Giàu lòng trắc ẩn, lắm nguy cơ?

23/12/2015 - 11:35

PNO - Dạy con tốt bụng không phải để được khen hoặc mong được trả ơn nhưng phải biết giữ mình...

Những ngày gia đình tôi mới chuyển nhà qua Q.4, TP.HCM, lạ nước lạ cái nhưng con gái tôi, năm tuổi, đã kịp làm quen với một bà lão sống một mình trong túp lều chật hẹp được che chắn bằng những tấm bạt quảng cáo. Bà chắc cũng phải 80 tuổi, mắt mờ chân run nhưng vẫn ngày ngày phơi cơm bán kiếm sống.

Những khi có cơm thừa, con thường xin phép tôi mang sang bà. Sau mỗi lần như thế, con lại kể những câu chuyện xót lòng về bà trong tuổi già hẩm hiu, bệnh tật, nghèo khó. Sau đó, có người mách, tôi mới biết con thường nhịn tiền ăn sáng để cho bà.

Hỏi lý do, con hồn nhiên kể lại lời bà dặn: “Cháu cho cơm, bà cảm ơn nhưng lần sau cháu mang cả tiền cho bà để bà mua thuốc uống cháu nhé!”. Tôi nghe bực mình nhưng nghĩ lại số tiền ấy chẳng đáng, vả lại không dễ gì để vun đắp lòng nhân ái cho con, nên không khiển trách. Chỉ dặn con có cho tiền bà thì nên hỏi ý kiến mẹ.

Một lần, con sang bà, chạy về mếu máo, kể: “Cái ly nhà bà bị nứt sẵn, con chỉ đụng nhẹ là bể, vậy mà chú kia bắt con đền tiền”. Nhận thấy gia đình bà có ý muốn lợi dụng, tôi ngăn con đừng nên qua bà nữa nhưng chưa biết phải nói lý do nào cho phù hợp. Thỉnh thoảng, con vẫn xin phép tôi sang thăm, giúp đỡ bà vì “bà tội nghiệp lắm, bà mong con qua lắm!”.

Giau long trac an, lam nguy co?
Ảnh mang tính minh họa

Hai tuần trước, có một ông già chân bị bó bột, tay thoa đầy thuốc đỏ, ngồi co ro ăn xin trên đoạn đường tôi chở con đi học. Hình ảnh thảm thương đập vào mắt khiến con động lòng trắc ẩn, giục tôi dừng xe lại, hỏi han và biếu ông ít tiền. Con cứ nhắc đến ông với tâm trạng bùi ngùi, thương cảm. Con còn mua sẵn bịch bông gòn để trong cặp, hờ gặp sẽ biếu ông để lau vết thương.

Cuối tuần, trong một lần đi giao hàng cho khách ở Q.Gò Vấp, tôi tình cờ gặp chính ông già này ở quán hủ tíu trong tình trạng... hoàn toàn lành lặn, đi đứng bình thường. Ngỡ đâu nhờ những đồng tiền hỗ trợ của người đi đường, trong đó có mẹ con tôi, ông đã khỏi bệnh, nào ngờ sáng hôm sau, ông lại ngồi co ro trên cầu, chân bó bột và tay đầy thuốc đỏ. Thấy ông, con tôi lại giục: “Mẹ dừng xe, con xuống biếu ông bịch bông gòn và hỏi ông đã khỏe hơn chưa”.

Tôi chẳng biết làm sao. Duy trì lòng tốt của con khác nào dung dưỡng cho những kẻ gian ngoa, giả trá mà lật tẩy ông già sao khỏi đánh mất niềm tin hồn hậu và non nớt của con trước cuộc đời này? Tôi đành hoãn binh với con: “Thôi. Giờ mẹ bận lắm, để mai mốt tính!”.

Lệ Hằng (Q.4, TP.HCM)

Nguyễn Hải Nga (sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM): Tốt nhất, chị nói thẳng để con chị ngừng ngay việc này lại. Những kẻ được cháu làm phúc chưa chắc đã nghèo khổ, thậm chí có thể còn khấm khá hơn bao gia đình lương thiện khác.

Bảo với trẻ con về bộ mặt thật của những kẻ lợi dụng kể cũng hơi tàn nhẫn. Tốt hơn nên giải thích cho cháu bằng nhiều cách, rằng tiền con đem “cho không” người ta chính là tiền “xương máu” của ba mẹ. Cha mẹ không phải đại gia, càng không phải cỗ máy in tiền.

Sinh ra ở đời mỗi người một phận, con không thể lúc nào cũng hăng hái giúp đỡ người dưng được. Những người “nghèo khổ” kia phải tự mình phấn đấu, không ai giúp họ cả đời. Mình không xin xỏ ai nhưng cũng đừng tùy tiện đem bố thí lung tung. Chỉ nên tham gia đóng góp những đợt vận động của trường, lớp hoặc tổ chức từ thiện đáng tin cậy.

Nguyễn Anh Hòa (nhân viên tư vấn bảo hiểm, Q.3, TP.HCM): Tôi nghĩ chị nên kể rõ ràng, rành mạch những gì tai nghe mắt thấy về ông lão ăn xin để theo dõi phản ứng của cháu (chị đừng tỏ thái độ khi kể). Sau đó, khi đi một mình, không chở bé, nếu thấy ông ngồi, chị hãy ghé đề nghị ông chấm dứt hành vi lọc lừa ấy. Lắng nghe ông chia sẻ hoàn cảnh để chị có thể tác động, giúp đỡ trong khả năng. Cho ông biết chị sẽ báo công an nếu ông còn tái diễn. Về sau, nếu cháu còn nhắc đến ông già, chị kể tiếp những việc chị đã làm rồi hỏi ý kiến cháu và đồng hành với cảm xúc, suy nghĩ, mong muốn của cháu.

Hoàng Hương (thợ may, xã Đa Phước, H.Bình Chánh, TP.HCM): Năm tuổi, con đã có thể hiểu đúng nhiều thông điệp. Điều quan trọng là người mẹ sẽ giảng giải, truyền câu chuyện thực tế đó như thế nào để con có thể tiếp nhận mà không bị “sốc”. Quan niệm của tôi là dần dần dạy con hiểu đúng bản chất muôn mặt của cuộc sống. Qua đó, con sẽ tập luyện khả năng phân tích, biết phân biệt tốt xấu và lớn lên một cách đầy tự tin.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI