Gieo hạt giống cho vườn tâm hồn

18/02/2016 - 07:33

PNO - Việc cha mẹ dạy con phẩm chất nào trước là tùy theo mong muốn của họ, từ đây linh hoạt chọn ra những điều mà mình cảm thấy hữu ích cho con.

Gieo hat giong cho vuon tam hon
Anh Trần Quốc Phúc

Đầu xuân, anh Trần Quốc Phúc, diễn giả, tác giả của tác phẩm mỹ thuật đầu tiên ứng dụng audio giáo dục phẩm chất con trẻ, trò chuyện về hành trình gieo những hạt mầm cho khu vườn tâm hồn của mỗi người.

Anh Trần Quốc Phúc: Làm thế nào để dạy trẻ dễ dàng, thực tế là điều tôi luôn trăn trở khi xây dựng ứng dụng. Điểm nhấn của tác phẩm này là bức tranh Vườn tâm hồn với 50 hạt giống đại diện cho 50 phẩm chất tích cực, kèm các ứng dụng audio, notebook, tranh tô màu.

Các hạt giống có bố cục màu sắc rõ ràng theo từng nhóm: hạt giống làm người, hạt giống thành công, hạt giống lãnh đạo, hạt giống làm đẹp, hạt giống làm việc. Notebook Vườn tâm hồn có các tình huống được diễn giải dễ hiểu để khi cha mẹ dạy, con trẻ có thể tưởng tượng, ghi nhớ và làm theo. Các bức tranh minh họa cũng thể hiện rõ nét để trẻ vừa giải trí, vừa được khắc sâu 50 phẩm chất. Audio là những danh ngôn, câu chuyện hay cù ng nhữ ng phân tích để người nghe cảm, hiểu được giá trị mà không rơi vào giáo điều.

* Để khu vườn tâm hồn đâm chồi nẩy lộc, cần cách chăm bón thế nào, thưa anh?

- Mỗi ngày cha mẹ có thể dành ra 10-15 phút để trò chuyện với con dựa trên 50 hạt giống với những ứng dụng đi kèm. Hãy cho trẻ hiểu từng phẩm chất thông qua việc lắng nghe audio về 50 hạt giống. Trẻ sẽ tăng vốn hiểu biết khi lắng nghe những câu chuyện hay và bài học ý nghĩa. Trong khi trẻ tô màu, cha mẹ giải thích, minh họa thêm để trẻ hiểu và khắc sâu. Khi thường xuyên trao cho nhau những hạt giống tích cực, sẽ tạo ra môi trường tốt để góp phần giúp trẻ phát triển.

* Nhiều phụ huynh loay hoay không biết nên gieo hạt ra sao trên vuông đất sơ khai của con em mình. Mảnh vườn tuổi thơ của anh từng được gieo trồng thế nào?

- Hạt giống lớn nhất ba mẹ giúp tôi ươm từ những ngày thơ là khát vọng. Ba mẹ thường dùng câu hỏi gợi mở để tôi mặc sức tưởng tượng. Có khi ba mẹ tán đồng, khen tặng khiến tôi tự tin, can đảm và hưng phấn. Có thể căn nhà nghèo ở Gò Công, Tiền Giang thuở bé không “cấp phép” cho những ước mơ, nhưng những giọt nước mưa dội từ mái lá dột nát không thể làm ướt hết giấc mơ của tôi.

Ba mẹ cho tôi ước vọng và tôi tự cho mình ước vọng. Ngay khi cả nhà phải cuống cuồng tìm xô chậu hứng nước mỗi khi trời mưa, ngay khi tôi đạp xe hàng chục cây số để đi học, ngay khi ăn tô mì 15.000-20.000đ phải tần ngần đắn đo, tôi vẫn nuôi khát vọng. Tôi lên Sài Gòn mang theo hành trang nhỏ với ước mơ kiếm tiền xây cho ba mẹ căn nhà và mục tiêu này thành hiện thực vài năm sau đó. Tôi biết ơn ba mẹ đã luôn khoan dung, khích lệ, đỡ nâng, cho tôi sức mạnh.

Gieo hat giong cho vuon tam hon
Ảnh mang tính minh họa

Phẩm chất tích cực nào cũng quan trọng, khen tặng, hy sinh hay giúp đỡ, hợp tác… Việc cha mẹ dạy con phẩm chất nào trước là tùy theo mong muốn của họ, từ đây linh hoạt chọn ra những điều mà mình cảm thấy hữu ích cho con. Mẹ tôi thường xuyên chỉ dạy tôi những bài học làm người qua các câu chuyện. Mẹ nhắc tôi luôn phải hiếu thảo và khiêm tốn.

Năm lớp 9, nhận được giấy khen và phần thưởng, tôi mừng quá, gặp ai cũng khoe. Mẹ bảo con trai mẹ giỏi thật, nhưng con hãy nhớ sau này lớn lên dù thành đạt đến đâu cũng đừng nên phô trương. Thay vào đó, hãy cư xử đúng mực, người khác sẽ cảm nhận được khả năng của mình. Lúc ấy, tôi hơi ngượng nhưng về sau mới ngấm dần bài học của mẹ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI