Gieo trồng hạnh phúc

20/08/2014 - 09:34

PNO - PNO - Gieo trồng hạnh phúc (nguyên tác Happiness) là tác phẩm của thiền sư Thích Nhất Hạnh. NXB Lao Động vừa ấn hành qua bản dịch của Chân Hội Nghiêm và Chân Duyệt Nghiêm.

edf40wrjww2tblPage:Content

Gieo trong hanh phuc


Mở đầu tập sách, tác giả viết: “Hãy tưởng tượng ta đang ngắm mặt trời mọc với một số người. Trong khi những người khác đang thưởng thức khung cảnh đẹp đẽ ấy thì ta lại “bận rộn” với những thứ trong đầu mình. Ta bận rộn và lo lắng cho những kế hoạch của ta. Ta nghĩ về quá khứ hoặc tương lai mà không thực sự có mặt để trân quý cơ hội đó. Thay vì thưởng thức cảnh đẹp của buổi bình minh, ta lại để cho những khoảnh khắc quý giá ấy trôi qua oan uổng”. Do đó, hãy tận hưởng niềm vui trong cuộc sống là cả một nghệ thuật. Chẳng hạn, ai sống trên đời mà không thở? Tuy nhiên, thở và biết cách thở là hai chuyện khác nhau. Tác giả hướng dẫn: “Trong khi thở vào và thở ra, ta cảm nhận luồng không khí đang đi vào và đi ra qua mũi của ta. Ban đầu có thể hơi thở của ta không được thư thái lắm. Nhưng sau khi thực tập một thời gian, hơi thở của ta sẽ trở nên nhẹ nhàng, thư thái, tự nhiên, êm dịu và bình an hơn. Bất kể lúc nào khi đi, khi làm vườn, đánh máy hoặc làm bất cứ việc gì, chúng ta đều có thể trở về tiếp xúc với nguồn sống an lạc này. Ta có thể nói:

‘Thở vào, tôi biết là tôi đang thở vào

Thở ra, tôi biết là tôi đang thở ra”

Sau một vài hơi thở, chúng ta có thể rút ngắn câu này lại, bằng: ‘Vào, Ra.’ Nếu theo dõi hơi thở một cách xuyên suốt, liên tục thì tâm ta sẽ không còn suy nghĩ nữa. Lúc bấy giờ, tâm ta có cơ hội được nghỉ ngơi. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta suy nghĩ quá nhiều. Vì vậy cho tâm cơ hội nghỉ ngơi bằng cách dừng lại những suy nghĩ là một điều rất mầu nhiệm”.

Hầu hết mọi động thái trong một ngày, tác giả cũng đều có những lời khuyên sâu sắc qua các bài như Thiền điện thoại, Ăn cơm chánh niệm, Thực tập trong nhà bếp, Thiền trà, Nghỉ ngơi và dừng lại, Chăm sóc cơn giận và những cảm xúc mạnh v.v… Trong nhịp sống bận rộn, “Ngày nay, ai ai cũng sử dụng điện thoại và chắc chắn từng có cảm giác: “Khi chuông điện thoại reo, tiếng chuông tạo ra trong ta một xung động, có thể đó là sự lo lắng, như: ‘Ai gọi vậy? Tin tốt hay tin xấu đây?’. Rồi có một sức mạnh kéo chúng ta đi tới điện thoại. Chúng ta không thể kháng cự được. Và chúng ta có thể trở thành nạn nhân của chính cái điện thoại chúng ta”.

Do đó, tác giả khuyên: “Khi nhấc điện thoại lên, chúng ta mỉm cười, mỉm cười không chỉ cho riêng ta mà còn cho cả người kia nữa. Nếu chúng ta cáu kỉnh hoặc nổi giận, thì người kia sẽ nhận được nguồn năng lượng tiêu cực đó. Nhưng nếu chúng ta mỉm cười thì người kia sẽ may mắn nhận được nguồn năng lượng tươi mát của ta. Trước khi gọi điện cho ai, hãy thở vào, thở ra hai lần và đọc thầm bài thi kệ:

Tiếng đi ngoài ngàn dặm

Xây dựng niềm tin yêu

Mỗi lời là châu ngọc

Mỗi lời là gấm thêu.

Rồi nhấc điện thoại lên và bấm số. Khi chuông điện thoại reo, có thể người bạn của ta cũng đang thở, mỉm cười và sẽ không nhấc điện thoại lên ngay cho đến tiếng chuông thứ ba. Hãy tiếp tục thực tập: ‘Thở vào, tôi an tịnh toàn thân. Thở ra, tôi mỉm cười.’ Cả hai, mình và người bạn bên kia đầu dây đều đang thở và mỉm cười. Thật đẹp! Mình không cần phải đi vào thiền đường mới thực tập điều mầu nhiệm này. Nó có sẵn trong nhà hay trong văn phòng của ta. Thực tập thiền điện thoại có thể giúp ta trung hòa những căng thẳng hay trầm cảm trong ta và ta có thể mang Bụt vào đời sống hàng ngày của mình”.

Có thể nói, tập sách Gieo trồng hạnh phúc rất thú vị. Đúng như TS Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét: “Thầy đã rất khéo chuyển hóa các bộ kinh, những bài giảng của Đức Phật. Thầy đã đưa ra cách thực tập rất đơn giản”. Với cách thể hiện văn phong trong sáng, thiền sư Thích Nhất Hạnh  đã trình bày được nhiều vấn đề liên quan đến Phật pháp một cách dễ hiểu giúp người đọc dễ dàng tiếp thu.

H.N
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI