 tháng tuổi. Mượn cớ đưa T. về thăm ông bà nội ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, anh Hưng đem con đi mất cho đến nay.
Biết con đang được gửi cho ông bà nội, từ TP.HCM, chị Thi đã nhiều lần về Quảng Ngãi tìm, nhưng lần nào cũng bị gia đình chồng xua đuổi, bảo mọi việc cứ gặp nhau ở tòa.
Nửa năm sau, tháng 5/2016, TAND thị xã Dĩ An đã xử cho ly hôn, chị Thi được quyền trực tiếp nuôi con. Anh Hưng không kháng cáo. Cầm bản án đã có hiệu lực, chị Thi nhanh chóng đến nhà chồng xin đón con, nhưng chỉ được nghe báo một câu gọn lỏn: thằng bé đã theo ba nó đi nơi khác ở.
Nhà chồng không chịu cho biết nơi anh Hưng “giấu” con, chị Thi đành tìm đến Chi cục Thi hành án dân sự (THA DS) thị xã Dĩ An, Bình Dương ủy thác THA. Chi cục THA DS thị xã Dĩ An tiếp tục ủy thác vụ việc cho Chi cục THA DS huyện Sơn Tịnh xử lý.
Chứng cứ chị Thi cung cấp cho thấy cháu T. vẫn đang được ông bà nội nuôi dưỡng. Chị trình bày: “Tôi tìm hiểu thì được biết con tôi đang học ở trường làng. Có lần tôi tìm đến trường, gặp được con nhưng chưa kịp nói câu nào thì mẹ anh Hưng xuất hiện, chửi bới tôi xong thì bồng cháu đi mất”.
Sẽ cưỡng chế thi hành án
Ngày 9/2/2017, ông Lê Mạnh Tân - Chi cục trưởng Chi cục THA DS huyện Sơn Tịnh đã tổ chức buổi làm việc giữa các bên gồm chị Thi, vợ chồng ông Huỳnh Tấn Hùng - bà Nguyễn Thị Nông, là cha mẹ của anh Hưng và đại diện chính quyền, các đoàn thể địa phương. Anh Hưng không có mặt.
Kết thúc buổi làm việc, biên bản thỏa thuận giữa chị Thi và ông Hùng - bà Nông thống nhất để nhà nội nuôi dưỡng cháu T. một thời gian; chị Thi được quyền gặp con, dẫn con đi chơi đâu đó một vài tuần.
Ông Tân giải thích: “Điều 6, Luật THA DS 2014 quy định, các đương sự có quyền thỏa thuận, tự nguyện chọn một hướng giải quyết THA sao cho không trái với đạo đức xã hội, không bị pháp luật cấm và không ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.
Nếu các đương sự không thực hiện theo thỏa thuận hoặc thỏa thuận không thành thì cơ quan THA sẽ thực hiện theo bản án. Do chị Thi đồng ý thỏa thuận nên việc THA sẽ tiến hành theo biên bản thỏa thuận. Nếu chị Thi vẫn bị cản trở, không được gặp và đưa con đi chơi thì phải thông báo đến cơ quan THA, chúng tôi sẽ thực hiện bản án, buộc ông bà nội cháu T. phải giao con cho chị”.
Chị Thi cho biết, thỏa thuận là vậy nhưng mới đây, chị về Quảng Ngãi thăm con; vừa gọi tên rồi nhào đến ôm con thì bất ngờ thằng bé co rúm sợ hãi, òa khóc nức nở: “Mẹ bắt cóc, bắt cóc”.
Ông Hùng - bà Nông đã lao ra giằng lại cháu, rồi xua đuổi chị Thi. “Lúc đó, tôi như chết đứng giữa trời. Ngoài việc cháu ngày càng ốm yếu khi ở với ông bà, nỗi lo của tôi đang dần thành sự thật: con tôi không còn chịu nhận mẹ. Họ đã làm gì với con tôi?” - chị Thi cay đắng.
Trong khi đó, ông Hùng - bà Nông lại cho là: “Con dâu cũ của tôi rất mất dạy, không lần nào gặp chúng tôi mà chịu nói chuyện đàng hoàng, chỉ lớn tiếng đập bàn đập ghế, coi thường mọi người”.
Ông Hùng còn nói: “Bao năm nay cháu T. sống với chúng tôi đã quen, được nuôi dạy rất tốt. Đó là chưa kể chị Thi và gia đình chị ấy không có điều kiện nuôi dưỡng cháu. Chị Thi làm việc ở TP.HCM, phải thuê trọ. Cha mẹ chị ấy ở Quảng Nam thì cuộc sống rất khó khăn”.
Không nói rõ anh Hưng hiện làm gì, sống ở đâu nhưng ông Hùng khẳng định: “Sắp tới con trai tôi sẽ gửi đơn xin thay đổi quyền trực tiếp nuôi con”.
Trả lời báo Phụ Nữ về diễn tiến THA khi thỏa thuận không được thực hiện, ông Tân khẳng định: “Chúng tôi đã có cơ sở cho thấy ông Hùng - bà Nông đã không hợp tác trong thực hiện thỏa thuận. Vì vậy, cơ quan THA sẽ tiến hành thực hiện theo quyết định của bản án”.
Về trình tự, ông Tân cho biết, đang chỉ đạo cấp dưới gửi thông báo đến ông Hùng - bà Nông, nếu họ không giao con cho chị Thi thì cơ quan THA sẽ ra quyết định xử phạt hành chính; họ tiếp tục chống đối thì phải tiến hành biện pháp cưỡng chế…
Cuộc chiến giành con, dẫu nhân danh bất kỳ điều gì cũng đều khiến đứa trẻ tổn thương. Từ một cậu bé rất quấn mẹ, nay bé T. đầy sợ hãi mỗi khi mẹ xuất hiện. Không cần biết sau này T. sẽ sống với ai, nhưng gieo vào lòng trẻ thơ nỗi ám ảnh mẹ là “kẻ bắt cóc” thì đã là một sự bất nhẫn, khó được chấp nhận, xuất phát từ chính sự ích kỷ của bậc sinh thành.
Tuyết Dân
Trong vụ việc này, nếu có đủ chứng cứ chứng minh hiện chị Thi không đủ điều kiện nuôi con, cũng như khẳng định đứa trẻ sẽ được chăm sóc tốt hơn khi sống với mình, anh Hưng có quyền gửi đơn yêu cầu tòa thay đổi quyền trực tiếp nuôi con.
Tuy nhiên, trước mắt, việc hợp tác với Chi cục THA DS huyện Sơn Tịnh để chấp hành bản án là rất cần thiết, không chỉ với riêng anh Hưng mà cả ông Hùng - bà Nông (người đang trực tiếp nuôi cháu T.).
Theo đó, sau khi có thông báo từ cơ quan THA, ông Hùng - bà Nông phải lập tức giao con cho chị Thi. Trường hợp sau khi xử phạt hành chính lẫn áp dụng biện pháp cưỡng chế THA mà đối tượng vẫn cố tình chống đối, sẽ bị khép vào tội “không chấp hành bản án”.
Điều 304 Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Trong trường hợp có chống đối bằng cách đem đứa trẻ đi giấu, đi nơi khác sinh sống, hoặc rời khỏi địa phương sau quyết định cưỡng chế thì tùy tình tiết, hành vi, người trong cuộc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em…
Luật sư Đặng Đức Trí
(Giám đốc Hãng Luật Roma)