Một thiếu tá 45 tuổi sau khi gặp tai nạn đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu tại Bệnh viện Quân đội 108 (Hà Nội). Không chần chừ suy nghĩ, vợ của ông đã đưa ra quyết định táo bạo: tặng tất cả bộ phận cơ thể của chồng còn hoạt động cho những cuộc đời khác đang hy vọng sự sống mỗi ngày.
Sáu cuộc đời đã hồi sinh từ cơ thể của người đàn ông này: hai người nhận được giác mạc, một người nhận phổi, hai người nhận quả thận và một người nhận quả tim. Trong đó, tim và thận của vị thiếu tá đã được hồi sinh ở một nơi cách ông qua đời gần 1.700km.
Những chuyến bay mang theo hy vọng sống
Các chuyên gia ghép tạng trên thế giới khuyến cáo thời gian để ghép tim tốt nhất là trong vòng 4 giờ, nếu ghép từ 6 giờ đến 8 giờ, khả năng hồi phục sẽ không còn tốt. Và nếu trễ hơn đồng nghĩa với việc thất bại. Vì thế, thời gian để cuộc hiến ghép tạng diễn ra phải được tiết kiệm từng giây từng phút.
|
Bác sĩ Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức – Phẫu thuật tim, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM là người đã 3 lần thực hiện công việc vận chuyển tim xuyên Việt để thực hiện các ca ghép nội tạng |
Lần thứ 3 này, ông nói rằng: dường như có một sự may mắn nào đó đã nối tiếp nhau.
Sau khi Trung tâm điều phối quốc gia về ghép các bộ phận cơ thể người đưa ra xác nhận cuối cùng: sẽ trao quả tim cho Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ Nguyễn Thái An nhận y lệnh phải lên chuyến bay lúc 16h ngày 25/2/2018 để ra Hà Nội.
Nhưng phải làm sao trên chuyến bay ra Hà Nội lần này phải có mẫu máu của người nhận tim để ngay trong đêm thực hiện các xét nghiệm xác định có hòa hợp hay không. Vì sáng hôm sau (26/2), đã là thời điểm thực hiện lấy và ghép tạng. Nếu hai mẫu máu không hòa hợp, vẫn còn thời gian để còn kịp thời gian lựa chọn một người nhận tim khác.
|
Hình ảnh quả tim được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy vào chiều 26/2 |
Trong khi đó, người xác định để ghép tim là anh Nguyễn Quốc Hùng, 29 tuổi lại đang ở Tiền Giang. Và một may mắn đầu tiên đã đến. Chuyến bay từ TP.HCM ra Hà Nội trễ đến 30 phút khiến mẫu máu của anh Hùng kịp thời đến sân bay Tân Sơn Nhất. Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy sự hòa hợp của hai nhóm máu để thực hiện hiến và ghép tim cho nhau.
"Trong khi bác sĩ Nguyễn Thái An mang mẫu máu của người nhận tim ra Hà Nội, chúng tôi nhờ một bác sĩ của Bệnh viện Việt – Đức mang mẫu máu của người cho vào TP.HCM để thực hiện xét nghiệm phản ứng chéo với người nhận thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy”, bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.
|
Chàng trai 29 tuổi Nguyễn Quốc Hùng ở Tiền Giang là người được nhận quả tim từ vị thiếu tá 45 tuổi |
Ngày 26/2, quả tim là bộ phận đầu tiên được lấy ra từ người cho. Và 14h cùng ngày, chuyến bay cất cánh từ sân bay Nội Bài để mang quả tim vào TP.HCM. Ngay sau đó một chuyến bay khác mang quả thận vào Nam. Rất may mắn, quả tim được mang đến sân bay Nội Bài đúng 13h30 và chuyến bay lần này lại đúng giờ.
Bác sĩ Nguyễn Thái An chia sẻ: “Chúng tôi là những vị khách cuối cùng lên chuyến bay này. Ngay trên không trung, chúng tôi phải bơm dung dịch bảo quản quả tim”.
Giải thích về điều này, bác sĩ Nguyễn Thái An cho biết cứ đúng 2 giờ đồng hồ, sẽ phải bơm dung dịch bảo quản. Thật sự là những may mắn nối tiếp nhau. Khi máy bay vừa qua thời điểm cất cánh và ổn định là vào đúng thời điểm để bơm dung dịch. Nếu sớm hơn, có thể quả tim đã không được bảo quản tốt nhất.
|
Hình ảnh sáng 19/3 của chàng trai 29 tuổi sau khi được ghép tim |
Quả tim của vị thiếu tá 45 tuổi khi vừa xuống đến mặt đất ngay lập tức được đưa lên xe cấp cứu có 2 cảnh sát giao thông mở đường để về thẳng Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ trong 10 phút. Lúc đó đã hơn 16h ngày 26/2. Thời điểm này quãng đường từ sân bay Tân Sơn Nhất về Bệnh viện Chợ Rẫy đã đông nghẹt người. Nếu không có lực lượng mở đường, có thể phải mất đến 40 phút vận chuyển.
Sự sống hồi sinh ở nơi cách nhau đến 1.700 cây số
Quả tim được ghép cho anh Nguyễn Quốc Hùng bị bệnh cơ tim giãn nở. Ca mổ bắt đầu lúc 14 giờ 30 phút ngày 26/2 và đến 19 giờ 15 phút cùng ngày, quả tim bên trong cơ thể mới đã đập những nhịp đầu tiên. Ca mổ ghép tim hoàn thành vào lúc 21 giờ 30 phút ngày 26/2.
|
Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu là người vận chuyển quả thận trong chuyến bay kế sau chuyến bay vận chuyển quả tim |
Hiện sức khỏe của anh Nguyễn Quốc Hùng đã tiến triển tốt. Trước đó, do hoàn cảnh khó khăn nên anh Hùng và gia đình đã không dám nhận ghép tim. Nhưng lần này, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy động viên cứ lo cho sức khỏe trước, mọi chuyện bệnh viện sẽ cố gắng hỗ trợ.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, cha của bệnh nhân Nguyễn Quốc Hùng xúc động kể: “Con tôi bệnh 5 năm rồi, ra vô bệnh viện nhiều lần. Cứ nghĩ không còn hi vọng để cứu nữa. Hai lần trước, gia đình không có khả năng nên không lên ghép tim được. Đợt này bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy nói cứ lên thay tim cho cháu. Tiền bạc để đó bác sĩ tính sau”.
|
Cô sinh viên 25 tuổi ở Ninh Thuận là người nhận quả thận |
Quả thận của vị thiếu tá được ghép cho một cô gái 25 tuổi Phạm Hoài Thương, quê Ninh Thuận. Cô gái trẻ bị suy thận mãn giai đoạn cuối. Ca ghép thận bắt đầu từ 20h 30 ngày 26/2 và kết thúc vào khoảng 12 giờ đêm cùng ngày.
Quả thận quý giá đã có thể giúp cô sinh viên năm cuối tiếp tục con đường học vấn dở dang. Để có chi phí thực hiện ca ghép thận, gia đình đã dự định bán ngôi nhà ở quê.
Kết thúc ca ghép tim và thận, đồng hồ đã nhịp những bước đầu tiên sang ngày hôm sau 27/2. “Một thời điểm vô cùng đặc biệt. Chúng tôi có cảm giác như mình đang thực hiện một công việc cho chính cuộc đời mình”, Phó giáo sư bác sĩ Thái Minh Sâm – một trong những chuyên gia tham gia ê kíp ghép tạng chia sẻ.
Vào thời khắc đầu tiên của ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, 2 ê kíp ghép tim và thận hoàn thành công việc và ăn tối lúc 0 giờ sáng của ngày hôm sau. Các bác sĩ đã ngồi bên nhau trong thời khắc thiêng liêng của nghề và lặng lẽ đón chào ngày mới – một ngày thật đặc biệt trong cuộc đời làm nghề y của mình.
Hiếu Nguyễn