Gieo tình yêu gặt hạnh phúc

28/10/2021 - 05:45

PNO - Cuộc đời vì thế. Luật nhân quả vẫn tồn tại như lẽ đương nhiên. Khi mình gieo hạt bí sẽ thu về trái bí. Những việc mình làm, tình yêu mình trao và gìn giữ cho chồng cho con sẽ lưu xuất thành sự ấm áp trong lúc về già.

Năm 1954, vú tôi (cách chị em tôi gọi mẹ) mới 16 tuổi đã theo ba tôi xuống tận Bạc Liêu. Bà là cô gái Sài Gòn nên ai cũng lấy làm lạ vì ba tôi gốc người Hoa, lại chẳng nhiều tiền.

Người cha giàu tình thương

Ba hay kể, hồi đó, sau khi sinh tôi không lâu, mẹ tôi trong một lần ra bến sông lấy nước bị trượt chân. Vì còn non bụng non dạ nên bà trở bệnh nặng. Thời buổi khó khăn chỉ biết uống thuốc nam, thuốc bắc, rồi cả cúng bái nên không khỏi.

Một ngày, ba tôi gặp một thầy thuốc trên chuyến đò ngang, mời vị ấy về bắt mạch, bốc thuốc chín thang. Mẹ tôi uống một thang đầu đã đỡ, đúng như lời ông thầy, hễ chịu thang đầu mới khỏi, không là “đi”. Đúng là “sống chết có số”, như ông bà xưa hay nói, chưa chết thì sẽ gặp “quý nhơn” cứu giúp.

Sau lần thập tử nhất sinh của vú, ba tôi đùm túm gia đình về Thủ Đức, Sài Gòn. Các em tôi lần lượt ra đời, tôi trở thành người phụ vú lo cho em, chăm sóc gia đình. Ba tôi kiếm sống bằng nghề làm bánh mì, làm thuê mướn, trồng cải bán… 

ẢNh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

 

Sau một thời gian, gia đình tôi dọn về ngã tư Bảy Hiền. Tuổi thơ tôi lặn lội bắt cá, mò ốc… Ba với vú tôi sinh 15 đứa con nhưng đến giờ chỉ còn 9. Nhiều lần tôi chứng kiến cảnh sinh ly tử biệt của em mình, thương xót lắm, nhưng thời khó khăn không thể làm gì khác được. 

Sau ngày đất nước thống nhất, gia đình tôi đi kinh tế mới ở Đồng Nai. Thời đó, tôi với ba là lao động chính trong nhà. Lên Định Quán (Đồng Nai), Nhà nước cấp đất cho mỗi hộ, xã tôi gồm những hộ từ thành phố đến, do vậy việc làm nông ai cũng lọng cọng.

Gia đình tôi từng di cư nhiều nơi, từng có thời gian làm đồng, làm ruộng nên không thấy khó khăn. Ba tôi có nhiều kinh nghiệm nên những vụ cải của ba luôn đặc biệt, bán được giá cao hơn.

“Tưởng ảnh đi hỏi con Ngọc”

Thời gian ở Định Quán, tôi nghĩ “anh Lôi” (tên đầy đủ là Nguyễn Phong Lôi) để ý em kế tôi, là bé Ngọc. Vì em ấy xinh hơn tôi, trong xã nhiều người muốn cưới, tìm đến vú tôi dạm hỏi xa gần.

Anh Lôi cao ráo, đẹp trai, xứng đôi vừa lứa với Ngọc, nhưng cuối cùng, anh ấy lại chọn tôi. Sau này thành vợ chồng rồi mới hay, anh để ý tính cách tôi, sự cần mẫn chăm lo cho gia đình, phụ ba với vú chứ không quan trọng ngoại hình.

Khi chưa được bên gia đình anh qua hỏi cưới, tôi đã nghĩ mình sẽ ở vậy để phụ ba và vú lo cho đàn em nheo nhóc. Nhưng cuộc đời đúng là chữ duyên, anh Lôi quen biết, hay uống trà với ba tôi và để ý tôi. Anh biết chữ nghĩa nhiều, nên được giao làm tổ trưởng ở địa phương. Tính anh hiền hậu, hay giúp người.

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

 

Đám cưới chỉ là một bữa trà nước, bên đàng trai cử vài người tới nói chuyện với đàng gái là ba má tôi. Đầu năm 1978 cưới thì cuối năm tôi có con gái đầu lòng. Khi con mới 5 tháng tuổi, chồng tôi ngã bệnh.

Theo lời bác sĩ thì trong phổi chồng tôi còn hai đầu viên đạn từ thời chiến tranh đạn lạc. Tới thời điểm đó, mỗi lần nổi cơn đau thắt ngực, có khi chồng tôi bị ói ra máu, người gầy ốm dần. Dù vậy, anh vẫn gắng gượng để làm lụng tại vùng kinh tế mới. 

Sau đó chúng tôi có cậu con trai thứ hai, sinh năm 1981. Vì sức khỏe, chồng tôi quyết định về lại TP.HCM. Lúc đó, chị Hai Sương, chị của chồng tôi, vẫn còn giữ ngôi nhà của cha mẹ ở đường Phan Văn Trị (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Về đây không lâu, tôi biết mình mang bầu thêm đứa nữa.

Quá túng bấn, tôi định bỏ cái thai, nhưng rồi quyết định giữ lại đứa con. Cậu Út sinh năm 1982, đến nay là người ở cùng, chăm sóc tôi.

Một mình nuôi con

Vài năm sau, bệnh tình chồng tôi trở nặng, nhập viện mổ lấy được một viên đạn, vẫn còn một viên trong đó. Cùng lúc đó, anh còn mắc các bệnh khác, đều nguy hiểm nên không thể vượt qua.

Đầu năm 1985, chồng tôi bỏ mẹ con tôi ra đi. Vì tình yêu với anh, vì trách nhiệm làm mẹ, tôi gánh gồng chịu khó, chịu khổ một mình nuôi con. 

Từ bán vé số đến bán đồ laghim, cùng bao công việc khác, tôi đều làm, miễn sao kiếm tiền chân chính. Đến khi khá hơn, tôi lại phụ ba và vú lo cho các em những bữa ăn ngon, ăn no. Các con tôi đã dần trưởng thành, đứa nào cũng nỗ lực học hành, cùng mẹ vượt khó.

Ở tuổi gần 70, bà Trần Ngọc Ánh (giữa) tận hưởng những phút vui cùng con cháu sau những mất mát, hy sinh
Ở tuổi gần 70, bà Trần Ngọc Ánh (giữa) tận hưởng những phút vui cùng con cháu sau những mất mát, hy sinh

 

Đến giờ, tôi mãn nguyện khi các con đều có việc làm ổn định, có mái ấm riêng. Nhiều người đồng trang lứa nay gặp tôi hay tấm tắc khen: “Bà sướng rồi, tuổi già con cái hiếu thảo vậy là hạnh phúc lắm”. Họ càng thương tôi khổ cực hồi trẻ bao nhiêu thì càng mừng cho tôi ở hiện tại bấy nhiêu.

Tôi thấm thía ý nghĩa của từ hy sinh. Nhiều người nhìn nhận rằng, do tôi hồi trẻ chấp nhận ở vậy nuôi con, không đi bước nữa nên các con có niềm tự hào về mẹ, cố gắng học hành và thành đạt.

Cuộc đời vì thế, luật nhân quả vẫn tồn tại như lẽ đương nhiên. Khi mình gieo hạt bí sẽ thu về trái bí. Những việc mình làm, tình yêu mình trao và gìn giữ cho chồng cho con sẽ lưu xuất thành sự ấm áp trong lúc về già. 

Tình yêu thương bao giờ cũng mang về hoa trái tốt tươi hơn… 

Lưu Đình Long 
(ghi theo lời kể của bà Trần Ngọc Ánh) 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI