Gieo tiếng đàn bầu vào âm nhạc hiện đại

02/03/2022 - 14:20

PNO - Tiến sĩ Lê Hoài Phương mất hơn ba năm chỉ để thực hiện bảy tác phẩm về đàn bầu. Lấy chất liệu dân gian, truyền thống, nhưng tất cả đều mang hơi thở hiện đại, với hy vọng có thể bước vào tâm trí của người trẻ.

 Đó là cuộc hành trình đi dọc đất nước của tiếng đàn bầu, từ Tây Bắc với Bèo dạt mây trôi, Mưa rơi, ghé thăm miền đất quan họ Bắc Ninh với Ngồi tựa mạn thuyền, Ra ngõ mà trông, Ngồi tựa song đào. Những thanh âm ấy tiếp tục đưa khán giả đến với miền Trung qua Lý tình tang mang âm hưởng Huế, rồi xuôi về phương Nam với Lý kéo chài.

Những tác phẩm này không còn xa lạ với công chúng, nhưng qua sự sáng tạo của tiến sĩ Lê Hoài Phương, chúng được khoác chiếc áo mới. Tiếng đàn bầu - thanh âm gắn liền với con đường âm nhạc của anh - vẫn giữ vai trò chủ đạo, nhưng trở nên đầy màu sắc, cuốn hút khi đi kèm âm nhạc giao hưởng, nhạc điện tử…

Tiến sĩ Lê Hoài Phương diễn tấu đàn bầu cùng “Silkroad Orchestra” tại Expo văn hóa thế giới ở KyungJu - Hàn Quốc (tháng 10/2017)
Tiến sĩ Lê Hoài Phương diễn tấu đàn bầu cùng “Silkroad Orchestra” tại Expo văn hóa thế giới ở KyungJu - Hàn Quốc (tháng 10/2017)

Chẳng hạn, với Lý kéo chài, anh khéo léo phối cùng nhạc điện tử, rock, thể hiện sự phóng khoáng, hồn hậu của người dân phương Nam. Giữa cuộc sống sôi động, anh nghĩ âm nhạc truyền thống không nên đứng yên, mà phải biến đổi để thích nghi. Điều này không hề dễ dàng, nhưng phải bắt tay làm thì mới tạo ra những sự thay đổi, trước hết là trong tư duy người làm nghề, rồi mới đến khán giả, và xa hơn là tương lai của âm nhạc dân tộc.

Phóng viên: Mất hơn ba năm cho một album gồm bảy sản phẩm, điều đó ắt hẳn nói lên sự khó tính, kỹ lưỡng của anh trong công việc khó nhằn này?

Tiến sĩ Lê Hoài Phương: Tôi dành nhiều tâm huyết cho sản phẩm này, với mong muốn thể hiện được nét đẹp của âm nhạc truyền thống, nhưng mang tính thời đại, trẻ trung để tiếp cận khán giả, đặc biệt là giới trẻ. Những bài được chọn vẫn giữ nguyên tinh thần chung, nhưng thay đổi cách phối khí.

Là dân ca, nhưng khán giả sẽ cảm nhận được kỹ thuật âm nhạc mang tính học thuật, được chắt lọc hết sức thú vị. Từ đây, tôi có thể giới thiệu đến bạn bè quốc tế. 

Tôi ấp ủ dự án này từ khi theo học tiến sĩ tại Hàn Quốc, nhưng đến nay mới có thể hoàn thành. Tôi mất nhiều thời gian vì không tìm được nhà sản xuất âm nhạc phù hợp. Tính tôi kỹ lưỡng, cầu toàn, làm từng bài, xét từng chi tiết. Cái khó là làm sao giúp khán giả cảm nhận được hơi thở hiện đại thông qua các chất liệu kết hợp, mà tiếng đàn bầu, âm hưởng truyền thống vẫn không bị lấn át. Sự cân đong đo đếm này cũng tốn khá nhiều thời gian.

* Đàn bầu và những chất liệu dùng để kết hợp như hai thế giới khác biệt. Anh dung hòa chúng như thế nào?

- Nghĩ đến đàn bầu, chúng ta dễ hình dung đến những âm thanh man mác rơi vào hư không với những nỗi buồn vô định. Tuy nhiên, tôi muốn công chúng nhìn thấy được sự biến hóa đa dạng hơn của nhạc cụ này. Tôi xác định âm nhạc đang được người trẻ đón nhận luôn có tiết tấu, giai điệu cuốn hút. Vì thế, sự thay đổi đầu tiên sẽ là tiết tấu.

Thay cho nhịp 2/4, 4/4 quen thuộc, tôi đổi thành 6/8, không làm mất đi tinh thần chung, nhưng khán giả sẽ thấy lạ tai hơn rất nhiều. Điều thứ hai là việc sử dụng âm thanh bổ trợ giúp tiếng đàn bầu không bị buồn bã. Tôi cũng thử hết những kỹ thuật của đàn bầu, từ đó chắt lọc những gì phù hợp, cuốn hút nhất để đưa vào từng tác phẩm.

* Để các sản phẩm này có cơ hội tiếp cận quốc tế, anh đã làm gì?

- Đây là thời đại của sự kết nối, hợp tác. Khi thực hiện được thao tác này, chúng ta đã có thêm cơ hội để sản phẩm đi xa hơn. Chẳng hạn, trong Lý kéo chài, ngoài đàn bầu, sáo, tranh, đàn nhị, tôi còn phối hợp tiếng đàn tam thập lục của nữ nghệ sĩ Hàn Quốc Eunhwa Yun. Đây là nghệ sĩ nổi tiếng quảng bá tiếng đàn dân tộc thông qua con đường nhạc rock, rất thú vị vì tư duy mới mẻ.

Tôi kết hợp cùng nhạc sĩ người Đức Peter Schinler trong hai bài dân ca quan họ Bắc Ninh. Còn bài Mưa rơi, tôi kết hợp với các nghệ sĩ người Mông Cổ cùng hòa chung giai điệu.

* Trong thời đại công nghệ số, không khó để âm nhạc truyền thống có cơ hội tiếp cận người trẻ. Nhưng để bước vào đời sống của họ, e rằng không phải chuyện dễ…

-Không riêng tôi mà nhiều anh chị hoạt động trong lĩnh vực này cũng trăn trở nhiều năm qua. Tôi nghĩ dẫu thực tại có ra sao, thì vẫn phải hành động. Trước nhất, người làm nghề có cơ hội thay đổi cách tiếp cận với công chúng, vận dụng tốt hơn những nền tảng, công cụ mà chúng ta đang có. 

Sẽ khó để buộc công chúng nghe, thích nếu sản phẩm đó không tìm được sự đồng điệu với họ. Vì thế, tôi nghĩ điều quan trọng đầu tiên là sự đổi mới từ bên trong người làm nghề. Khi có sản phẩm cụ thể, mới đo lường được công chúng để từ đó điều chỉnh cho phù hợp. Đến khi thích, họ sẽ chủ động tìm hiểu. Cũng như trong tình yêu, khi thấy được sự hấp dẫn của người đối diện, ta mới chủ động tìm hiểu để biết thêm về họ. Tôi tin cứ làm, rồi những điều tốt đẹp sẽ đến. Bao nhiêu khán giả tìm nghe là bấy nhiêu cơ hội để âm nhạc dân tộc có cơ hội được giữ gìn. 

* Từng du học, biểu diễn tại hàng chục quốc gia trên thế giới, hẳn anh cũng thấy được những điều hay trong cách họ ứng xử với nghệ thuật, âm nhạc truyền thống…

- Tại Hàn Quốc, tôi thấy bên cạnh việc đầu tư phát triển kinh tế, xã hội hiện đại, họ luôn dành một nguồn kinh phí lớn cho văn hóa truyền thống. Tại đây có một cơ chế khá thú vị: Họ sẽ tạo cơ hội cho nghệ sĩ đi biểu diễn, quảng bá khắp thế giới, tài trợ mọi kinh phí ăn ở, đi lại… Hằng năm, họ tổ chức tuyển chọn hồ sơ từ nghệ sĩ, nhóm, ban nhạc. Cá nhân, đơn vị nào có sản phẩm mới, chất lượng, sáng tạo… mới được chọn đi biểu diễn. 

Cơ chế này tạo ra sự cạnh tranh thú vị, từ đó thúc đẩy nghệ sĩ luôn phải tìm tòi cái mới để phát triển nghệ thuật truyền thống. Nhà nước sẽ có nguồn kinh phí cho việc này, nhưng cũng có sự chung tay của các công ty, tập đoàn lớn. Họ luôn có một nguồn kinh phí dành cho việc phát triển văn hóa.

Hình 1: Ts Lê Hoài Phương trong buổi ghi hình chương trình Âm sắc Việt
Ts Lê Hoài Phương trong buổi ghi hình chương trình Âm sắc Việt

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý văn hóa Hàn Quốc luôn có chiến lược cụ thể từng năm để đẩy mạnh mảng nào phát triển ra khu vực, thế giới. Kế hoạch này kéo dài năm đến mười năm. Những cuộc thi dành cho nghệ thuật truyền thống cũng có giải thưởng rất lớn. Tại Việt Nam, tôi nghĩ chúng ta cần xem trọng và làm tốt hơn việc này để đảm bảo văn hóa, nghệ thuật truyền thống có cơ hội phát triển tốt hơn.

" Yếu tố con người luôn được xem là bài toán nan giải trong những năm qua với nghệ thuật truyền thống…
- Tôi nghĩ khi kinh tế phát triển toàn diện, thì văn hóa truyền thống - cội rễ của một dân tộc, một quốc gia chắc chắn sẽ không bao giờ bị xem nhẹ. Càng trưởng thành, con người lại càng có sự nhìn nhận rõ ràng hơn về việc này. Khi có lòng tự hào về quốc gia, dân tộc, mỗi người sẽ tự khắc có những việc làm phù hợp. Điều này xuất phát từ ý thức rất nhiều.
Có một giai đoạn, việc tuyển sinh cho các lĩnh vực âm nhạc truyền thống sụt giảm, nhưng gần đây tình hình đã bắt đầu khả quan hơn. Riêng ngành đàn bầu số lượng tăng đáng kể. Tôi hay nói với sinh viên rằng, chúng ta có thể tạo nên sự thay đổi bằng chính nội lực bên trong mình, dẫu hoàn cảnh hiện tại có phần không thuận lợi.

Thực tế, nghệ thuật đương đại có quá nhiều món ăn, vì thế công chúng cũng bị chia nhỏ ra. Đấy là bài toán người làm âm nhạc dân tộc cần tìm lời giải. Trước nay, chúng ta luôn hoạt động trong tâm thế giữ gìn, học xong chỉ thụ động đợi mời đi biểu diễn. Tuy nhiên, đây là lúc cần thay đổi tư duy rằng âm nhạc dân tộc, truyền thống phải cạnh tranh để lấy công chúng cho mình, phải làm nghề với tâm thế chủ động.

Ở trường lớp, các bạn được dạy những điều căn bản nhất, mang tính hàn lâm, nhưng khi bước ra thị trường phải phát triển được chúng, thích nghi với thời đại. Hiện tại, không khó để các bạn trẻ thành lập các ban, nhóm để chơi nhạc, lại có mạng xã hội để có thể tiếp cận rộng rãi với công chúng. Bằng sức trẻ, tôi tin họ có thể tiến xa, nếu biết tận dụng hết những điều kiện thuận lợi đang có. Tương lai tốt đẹp nào cũng xuất phát từ những sự thay đổi rất nhỏ ở hiện tại.

* Xin cảm ơn anh!

Thành Lâm (thực hiện)
 

Tiến  sĩ - nghệ sĩ đàn bầu Lê Hoài Phương bắt đầu học đàn bầu từ năm chín tuổi tại Học viện Âm nhạc Huế và từng tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Anh du học Hàn Quốc từ 2007 - 2015, với học bổng toàn phần thạc sĩ, tiến sĩ của Chính phủ Hàn Quốc. Anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 2015. Hiện, tiến sĩ Lê Hoài Phương đang là giảng viên tại Nhạc viện TP.HCM.

Anh từng đạt nhiều giải thưởng: giải nhất cuộc thi độc tấu đàn bầu toàn quốc (2003, 2020), giải thưởng Arirang cùng với nhóm nhạc Anaya trong cuộc thi âm nhạc Hàn Quốc thế kỷ XXI (2008), giải vàng trong cuộc thi Bravo ASEAN in Korea do đài Arirang TV tổ chức (2012)… Anh là gương mặt nghệ sĩ quen thuộc trong nhiều sự kiện biểu diễn mang tính quảng bá văn hóa quốc gia; phục vụ các sự kiện văn hóa chính trị lớn của Việt Nam với các quốc gia khác.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI