Gieo chữ cho trẻ nghèo bên dòng kênh Cây Khô

10/02/2023 - 13:00

PNO - 36 đứa trẻ nghèo từ 6 đến 14 tuổi sống đọc bờ kênh Cây Khô, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè tưởng không có cơ hội đến trường dã biết đọc biết viết nhờ sự kiên trì của hội.

6g chiều, thấy cô Nguyễn Thị Thu Nguyệt bước vào lớp, các em học sinh đứng dậy chào. Trang phục của các em là những bộ thường phục hằng ngày với đủ màu xanh, đỏ. Những quyển sách Tiếng Việt và tập viết, các em đã mở ra sẵn trên bàn. Cô Nguyệt đi một vòng từ đầu đến cuối lớp để kiểm tra nét chữ và nhắc nhở, chỉnh sửa cho từng em. 14 tuổi, to cao và lớn tuổi nhất lớp, nên Nguyễn Hà Phước Đức được các bạn trong lớp gọi là anh. Đức sống với mẹ tại nhà trọ tại ấp 2, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè. Hằng ngày hai mẹ con cùng đi bán vé số kết hợp lượm ve chai.

Ngày đầu đến lớp, dù chưa biết chữ nào, nhưng Đức rất háo hức. Gần 4 tháng qua, ngày nào em cũng đến lớp trước để mở cửa phòng học chờ cô và các bạn. Suốt buổi học, Đức tự tin khi nhận biết được nhiều chữ, viết được nhiều chữ cái, biết đọc và ghép một số vần đơn giản. “Cố gắng học để sau này biết chữ, còn đi làm phụ mẹ, chứ mẹ không khỏe để lo cho con hoài được đâu” - cô Nguyệt động viên cậu học trò.

Lớp học Ấp 4 bờ đông đặt dưới mái hiên nhà trọ
Lớp học Ấp 4 bờ đông đặt dưới mái hiên nhà trọ

Lớp học tình thương trên có 14 học sinh, được đặt tại văn phòng Ban Nhân dân ấp 2 (gọi là lớp học tình thương Ấp 2), được UBND và Hội LHPN xã Phước Lộc tổ chức từ tháng 10/2022 và vận động cô Nguyễn Thị Thu Nguyệt - giáo viên Trường THCS Hai Bà Trưng, xã Nhơn Đức - đứng lớp. Trong số 14 học sinh chỉ 4 em biết đọc bập bẹ, nên cô Nguyệt chia làm 2 trình độ lớp Một và lớp Hai để dạy. Lớp hoạt động từ 6g đến 7g30 tối thứ Ba và thứ Năm hằng tuần.

Thấy lớp học mở ra “gom” được kha khá trẻ em nhập cư thiếu điều kiện đi học, chị Nguyễn Huỳnh Nguyên - Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Lộc - quyết tâm mở thêm 2 lớp tình thương khác tại ấp 4 với mong muốn giúp các em biết đọc, biết viết, biết tính toán cộng trừ. Hiện tại, lớp Ấp 4 bờ đông (của dòng kênh Cây Khô) do thầy Lê Thanh Tùng (giáo viên Trường tiểu học Bùi Thanh Khiết, xã Phước Lộc) phụ trách có 8 học sinh; còn lớp Ấp 4 bờ tây do cô Võ Thị Cẩm Thu (giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Hồng Thế, xã Phước Lộc) phụ trách có 14 học sinh. Các thầy cô đều tình nguyện dạy miễn phí cho các em.

Để có thể thành lập 3 lớp học như hiện nay, các cán bộ địa phương đã vận động từng quyển sách cũ, bút thước, cặp xách và phải mượn địa điểm mở lớp sao cho thuận tiện việc đi học của học sinh. Chị Nguyên cho biết, sở dĩ phải mở 3 lớp học cho 36 học sinh (từ 6 đến 14 tuổi) vì ấp 4 bị chia cắt bởi dòng kênh Cây Khô, các em từ bờ tây muốn sang bờ đông phải đi đò, chưa kể các tuyến đường tại xã Phước Lộc lại thường xuyên bị ngập… “Việc vận động các cháu đến lớp không hề dễ dàng nên chúng tôi phải cố gắng làm mọi cách để giữ chân các cháu. Có những buổi tối, các cháu tan lớp nhưng cha mẹ chưa tan ca, chúng tôi phải đưa các cháu về tận nhà để cha mẹ an tâm làm việc. Có hôm nước ngập, xe chết máy giữa đường, cô trò phải dắt xe lội nước” - chị Nguyên kể.

4 tháng qua, sĩ số các lớp học cũng biến động khi có học sinh phải theo gia đình đi làm ăn nơi khác, nhưng cũng có thêm nhiều trẻ mới đến xin học. 3 lớp học có thêm 4 học sinh mới, các em đi học đều, ngoan và rất cố gắng. “Tôi thấy vui khi con về nhà lấy vở ra tập viết và ê a đọc chữ. Cháu nhỏ viết còn nguệch ngoạc, đọc cũng chưa được nhiều, nhưng được đi học là mừng rồi” - chị Nguyễn Tài Linh - mẹ của hai cháu Nguyễn Phúc Khang và Nguyễn Đoàn Phúc Tài, đang học lớp Một Ấp 4 bờ đông - chia sẻ.

Chị Nguyên phấn khởi thông tin: hiện nay, cả ba lớp học tình thương đã được dự án Phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em của tổ chức SC (Save the Children) hỗ trợ tất cả kinh phí mua dụng cụ học tập. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI