Gieo mầm khoa học

11/05/2015 - 15:07

PNO - PN - Dù không nói ra nhưng có nhiều cha mẹ mơ ước con mình sau này lớn khôn được trở thành những người tài giỏi cỡ như Marie Curie, Albert Einstein hoặc Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của, Ngô Bảo Châu… Điều này cũng bình thường. Và dù không kỳ vọng thế, họ cũng muốn trước hết con mình phải am tường, hiểu biết về thế giới xung quanh.

edf40wrjww2tblPage:Content

Đành rằng, những tri thức ấy có thể được trang bị ở nhà trường, ngoài ra cũng có thể tiếp thu qua các “kênh” khác như xem truyền hình, tra cứu internet… Tuy nhiên, chỉ khi đọc sách thì cha mẹ và con cái mới thuận lợi trong việc tâm tình, chia sẻ “mọi lúc mọi nơi”, kể cả lúc trong nhà…cúp điện!

Có những kiến thức thông thường, những sự việc diễn ra hằng ngày nhưng không phải lúc nào ta cũng có thể giải đáp chu toàn cho con em. Bộ sách Gieo mầm khoa học (nhiều tác giả - NXB Kim Đồng) với các chủ đề Máy nghiền thức ăn, Yêu quái vô hình, Hãy ăn tớ đi mà… sẽ là công cụ đắc lực giúp cha mẹ chia sẻ cùng con những kiến thức khoa học thú vị.

Gieo mam khoa hoc

Gieo mam khoa hoc

Gieo mam khoa hoc

Điều lý thú của bộ sách này còn ở hình ảnh ngộ nghĩnh, nhiều màu bắt mắt. Chẳng hạn, câu hỏi: “Nếu như chúng mình thiếu hụt vitamin thì sẽ thế nào nhỉ?”. Câu trả lời ngắn gọn: “Vitamin A ảnh hưởng đến thị lực của chúng mình. Thiếu vitamin A sẽ bị bệnh khô mắt, nặng hơn là bị lòa đấy”. Do được xem các hình ảnh minh họa là dầu cá, gan động vật, các loại rau màu xanh, các quả màu vàng hoặc đỏ… nên các bé sẽ dễ nhớ. Còn nếu thiếu hụt vitamin B thì sao? Eo ơi! “Chúng mình dễ bị táo bón, nổi mụn trên mặt”; hoặc vitamin H giúp đen tóc…

Vui mắt nhất có lẽ là hình “gia đình Vitamin” được vẽ bằng hình tượng rau củ quả, ngũ cốc, các thực phẩm giúp trẻ dễ nhớ về các loại vitamin.

Nhiều lần các đồ vật trong nhà hay bị chuột cắn phá, cô nhóc hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Có phải do chuột tham ăn không hả mẹ?”. Bà mẹ giải thích: “Vì răng của chuột dài ra liên tục, nên chúng phải gặm vật cứng để mài răng cho cùn đi. Nếu cứ để răng cửa mọc dài ra mãi, mõm chúng sẽ không khép được vào”. À, ra thế!

Để có thể tiếp thu năng lượng, chuyện ăn rõ ràng cực kỳ quan trọng. Các bé được dặn dò: “Trước khi đi ngủ không nên uống nước hoa quả, ăn đồ ngọt” dễ bị sâu răng. Không chỉ trang bị hiểu biết giữ gìn “máy nghiền thức ăn” của mình, các bé còn có cơ hội biết về răng của một vài động vật khác.

Lại nữa, nếu có bé cắc cớ hỏi: “Mẹ ơi, sao con chuột có thể đi dưới hang sâu tăm tối, làm sao nó có thể biết phía trước có an toàn hay không?”, hoặc “Vì sao con dơi có thể bay trong đêm tối tìm mồi?”, thì trả lời ra làm sao? Dễ ợt, đó là do chuột biết dùng “tiếng vang” để thám thính; dơi dùng “tiếng vang” để định vị, phán đoán vị trí. “Ngộ quá héng! Vậy, “tiếng vang” là gì hả mẹ?”. Câu trả lời: “Lúc âm thanh truyền đi mà gặp phải vật cản thì sẽ phản xạ lại, người ta gọi hiện tượng này là “tiếng vang” con à”…

Với hình vẽ ngộ nghĩnh, cách giải thích ngắn gọn, có thể nói bộ sách này giúp trẻ bổ sung thêm nhiều kiến thức.

 HUYỀN SƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI