Gieo mầm quan họ ở phương Nam

23/04/2023 - 18:54

PNO - Để quan họ phát triển tại phương Nam là điều không dễ dàng. Thế nhưng người đi trước vẫn kiên trì thực hiện. Thế hệ trẻ đang tiếp bước để giữ gìn bản sắc của quê hương.

Một phần tư thế kỷ nhớ thương

Câu lạc bộ (CLB) Quan họ Mười Nhớ do nghệ sĩ Quý Thăng (quê gốc ở Thuận Thành, Bắc Ninh) thành lập cách đây 25 năm ở TPHCM. Đây là CLB quan họ đầu tiên ở miền Nam. Buổi đầu thành lập, ông không chỉ dạy nghề mà gia đình ông nuôi ăn, ở miễn phí cho những người theo học quan họ, hỗ trợ quần áo, phụ kiện.

Với tiêu chí giữ gìn quan họ truyền thống, ông lặn lội về quê hương tìm áo the, khăn mỏ quạ, học cách têm trầu, vấn khăn và tìm hiểu làn điệu quan họ cổ. Tuy chỉ là CLB, Mười Nhớ lại được biểu diễn ở rất nhiều sự kiện lớn: Hoa hậu Trái đất 2010 (tổ chức tại Nha Trang, Khánh Hòa), festival biển Nha Trang nhiều năm, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột… Các nghệ nhân đã đi qua hàng chục tỉnh, thành trên cả nước, ra nước ngoài để biểu diễn. Nhiều người trưởng thành từ Mười Nhớ, tiếp tục thành lập các CLB quan họ khác ở TPHCM, miền Nam.

Các thành viên trong Câu lạc bộ Quan họ Mười Nhớ - ẢNH: MƯỜI NHỚ
Các thành viên trong Câu lạc bộ Quan họ Mười Nhớ - Ảnh: Mười Nhớ

Nghệ sĩ Thu Hà - chủ nhiệm CLB - cho biết để đi được chặng đường này không hề dễ dàng. Thời gian trước, nhiều người chưa hiểu, chưa biết về quan họ nên có những sự kiện khán giả rất thờ ơ. Chạnh lòng nhưng bà luôn động viên các thành viên: “Khi chưa hiểu thì họ sẽ chưa thương được. Việc mình cần làm là để người ta hiểu, rồi mới thương được. Điều chúng tôi mong muốn là quan họ sẽ luôn được gìn giữ”.

Các nghệ nhân kiên trì xuất hiện ở các sự kiện, buổi biểu diễn phù hợp. Tiêu chí hàng đầu họ đặt ra là hát đúng các làn điệu cổ, văn minh. Bên cạnh đó, cũng có những sáng tác mới dựa trên các làn điệu cổ để nội dung gần gũi với thời đại hơn. Ngoài phần nghe bắt tai thì phần nhìn phải luôn chỉn chu, bởi các nghệ nhân xác định hình thức phải đẹp thì mới lôi kéo được sự chú ý của công chúng. Trong nhiều năm, các nghệ nhân cũng cố gắng tìm cơ hội biểu diễn, có thu nhập để duy trì hoạt động.

Tiếp nối

Khó khăn lớn nhất để tiếp tục phát triển quan họ là vấn đề nhân sự. Số lượng thành viên của CLB biến động liên tục trong 25 năm qua, có lúc đến 50 người, nhưng có khi chỉ 17-18 người. Hiện số lượng thành viên chính thức của Mười Nhớ là 28 người. Cũng như các loại hình nghệ thuật khác, lớp trẻ là yếu tố quan trọng hàng đầu để tiếp tục giữ gìn, phát triển quan họ. 

Việc tìm kiếm nhân tố trẻ không hề dễ, đặc biệt tại vùng đất mà quan họ đôi khi vẫn còn xa lạ. Những năm qua, tận dụng mạng xã hội, website, các nghệ nhân đã tìm được một số gương mặt để tiếp nối. Số lượng này không nhiều, nhưng cũng giúp họ phần nào an tâm bởi những âm thanh ngọt ngào của quan họ sẽ tiếp tục được ngân nga.

Theo nghệ sĩ Thu Hà, để hát được quan họ cần sự trải nghiệm, ngấm, say. Vì thế, khi dạy cho người trẻ, phải chỉnh, uốn nắn từng câu, chữ để tạo được độ vang, rền, tình cảm đặc trưng. Mỗi tuần, các nghệ nhân sẽ tập hợp để dạy cho thế hệ trẻ. Khi có cơ hội biểu diễn, sẽ để họ đứng cùng để có thêm kinh nghiệm.

Trần Văn Phong (sinh năm 1999, nghệ danh Thanh Phong, quê Hà Nội, hiện là nhân viên văn phòng tại TPHCM) biết đến CLB Mười Nhớ trong một hội thi dành cho sinh viên vào năm 2017. Sau đó, anh được nhận về để rèn nghề. Thuở trước, Phong biết 1-2 bài dân ca quan họ, nhưng sau 6 năm đã hát được 50-60 bài.

Phong nói do học theo hình thức truyền khẩu, không có công thức nào nên sự tiếp thu phần lớn nằm ở khả năng cảm thụ của người học. Khi đã có độ “chín” nhất định thì việc hát quan họ mới tình cảm, mượt mà, cuốn hút. “Mỗi lần hát, tôi lại tự hào về văn hóa truyền thống, cội nguồn. Mỗi bài dân ca quan họ đều nhắc nhở con người về những nét văn hóa đẹp, được thế hệ đi trước truyền lại cho hậu bối. Điều này nên được giữ gìn” - Thanh Phong chia sẻ.

Thạc sĩ Bích Duyên hiện là giảng viên Trường đại học Văn hóa TPHCM, cũng là nhân tố đang giữ gìn, lan tỏa quan họ. Chị biết đến quan họ khi còn là sinh viên học tại Hà Nội. Ban đầu, chị làm biên đạo múa cho CLB Mười Nhớ, nhưng dần dần nhận ra quan họ đã thấm vào mình lúc nào không hay. Năm đầu tiên, chị hát được một số làn điệu nhưng chưa luyến láy được đúng chất quan họ, được chỉnh nắn dần. Từ không biết hát, hiện chị đã hát nhuần nhuyễn rất tự tin, sau 10 năm.

Tại Trường đại học Văn hóa, chị đã thành lập một CLB hát quan họ, được Bảo tàng Áo dài bảo trợ. Phần lớn thành viên là người miền Nam nên việc truyền dạy cách hát khá khó khăn. Nghệ sĩ Văn Hanh (đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh) đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật hát cho các bạn sinh viên. Để khắc phục trở ngại về khoảng cách địa lý, họ chọn phương pháp học trực tuyến. Ngoài ra, chị Bích Duyên cũng đưa sinh viên đến gặp các nghệ nhân của CLB Mười Nhớ và những CLB khác để học hỏi thêm.

“Tôi biết sẽ rất khó để giữ gìn quan họ ở phương Nam, nhưng phải làm mới biết đi đến đâu. Nếu các bạn không thể hát được quan họ cũng không sao. Chỉ cần họ biết, nhớ đến quan họ là có thêm hy vọng để loại hình này được tồn tại, phát triển”-  chị chia sẻ. 

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI