Giếng được ngủ bù

29/12/2023 - 06:55

PNO - Từ thời khắc giao thừa tới hết ngày mùng Một, mẹ sẽ "khóa giếng", không cho múc nước. Ấy là lúc Hà Bá được nghỉ.

Ngày tôi còn nhỏ, mỗi dịp tết, ba mẹ không bao giờ quên tục tết giếng. Quan niệm người xưa, giếng có Hà Bá (thần giếng) trấn giữ. Quanh năm thần phục vụ con người, không lúc nào ngơi: tắm rửa giặt giũ, lấy nước nấu ăn, nước uống; thậm chí nước tưới cây đều múc lên từ giếng. Nhọc nhằn vậy nên tết đến cũng phải dành một ngày cho Hà Bá được nghỉ. Ấy chính là ngày đầu năm, tức mùng Một tết.

Cứ từ thời khắc giao thừa tới hết ngày mùng Một, mẹ sẽ "khóa giếng", không cho múc nước. Vậy nên, làm gì làm, cứ chiều 30 tết, nhà có bao nhiêu thau, lu, hũ mẹ đều lôi hết ra, múc nước đổ đầy, để dùng nguyên ngày mùng Một. Nhà đông, trữ càng nhiều càng tốt; chỉ có thiếu chứ đâu bao giờ sợ dư.

Mấy chị em chúng tôi tắm rửa, giặt giũ… cũng phải tranh thủ, không thôi tới 12 giờ đêm, vừa nghe lụp bụp tiếng pháo giao thừa, chờ ba đốt nén hương cắm lên bàn thờ tổ tiên xong, mẹ sẽ hắng giọng nghiêm trang: “Thằng Ba ra cất gàu, lấy cái nia đậy miệng giếng lại cho mẹ”.

Hậu quả vụ "cấm giếng" ngày mùng Một là ngày 30, cái giếng hầu như phải hoạt động hết công suất - gàu vục ì ùm suốt sáng, trưa, chiều, tối. Cuối năm, nhu cầu giặt giũ, vệ sinh nhà cửa đều tăng đột biến. Tới tết, cái gì cũng muốn sạch bong; không xài cũng cứ phải sạch mới ưng. Chưa kể lo mâm cỗ cúng tất niên, cũng lại cần nước. Vậy nên mấy chị em xúm quanh giếng.

Khổ thân cái gàu, cứ phải quay vòng liên tục, múc lên thả xuống không một phút ngơi. Mẹ than: “30 tết làm thiếu điều cạn nước giếng”. Ba chép miệng: “Múc kiểu đó, tới giao thừa thế nào giếng cũng cạn”. Giếng bị "hành" tới lúc mẹ ban lệnh cất gàu, đậy nia mới được yên. Vậy mà vẫn bị chị Hai gọi ráng chưa tha: “Tui còn sót cái áo chưa giặt, làm sao đây? Giếng ơi là giếng”.

Quên ráng chịu. Lệnh mẹ đã ban, đâu phải nói chơi. Từ giây phút ấy, cái giếng cùng vị "Hà Bá" bí ẩn bên dưới đã thành một sinh thể được kính trọng, được tri ân như mọi sinh thể đã có công giúp đỡ gia đình trong suốt 1 năm: đi nhẹ nói khẽ, không đụng chạm, gây tiếng động lớn mỗi khi có việc cần ra cạnh giếng.

Chưa hết, sáng mùng Một, lễ cúng tân niên của gia đình, bao giờ ba cũng bày 1 mâm riêng, bưng đi cúng giếng. Cũng lễ vật hương đèn, khấn vái thành tâm. Lễ tạ, cỗ lui xong, ba sẽ trang trọng phết hồ, dán lên thành (bọng) giếng một lá vàng mã. Lạ kỳ chưa, cái giếng ngày thường nhìn rêu phong cũ kỹ, giờ có lá vàng mã lấp lánh ánh kim tự nhiên thấy mới, thấy đẹp hẳn lên.

Đứng trong nhà nhìn ra bóng giếng im lìm, được mặc áo mới mà không hay, dường như vẫn đang say sưa ngủ trong buổi sáng đầu năm, tự dưng trong tôi dậy lên cảm giác… thương thương. Phải rồi, quanh năm có bao giờ giếng được ngủ yên ngoại trừ ngày đầu năm. Vậy nên giếng phải ngủ bù. 

Y Nguyên
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI