Giật mình với thuốc diệt côn trùng dùng vô tội vạ

04/10/2018 - 06:00

PNO - Thuốc không cần nhãn mác, xuất xứ; càng độc, diệt côn trùng càng nhanh càng được ưa chuộng.

Thuốc càng mạnh bán càng nhanh

Liên quan vụ ba người tử vong một cách kỳ lạ khi lưu trú tại một khách sạn ở TP.Đà Nẵng, đến nay cơ quan điều tra chưa công bố nguyên nhân có liên quan đến vụ “xịt côn trùng” hay không, nhưng vụ việc khiến nhiều người giật mình khi nhớ lại cách sử dụng hóa chất diệt côn trùng lâu nay. 

“Phòng trọ ẩm thấp nên có rất nhiều kiến chui lên nền nhà, cắn lũ trẻ. Mình đã mua bình xịt côn trùng về xịt nhưng không ăn thua. Hỏi thăm mấy người ở trọ chung, họ chỉ ra chợ mua thuốc diệt kiến loại cực mạnh. Đúng là sau khi dùng loại thuốc đó thì kiến chết sạch”, chị Hồng, công nhân may ở khu vực giáp ranh TP.HCM - Bình Dương, chia sẻ.

Giat minh voi thuoc diet con trung dung vo toi va
Người phụ nữ bán túi thuốc diệt côn trùng không nhãn mác với giá chỉ 35.000 đồng

Chị Hồng cho biết, loại thuốc diệt kiến chị mua ở chợ gần nhà là thuốc dạng bột, màu nâu đựng trong bịch ni-lông, giá chỉ mấy chục ngàn đồng. Cách dùng khá đơn giản, trộn bột này vào thức ăn rồi rải những chỗ có tổ kiến, kiến ăn vào chết sạch. Đây là cách nhiều công nhân ở những khu phòng trọ ẩm thấp hay sử dụng để diệt côn trùng như kiến, gián, mối. Hầu hết họ không quan tâm thuốc do ai sản xuất, có nguy hại đến sức khỏe hay không. Đến khi theo dõi thông tin vụ tử vong kỳ lạ ở Đà Nẵng, nhiều người mới giật mình.

“Giờ nghĩ lại mới thấy lo. Hồi đó, mình quên mất chuyện dùng thuốc diệt kiến như thế lỡ mấy đứa nhỏ không biết, bốc phải thức ăn tẩm thuốc thì sẽ ra sao”, chị Hồng nhớ lại.

Trong vai khách hàng, chúng tôi dễ dàng tìm được những cửa hàng bán thuốc diệt côn trùng trên địa bàn TP.HCM. Điều đáng nói là người bán cũng không quan tâm đến nhãn mác, xuất xứ. Một số người cho biết, họ mua thuốc diệt côn trùng ở chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM). Chúng tôi đến chợ Kim Biên và nhận thấy ở đây có vô số loại thuốc diệt côn trùng, trong đó có cả loại màu nâu không nhãn mác mà nhiều công nhân hay sử dụng.

Chiều 1/10, khi chúng tôi ghé vào cửa hàng bên hông chợ Kim Biên và hỏi mua thuốc diệt côn trùng loại “mạnh”, ông chủ cửa hàng liền xách ra chai nước màu đen có đề chữ “nguy hiểm”, rồi giới thiệu: “Loại này người ta hay mua xịt trong nhà, có mùi hơi hôi nhưng chỉ cần dùng một lần là côn trùng chết sạch, giá chỉ có 45.000 đồng/chai”.

Dù quảng cáo thuốc “siêu mạnh” nhưng khi chúng tôi hỏi về độ độc hại của hóa chất này thì người bán trấn an: “Không sao hết, nó rất an toàn”. Thế nhưng, chúng tôi thấy trong chai thuốc này có chất Propoxur - chất gây ức chế không hồi phục men Cholinesterase ở động vật (kể cả người).

Theo các tài liệu khoa học, khi Cholinesterase bị ức chế, hệ thần kinh tự chủ sẽ hoạt động quá mức và không kiểm soát dẫn đến tử vong. Người bị ngộ độc Propoxur sẽ bị ngất xỉu, tụt huyết áp, khó thở, tím tái, đau bụng... Nạn nhân sẽ tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời.

Tại một cửa hàng khác ở chợ Kim Biên, khi chúng tôi hỏi mua thuốc diệt mối, một phụ nữ khoảng 40 tuổi lấy ra hai chai thuốc có nhãn màu xanh để chúng tôi lựa chọn. Thấy chúng tôi chê đã dùng các loại hóa chất này nhưng không hiệu quả, chủ cửa hàng nói: “Đúng rồi, loại này chỉ xịt chơi thôi, còn muốn diệt tận gốc phải mua loại bột”. Dứt lời, bà chủ cửa hàng cho nhân viên lấy ra một túi bột màu hồng nhỏ bằng ba ngón tay, không nhãn mác và giới thiệu: “Đây là thuốc mạnh, rắc trực tiếp lên chỗ có mối hoặc pha nước bơm cũng được”. Chủ cửa hàng còn dặn: “Cứ dùng đi, không có mùi hôi đâu mà lo. Một gói nhỏ 35.000 đồng nhưng dùng được nhiều lần. Khi nào có mối thì lấy ra phun”. 

Tại cửa hàng này có rất nhiều loại thuốc diệt côn trùng không nhãn mác. Bà chủ cửa hàng còn cho biết, thường xuyên bỏ sỉ loại thuốc bột cho các công trình, nhà kho, vì thuốc bột rẻ, sử dụng trên diện tích rộng và diệt côn trùng tận gốc. Khi hỏi về độ an toàn của loại hóa chất này, bà chỉ ậm ừ: “Nó ít hôi hơn mấy loại bình xịt”.

Quản lý lỏng lẻo, tác hại khó lường

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù có rất nhiều công trình xây dựng ở TP.HCM sử dụng một lượng lớn hóa chất để diệt côn trùng như mối, mọt, song các nhà thầu xây dựng không hề quan tâm đến xuất xứ của các loại hóa chất này.

Giat minh voi thuoc diet con trung dung vo toi va
Túi thuốc diệt côn trùng phóng viên mua được ở chợ Kim Biên

Nhiều giám đốc công ty xây dựng thừa nhận họ khoán việc này cho các đơn vị diệt côn trùng và không quan tâm đến các loại hóa chất có ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng căn nhà sau khi hoàn thành hay không. Trong khi đó, theo tiết lộ từ một số công ty xây dựng Nhật Bản, phần lớn các đơn vị diệt côn trùng không đáp ứng được yêu cầu về nguồn gốc hóa chất. 

Kỹ sư của một công ty xây dựng của Nhật có trụ sở tại TP.HCM cho biết: “Các công ty Nhật tuân thủ các quy định về chất lượng công trình rất nghiêm ngặt. Đối với hạng mục diệt côn trùng, bên thực hiện phải cung cấp danh mục hóa chất theo yêu cầu của nhà thầu. Nếu sử dụng các hóa chất không đảm bảo an toàn thì nhà thầu sẽ không ký hợp đồng thực hiện. Chúng tôi đã từng làm việc với một số công ty diệt côn trùng ở TP.HCM và họ không đáp ứng được yêu cầu này”. 

Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, cho rằng tình trạng sử dụng hóa chất diệt côn trùng hiện nay chưa được kiểm soát. Ví dụ như ở công trình xây dựng, khi họ dùng hóa chất diệt mối, mọt thì không đơn vị quản lý nhà nước nào biết được đó là hóa chất gì, mức độ độc hại ra sao. Ở những nơi khác cũng vậy, khi họ sử dụng hóa chất diệt muỗi, ruồi cũng không ai biết được những chất đó có ảnh hưởng - gây hại đến sức khỏe người dân hay không. Trong khi đó, ruồi, muỗi rất dễ mang theo lượng hóa chất độc hại di chuyển khắp nơi nên hiện nay nhiều nước trên thế giới đã cấm sử dụng hóa chất để diệt ruồi…

“Nói chung, việc sử dụng hóa chất diệt côn trùng ở TP.HCM cũng như cả nước quá tùy tiện, tiềm ẩn những mối nguy hại lớn cho sức khỏe người dân”, tiến sĩ Thuận cảnh báo.

Tiến sĩ Đặng Chí Hiền, Viện Công nghệ hóa học - Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, nhận định hiện nay ở nước ta việc quản lý thuốc diệt côn trùng, thuốc bảo vệ thực vật còn quá lỏng lẻo. Trên thực tế, có chuyện thuốc diệt côn trùng thiếu nhãn mác, thành phần thuốc có chất độc hại bị cấm, không được kiểm định nhưng vẫn len lỏi vào nước ta bằng đường tiểu ngạch. Đơn vị quản lý giám sát yếu kém dẫn đến các loại thuốc này đến tay người tiêu dùng gây hậu quả như ngộ độc dẫn đến tử vong hay ngộ độc tập thể. 

Lâu dài có thể gây biến đổi cấu trúc gen

Tiến sĩ Đặng Chí Hiền bày tỏ lo ngại: “Dân mình không phải ai cũng có ý thức, kiến thức không đủ, vì cái lợi trước mắt chứ không nghĩ lâu dài. Tôi đi đến nhiều vùng nông thôn thấy họ nấu rượu rồi dùng đũa chấm thuốc pasudin nhúng vào để nước rượu trong hay trái cây sắp chín họ phun thuốc để côn trùng không đến. Cái này mà ta ăn vào người thì quá nguy hại.

Ở nước ngoài, để kiểm soát mật độ côn trùng, người ta dùng kỹ thuật mới dẫn dụ côn trùng vô bẫy, chứ không ai phun thuốc diệt côn trùng tràn lan như mình. Chất dẫn dụ có thể theo cơ chế sinh học hoặc sinh lý. Nhưng ở mình, để diệt côn trùng cứ phun thuốc vô tội vạ, côn trùng chết đã đành nhưng phun kiểu đó người cũng tiêu luôn. Trường hợp nhẹ không ảnh hưởng trực tiếp, nhưng về lâu dài thuốc diệt côn trùng có thể gây biến đổi cấu trúc gen và gây bệnh cho con người”.

Cả nhà ngộ độc vì ăn trái cây có thuốc diệt côn trùng

Mới đây, vợ tôi có đem về một chùm nho để trong tủ lạnh. Đi làm về, tôi lấy nho ra ăn, vợ con tôi cũng ăn cùng. Sau khi ăn, tôi thấy chóng mặt, nôn ói, riêng vợ và con tôi thì bị nặng hơn, phải nhập viện điều trị. Sau đó, tôi kiểm tra lại mới biết chùm nho có xịt thuốc diệt côn trùng nhưng vợ tôi chưa rửa. Qua vụ việc này, tôi mong mọi người nên cẩn thận khi ăn trái cây, vì hiện nay người trồng thường phun các loại thuốc để phòng ngừa côn trùng tấn công. Tốt nhất nên rửa sạch trái cây bằng nước muối trước khi ăn.  

Dương Lam (Q.8, TP.HCM)

Sơn Vinh - Trung Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI