Sự đổi mới dễ được chấp nhận hơn
Sau nửa tháng ra mắt, Về nghe mẹ ru đạt hơn năm triệu lượt nghe trên YouTube. Bài hát xếp vị trí thứ ba trên bảng xếp hạng những sản phẩm âm nhạc được tìm kiếm nhiều nhất trên YouTube tại Việt Nam. MV nhận được gần 200.000 lượt yêu thích, gần 10.000 lượt bình luận trên nền tảng này.
Một đoạn trong bài hát trở thành xu hướng nổi bật trên Tik Tok, được hàng triệu tài khoản yêu thích, sử dụng. Thành công của sản phẩm này đến từ nhiều yếu tố. Sự kết hợp giữa cải lương với pop, rap mang đến làn gió mới cho khán giả. Hàng ngàn bình luận trên các mạng xã hội bày tỏ sự bất ngờ, thích thú. Sắp tới, NSND Bạch Tuyết sẽ tiếp tục ra mắt sản phẩm kết hợp giữa cải lương với nghệ thuật hiện đại, giữa bà và nhiều nghệ sĩ trẻ, để tiếp tục đưa nghệ thuật truyền thống đến gần công chúng.
|
NSND Bạch Tuyết và ca sĩ Hoàng Dũng trong Về nghe mẹ ru |
NSND Bạch Tuyết cho rằng trong nghệ thuật luôn cần tìm tòi sự mới mẻ. Không riêng Về nghe mẹ ru, thời gian qua, cải lương, vọng cổ cũng liên tục được đưa vào các sản phẩm âm nhạc hiện đại. Trên sân khấu King of rap, khán giả đã được thưởng thức tiết mục Cô gái bán sầu riêng kết hợp giữa một số câu vọng cổ cùng nhạc trữ tình quê hương và rap. Mùa thi năm đó, đây là một trong số tiết mục được khán giả ghi nhớ nhiều nhất.
Trong See tình ra mắt hồi đầu năm, nhóm DTAP cũng đưa âm nhạc ngũ cung, vọng cổ vào một phần trong ca khúc để tạo điểm nhấn. Quan trọng là mình có nhau của VP Bá Vương trong Thần tượng đối đầu thần tượng cũng sử dụng một đoạn cải lương trong Thái hậu Dương Vân Nga, biến tấu đôi chút về giai điệu, trước khi bước vào phần rap chính. Teen rap Việt cũng sử dụng chất liệu vọng cổ để tạo nên sự mới mẻ, xen kẽ vào phần rap của Freaky…
Về nghe mẹ ru- NSND Bạch Tuyết, Hoàng Dũng:
Năm 2009, Teen vọng cổ ra đời, trở thành hiện tượng của làng nhạc. Riêng phần doanh thu nhạc thời điểm đó lên đến 1 tỷ đồng/năm - con số rất “khủng” lúc bấy giờ. Sáng tác của Trần Anh Khôi cũng dùng vọng cổ kết hợp nhạc trẻ, rap, nói về tình yêu đôi lứa. Thế nhưng, số phận của ca khúc này lại trái ngược hoàn toàn. Có một bộ phận khán giả ủng hộ, nhưng phần lớn chỉ trích vì cho rằng: sản phẩm này kỳ quặc “nửa tây nửa ta” khi pha trộn vọng cổ vào âm nhạc hiện đại; thể hiện sự dễ dãi của công chúng, thái độ lao động không nghiêm túc của nghệ sĩ; hoặc thậm chí bị gọi là thảm họa “nồi lẩu thập cẩm”…
Nhưng các sản phẩm gần đây theo phương thức kết hợp trên dễ được chấp nhận. Điều này phản ánh sự vận động của nhiều yếu tố: thị hiếu khán giả, tư duy đón nhận của xã hội… Tiến sĩ - NSND Triệu Trung Kiên lý giải: “Xã hội luôn vận động. Nhận thức của con người sẽ chuyển biến theo. Hiện khán giả trẻ đang chiếm lĩnh thị trường. Họ sẵn sàng đón nhận những điều mới mẻ với tư duy cởi mở. Trong khi đó, những khán giả trước đây cũng dần đang thay đổi, chấp nhận cái mới. Những việc làm sớm dễ hứng chịu sự phản đối, đặc biệt trong bối cảnh nhiều năm về trước”.
Cứ đi thôi
Thực tế, đã có một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác được mang vào âm nhạc hiện đại. Chẳng hạn, xẩm kết hợp với rap, nhạc điện tử trong Xẩm Hà Nội của Hà Myo hay xẩm kết hợp cello trong Công cha ngãi mẹ sinh thành của Tân Nhàn. Quân AP kết hợp giữa quan họ Bắc Ninh và rap, nhạc EDM trong Giao duyên - Ngồi tựa mạn thuyền, trình diễn trong chương trình Thần tượng đối đầu thần tượng cũng tạo được ấn tượng với khán giả.
Nhưng nhìn chung, cải lương vẫn thường được sử dụng nhiều hơn để thêm gia vị cho âm nhạc hiện đại. Theo nhiều nghệ sĩ, bản chất dễ dàng tiếp nhận cái mới, tính mở giúp cải lương có được sự thuận lợi hơn. Những sản phẩm được đề cập bên trên đều dễ dàng tạo hiệu ứng truyền thông tốt, vì đánh vào tâm lý tò mò, luôn thích sự mới lạ của khán giả. Chính những cuộc giao duyên này đã phần nào giúp môn nghệ thuật truyền thống có tuổi đời trăm năm tiến gần hơn đến khán giả trẻ. Hàng triệu lượt xem cũng là hàng triệu cơ hội được tạo ra.
Quan trọng là mình có nhau - VP Bá Vương:
NSƯT Hữu Quốc nói anh ủng hộ việc kết hợp giữa hai chất liệu truyền thống với hiện đại. Anh chia sẻ: “Tôi nghĩ trong tương lai sẽ càng cần nhiều hơn những sự kết hợp, sáng tạo. Nhưng mỗi người sẽ có cách làm khác nhau. Sự thử nghiệm có thể thành công, hoặc thất bại. Âm nhạc, phim ảnh cũng thế thôi. Để một sản phẩm, một hướng đi được chấp nhận, phải cần nhiều yếu tố: thời gian, con người…”, anh chia sẻ.
Điểm thuận lợi hiện tại có thể thấy là sự đón nhận cái mới dễ dàng hơn của khán giả so với thời điểm trước. Thiết bị, công nghệ sản xuất hiện đại cũng hỗ trợ nhiều cho việc sản xuất. Nhóm DTAP - tác giả See tình - nói khi làm cần phải chọn lọc để tạo ra sự phù hợp, đó là yếu tố quan trọng hàng đầu trong sự kết hợp cũ mới. Theo nhóm, đây là điểm khó khăn nhất, vì nguồn chất liệu rất phong phú. Cả nhóm phải dành thời gian tìm hiểu, thu nhặt kiến thức kỹ càng trước khi bắt tay vào bất kỳ dự án nào. Ban đầu, Về nghe mẹ ru dự định ra mắt trước tết, nhưng nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền xin ê-kíp lùi lịch thêm vài tháng để đảm bảo việc tìm hiểu về nhạc cụ, hòa thanh… được trọn vẹn, đầy đủ. Theo anh sự kết hợp phải có chiều sâu mới đủ thuyết phục công chúng.
|
VP Bá Vương biểu diễn Quan trọng là mình có nhau trong chương trình Thần tượng đối đầu thần tượng |
Sự kết nối, tương tác giữa cải lương nói riêng, nghệ thuật truyền thống nói chung với các loại âm nhạc hiện đại chưa nhiều, mà chính nghệ sĩ là những nhịp cầu nối. Vì thế, số lượng sản phẩm ra đời cũng rất hiếm hoi. Nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền nói anh từng suy nghĩ đến sự kết hợp giữa âm nhạc hiện đại và cải lương, nhưng trước nay chưa có sự hướng dẫn nào để hiện thực hóa. Mãi đến khi ê-kíp của NSND Bạch Tuyết đề xuất, kết hợp mới có thể hoàn thành.
Có lẽ, thời gian tới, mối liên kết này càng phải được thắt chặt, tăng cường hơn, không riêng với cải lương, mà với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác. NSND Triệu Trung Kiên mong bằng nhiều cách trong tương lai sẽ có thể khuyến khích được càng nhiều ca sĩ, nghệ sĩ trẻ tham gia, lựa chọn chất liệu nghệ thuật truyền thống để đưa vào đời sống âm nhạc, nghệ thuật hiện đại, bởi “chính họ mới là người hiểu thế hệ họ nhất”. Từ đó mới dễ tạo ra những tác phẩm có sức sống, đi sâu vào tâm trí khán giả.
Thành Lâm