Giàu xúc cảm

11/05/2015 - 21:38

PNO - PN - Vượt ra khỏi khuôn khổ một chương trình truyền hình thường thấy, chương trình Bài ca chiến thắng 2015: Xin đa tạ những tháng năm vĩ đại (phát sóng kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai, vào lúc 21g15 ngày 8/5,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Một cách làm khác tăng sức hút cho chương trình truyền hình khai thác những vấn đề lịch sử khô khan.

Nhà báo Lại Văn Sâm từng làm nhiều chương trình về nước Nga trước đó, nhưng có thể nói Bài ca chiến thắng 2015: Xin đa tạ những tháng năm vĩ đại là chương trình tạo ấn tượng nhất của ông cùng ê kíp chương trình. Kịch bản cuốn hút, các sự kiện lịch sử giai đoạn 1941-1945 của chiến tranh thế giới thứ hai được xâu chuỗi chặt chẽ, chuyển tải lồng ghép với những bài hát Nga nổi tiếng. Một sự đầu tư công phu từ hành trình ghi hình ở các quốc gia châu Âu: Anh, Pháp, Áo, Đức, Nga và Belarus đến dàn dựng các tiết mục trình diễn nghệ thuật, với sự tham gia biểu diễn của các ca sĩ Hoàng Bách, Hồ Trung Dũng, Đồng Lan, nhóm Ngũ Cung…

Chương trình mở đầu bằng “hành trình nước Đức” và câu chuyện của Adolf Hitler, đối lập những mảng màu chết chóc do Đức quốc xã gây ra là hình ảnh duyệt binh của Nga trong ca khúc Ngày chiến thắng. Chiến tranh và hòa bình, quá khứ và hiện tại, thảm kịch của người Do Thái và lá cờ của Hồng quân Liên Xô trên tòa nhà Quốc hội Đức chấm dứt chế độ phát xít tàn bạo… Một sự kết nối cảm xúc tuyệt vời giữa quá khứ bi hùng của cuộc chiến tranh vệ quốc và những giá trị trường tồn với lịch sử; giữa mất mát trong cuộc chiến vĩ đại kéo dài 1.418 ngày đêm trên đất nước Nga với những hình ảnh, giai điệu lắng sâu, tự hào từ những ca khúc Thời thanh niên sôi nổi, Điệu valse trước chiến tranh, Điệu valse tháng Năm, Tổ quốc bắt đầu từ đâu… Không chỉ có những thước phim tài liệu, tư liệu về thế chiến II và tội ác của Đức quốc xã, chương trình còn mở rộng ra nhiều góc nhìn lịch sử từ cuộc chiến tranh này, đến những nước đồng minh tham chiến.

Giau xuc cam

Nhà báo Lại Văn Sâm có cách dẫn dắt khá cuốn hút trong chương trình - Ảnh tư liệu của VTV

Rất nhiều địa danh lịch sử đã được nhắc đến: đồi Mamaev, làng Prokhorovka, sông Neva, cung điện Mùa Đông, hồ Ladoga (Nga), ngôi nhà của Hitler, sân vận động Olympic, trại tập trung người Do Thái (Đức)… cùng nhiều địa danh mang dấu tích của cuộc chiến tranh chống phát xít từ Áo, Pháp và Belarus được chuyển tải chắt lọc. Câu chuyện về nạn đói năm 1941, trận Normandy hơn sáu triệu người chết, những ngôi làng bị tàn sát, những câu chuyện soi xuống thân phận con người trong chiến tranh… được nhắc lại cảm động trên nền của những giai điệu Nga. Đôi lúc phần phim được làm mềm hóa bằng nhiều cận cảnh, chi tiết sinh hoạt đời thường của người dân các nước.

Âm nhạc trong chương trình là chất xúc tác tốt, dù trong gần 20 ca khúc được lựa chọn biểu diễn, lồng ghép, vẫn có bài hát được cho rằng không phù hợp với hoàn cảnh thể hiện, hay một số ca sĩ trẻ phát âm chưa chuẩn tiếng Nga. Ngoài ra còn có một số chi tiết về tên gọi chưa chuẩn xác... Tuy nhiên, những lỗi đó có thể châm chước khi nhìn tổng thể.

Nhà báo Lại Văn Sâm từng trải qua những năm tháng tuổi trẻ tại đất nước này. Sự am hiểu về địa danh và khả năng dẫn dắt truyền cảm của ông đã mang đến cho Xin đa tạ những tháng năm vĩ đại một giá trị khác. Theo chia sẻ của ông, đây là một chương trình “mạo hiểm và cầu kỳ, phức tạp”. Vượt qua những hạn chế, chương trình đã mang lại cho khán giả những thông điệp về giá trị to lớn của hòa bình mà nhân loại đang gìn giữ. Xin đa tạ những tháng năm vĩ đại cũng để lại giá trị mở cho những sáng tạo của người làm truyền hình.

 SONG GIANG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI