Giật mình với sở hữu trí tuệ

07/10/2015 - 07:28

PNO -  Sở hữu trí tuệ là một nội dung lớn mà 12 quốc gia trong TPP đã thống nhất các quy định, nguyên tắc, hành vi xử sự cũng như cách xử lý.

Giat minh voi so huu tri tue
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

TPP đã được ký kết, Việt Nam là thành viên của sân chơi đặc biệt này với rất nhiều lợi ích về khả năng phát triển ngành nghề lẫn tiêu thụ sản phẩm, nhưng cũng rất biện chứng khi phải đối đầu với không ít khó khăn thử thách trong sự sánh vai này.

Ở đây không có nâng đỡ, không có ưu ái mà phải sòng phẳng đua tranh với nhau. Sở hữu trí tuệ (SHTT) là một nội dung lớn mà 12 quốc gia trong TPP đã thống nhất các quy định, nguyên tắc, hành vi xử sự cũng như cách xử lý. Với một đất nước như Việt Nam thì đây là một thử thách rất lớn.

Dù Luật SHTT ban hành cách đây đã tròn 10 năm nhưng là quá trễ so với hầu hết các quốc gia khác trong TPP. Trong 10 năm qua, ta làm được rất nhiều việc trong lĩnh vực SHTT nhưng vẫn còn chệch choạc và chưa đi vào khuôn khổ cần thiết.

Nói cách khác, não trạng của một bộ phận lớn người dân trong xã hội vẫn chưa ý thức được sự quan trọng của SHTT, trừ các trường hợp có liên quan trực tiếp đến các quyền, lợi ích ở góc độ bị xâm hại hoặc gây ra thiệt hại và bị truy cứu.

Rõ ràng, với TPP thì ta không còn “đóng cửa bảo nhau” nữa, mà phải đối diện với việc bị xử lý ngay vi phạm nếu xâm hại đến quyền SHTT của người/tổ chức khác, dù đối tượng này ở cách nửa vòng trái đất.

Ai cũng biết, các phần mềm ứng dụng trong máy tính có tỷ lệ sử dụng “chùa” rất cao từ các tổ chức, doanh nghiệp đến cá nhân tại nước ta. Nay, lần lượt từng đối tượng sẽ bị “sờ gáy” dù ở chân trời góc bể nào, bởi khi người tiêu dùng sử dụng phần mềm lậu ấy, nhà sản xuất có thể truy tìm chính xác vị trí từ địa chỉ của máy tính được xác định (IP).

Chỉ còn cách phải sở hữu hợp pháp, tức phải tốn tiền mua, thì tài sản ấy mới chính danh. Vấn đề đặt ra là, chi phí sẽ tăng. Không chỉ từng cá nhân phải tốn kém mà các tổ chức, doanh nghiệp cũng phải gia tăng chi phí hoạt động, chi phí đầu vào của sản phẩm, vì thế mà phải gánh nặng thêm.

Tương ứng với những thử thách ấy thì các sản phẩm có quyền SHTT của ta sẽ được bảo hộ ở mức cao nhất, cả trong lẫn ngoài biên giới Việt Nam, trong phạm vi các quốc gia là thành viên của TPP. Chúng ta cũng được hưởng các quyền được bảo hộ và được xử lý các đối tượng vi phạm một cách chuẩn mực theo pháp luật chung.

Tuy nhiên, nhìn chung phần “thu lại” này sẽ ít hơn phần “mất”, do “quy mô” xâm phạm SHTT của ta lớn hơn nhiều phần bị xâm phạm.

Điều này có nghĩa, ta phải thay đổi trong tư duy về sử dụng những sản phẩm SHTT và cần phải tuân thủ nghiêm ngặt, đưa vào giá thành sản xuất để tính đúng, tính đủ chứ không thể duy trì não trạng về sự luồn lách, tận dụng một cách nghiệp dư mà quá lâu rồi ta đắm chìm trong môi trường ấy.

Luật sư Nguyễn Thành Công - Công ty Đông Phương Luật, TP.HCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI