Giàu út ăn nghèo út chịu?

14/09/2014 - 19:45

PNO - PNCN - Chị Hạnh Dung kính mến! Em 31 tuổi, nghề nghiệp ổn định, nhưng hoàn cảnh riêng đang khó khăn.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Em là con út, các anh chị lập gia đình đều ở riêng. Lâu nay em sống với mẹ, vì ba bỏ đi theo vợ nhỏ, họ đã có con với nhau. Nay đột nhiên ba em bị bệnh nặng, người phụ nữ kia mang ông “trả” cho gia đình em. Bây giờ ông nằm một chỗ vì tai biến, các anh chị đều ghét ông là người bội bạc, hồi xưa ở nhà đánh đập mẹ em hoài. Mẹ em cũng bệnh, không tự lo được cho mình huống gì chăm sóc người khác. Em và người yêu dự định cuối năm nay cưới, nhưng bây giờ một phần tiền bạc phải bỏ ra thuê người chăm sóc cho ông bà, vô ra bệnh viện… rất khó khăn, vất vả. Người yêu em ra điều kiện cưới xong thì phải ở riêng. Em thấy anh ấy cũng có lý, đó cũng là ý của bên nhà anh. Nhưng mà em bỏ đi lấy chồng, thì ba mẹ em không ai chăm sóc. Ba em bỏ đi khi em còn rất nhỏ, nên giờ em cũng không có tình cảm gì mấy. Hơn nữa, ba em vẫn trái tính trái nết, nằm một chỗ nhưng chửi mắng tất cả mọi người, không ai chịu nổi. Bỏ mẹ ở một mình thì em không đành, nhưng gánh thêm gánh nặng ba em nữa thì em không biết cách nào xoay xở. Chẳng lẽ bây giờ em phải hy sinh hạnh phúc riêng, vì một người cha như thế? Tuổi em cũng đã lớn rồi…

Thu Minh (TP.HCM)

Giau ut an ngheo ut chiu?

Em Thu Minh thân mến,

Chuyện này em không thể tự tính lấy hay tự gánh lấy một mình. Chắc chắn là các anh chị phải xúm tay vào cùng gỡ. Có thể, bao năm nay các anh chị ỷ lại có dì út sống cùng mẹ rồi, nên nay chưa chủ động, tự giác ngồi lại tìm cách giải quyết, gỡ khó khăn cho dì út đi lấy chồng. Em cần chủ động yêu cầu các anh chị cùng chia sẻ trách nhiệm.

Về ba mẹ, nay tuổi già sức yếu, chỉ có thể cậy nhờ con cái. Cho dù trong quá khứ ba em có làm điều gì sai trái, thì cũng không thể phủ nhận ông ấy vẫn là cha của mấy anh chị em. Tình trạng pháp lý cuộc hôn nhân của ba mẹ em như thế nào? Em cần hỏi lại mẹ, nếu mẹ không nhớ thì lục lại hồ sơ giấy tờ, xem thử họ đã ly hôn hay vẫn còn là chồng vợ. Căn nhà mẹ em đang ở, đứa con riêng mà ba em có với người vợ sau… đều là những yếu tố quan trọng phải được phân định kỹ càng với sự có mặt của đầy đủ anh chị em, bởi trong một số trường hợp, đó cũng chính là nguồn tài chính đảm bảo chăm sóc ông bà đến cuối đời. Em không đủ sức gánh lấy gánh nặng này, nên cần tìm một nguồn lực đủ bền vững. Đây là việc mấy anh chị em phải quyết định, cũng là một trong những đầu mối để gỡ rối cho em.

“Thuyền theo lái, gái theo chồng”, việc lập gia đình và phải theo chồng là chuyện bình thường. Nhưng người yêu thương em chắc chắn cũng sẽ có tình cảm và ý thức trách nhiệm đối với gia đình em. Lập gia đình cũng là cách giúp em có thêm một phần sức mạnh để lo việc nhà em ạ. Đừng hủy bỏ, trì hoãn hạnh phúc của mình vì gánh nặng trách nhiệm mà một mình mình không thể lo hết. Em có thể tâm sự chuyện này với người yêu, để cùng anh ấy tính cách nào chu toàn cho cả mình và gia đình vợ. Chuyện của em biết là khó, nhưng không hoàn toàn bế tắc, và nhất định là không nên giấu giếm cũng như không nên đặt thành một áp lực kiểu như “cưới em thì phải chấp nhận a, b, c…”.

Theo Hạnh Dung, khó nhất trong trường hợp này vẫn là tìm tiếng nói chung giữa các anh chị em. Em có thể trao đổi riêng với từng người trước, để hiểu thêm và cũng để anh chị em thông cảm với mình. Chuyện trái tính trái nết của người già cũng có thời gian thôi. Việc vô ra bệnh viện, anh chị em có thể luân phiên nhau đảm trách. Việc chăm sóc ở nhà mình có thể thuê người phụ thêm... Tất nhiên khi nhà có người bệnh thì vất vả, nhưng chung tay là được, đừng ai đổ hết trách nhiệm lên ai. Chúc em giữ gìn được hạnh phúc của mình, và trọn lòng với những ngày cuối đời của ba mẹ.

Hạnh Dung (hanhdung@baophunu.org.vn)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI