Mua mấy ổ bánh mì, tốn phí ship cả trăm ngàn đồng
Chị Mai (ở Q.4) đặt mua 15 ổ bánh mì ở Q.1, được người bán báo phí ship 95.000 đồng. Khi chị phàn nàn giá cước cao hơn cả giá bánh mì, người bán dường như cũng ái ngại nên mong chị thông cảm và giải thích rằng do đang là lúc cao điểm, tiệm không có lựa chọn nào khác nên nếu khách đồng ý thì giao, không thì khách hủy đơn hàng. Chị Mai cho biết chị cần bánh mì nên đồng ý mua, nhưng tìm trên 2-3 app vẫn không có người chuyển hàng (shipper) nào chấp nhận đơn. Chờ lâu sốt ruột, chị phải vào phần gửi tiền “cộng thêm” cho shipper 20.000 đồng, mới có shipper đồng ý giao hàng.
|
Việc phí ship tăng quá cao, thời gian giao hàng chậm ảnh hưởng lớn đến cả người mua hàng lẫn người bán hàng online - ẢNH: Q.THÁI |
Không chỉ người mua mà nhiều chủ bán hàng online cũng “đau đầu” về việc phí ship tăng cao khiến khách hủy đơn liên tục. Chị Ngọc - chuyên kinh doanh bánh ngọt ở Q.8 - cho biết, cùng một điểm nhận nhưng giá cước giao hàng thay đổi liên tục. Có đơn hàng từ Q.8 giao qua Q.1 kèm chung đơn hai khách (thường cộng thêm cước), giá cước mà dịch vụ Ahamove tính hôm trước là 90.000 đồng, nhưng hôm sau lại “nhảy lên” 135.000 đồng/đơn.
“Phí cước tăng cao quá nên nhiều khách hủy đơn khiến lượng đơn hàng bán qua app giảm hơn 50%. Đặt chế độ giao chậm thì shipper không nhận. Với những đơn đặt số lượng bánh nhiều, tôi chia sẻ bớt phí ship với khách, mỗi bên trả 50%. Tôi dùng cách này để giữ khách quen chứ tính ra như vậy không còn lời” - chị Ngọc chia sẻ. Nhiều chủ hàng khác cho biết, trước đây, phí giao hàng từ Q.Gò Vấp đến TP.Thủ Đức khoảng 45.000 đồng, nay tăng lên 95.000 đồng. Để bán được hàng và giữ khách, họ cũng đành phải chấp nhận chia sẻ 30 - 50% phí ship với khách.
Chúng tôi đã thử đặt một đơn hàng sữa chua ship từ Q.4 qua Q.Gò Vấp, chủ cửa hàng báo giá combo 10 hũ 150.000 đồng, cộng phí ship 100.000 đồng; mua combo 20 hũ 300.000 đồng thì phí ship giảm còn 50.000 đồng. Nghe chúng tôi phàn nàn giá cước quá cao, người bán giải thích: “Đặt giao hàng qua app, họ tính bao nhiêu thì cửa hàng báo vậy. Có lúc từ sáng đến chiều không tìm được shipper giao hàng. Những đơn giao gần, giao chậm đều không có shipper nhận giao, cửa hàng buộc phải đặt giao nhanh nên phí cao, lúc cao điểm còn tăng gấp đôi”.
Một số người đặt app nhận hàng từ bạn bè, người thân cũng ngao ngán vì phí giao dù chỉ vài bó rau, mớ cá cao ngất. Anh Thái (Q.Bình Thạnh) than: “Bạn tôi gửi cho ít rau, tôi đặt Grab nhận hàng từ Q.3 giao về Q.Bình Thạnh mà phí ship tới 76.000 đồng, trong khi trước đây chỉ khoảng 40.000 đồng”. Chị Hoa (Q.Bình Tân) kể, mới đây, chị đặt Grab nhận hàng từ quê gửi lên, nhưng tài xế nghe nói nhận hàng từ nhà xe, liền hủy đơn với lý do là nhà xe bắt tự vào tìm hàng, tốn nhiều thời gian.
Phí cước giao hàng tăng 150 - 200%
Hầu hết các đơn vị cung ứng dịch vụ giao hàng xác nhận, phí cước giao hàng trong thời gian giãn cách xã hội tăng cao do việc nhận, giao hàng của shipper khó khăn, tốn thời gian hơn. Đặc biệt, những đơn hàng mà bên nhận ở khu cách ly, phong tỏa, shipper phải chạy theo lộ trình ngoằn ngoèo, tốn xăng và mất thời giờ. Nhiều shipper hủy nhận đơn đối với những cung đường có nhiều chốt chặn, đơn ở khu cách ly, khu phong tỏa, đơn phải vào siêu thị, nhà xe lấy hàng…
Chưa kể, một lượng lớn shipper phải tạm nghỉ việc, một số bị cách ly hoặc ở trong khu phong tỏa dẫn đến thiếu hụt shipper. Các đơn vị cho biết, họ buộc phải tăng cước phí giao hàng để khuyến khích shipper làm việc và hạn chế tình trạng shipper hủy đơn. Theo mức thỏa thuận, shipper nhận 80% trên phí cước, đơn vị làm dịch vụ hưởng 20%.
|
Nhu cầu vận chuyển hàng tăng rất cao trong khi lượng shipper giảm khiến cước phí tăng cao Ả NH: LINH LINH |
Ông Phan Tường Bách - Giám đốc vận hành Ahamove - cho biết, mức tăng phí cước giao hàng tùy vào thời điểm. Vào cao điểm, thiếu shipper, phí cước có thể tăng từ 150 - 200%. Việc tăng phí nhằm cân bằng giữa nhu cầu khách hàng và quyền lợi shipper trong tình hình dịch bệnh.
Theo ông, dù Ahamove đã tăng lượng shipper lên gấp ba lần (riêng ở TP.HCM có khoảng 10.000 shipper/ngày), vẫn không đủ tài xế để đáp ứng số lượng đơn hàng tăng cao. Nhiều shipper cũng ngại ra đường, tài xế phải tự trả phí xét nghiệm, bị chặn ở chốt khi đang giao hàng, đối mặt với rủi ro, nguy cơ dịch bệnh nên nếu giá cước thấp quá thì shipper không nhận vận chuyển hàng, càng khó cho người mua hàng.
“Do nhu cầu giao, nhận hàng tăng cao, lượng shipper giảm nên giá cước tăng cao. Có thời điểm, lượng đơn hàng tăng đến 300%, không đủ tài xế nhận đơn. TP.HCM hiện có khoảng 100.000 đơn/ngày. Khi nhu cầu thị trường giảm, tài xế đủ thì cước phí sẽ bình ổn trở lại” - ông Phan Tường Bách giải thích.
Đại diện Gojek cũng nêu lý do tương tự khiến phí giao hàng tăng: “Hệ thống Gojek ghi nhận mỗi ngày có hàng chục ngàn đơn hàng, tăng 5-6 lần so với trước lúc giãn cách. Lượng shipper lại giảm, việc nhận hàng, vận chuyển đều tốn nhiều thời gian hơn trước nên phải tăng giá cước để vừa đảm bảo quyền lợi của tài xế, vừa đáp ứng được đơn hàng của khách”.
Để khuyến khích shipper làm việc, với mỗi đơn hàng GoFood và GoSend, tài xế Gojek sẽ được cộng thêm 5.000 đồng, không phụ thuộc vào hiệu suất hoạt động. Đơn vị này cũng hỗ trợ 200.000 đồng/ngày đối với các tài xế chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19 (F0 hoặc F1 được yêu cầu cách ly tập trung theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền) và hỗ trợ thu nhập 150.000 đồng/ngày cho tài xế thực hiện đơn hàng giao đồ ăn trực tuyến GoFood. Theo đại diện Gojek, các chính sách này nhằm tạo điều kiện cho các tài xế yên tâm hơn khi duy trì hoạt động, đồng thời đảm bảo có một lượng tài xế hợp lý nhằm đáp ứng các nhu cầu giao hàng và đặt đồ ăn trực tuyến ngày càng tăng.
Dịch vụ đi chợ hộ ưu đãi cước phí
Riêng dịch vụ giao hàng của các siêu thị, sàn thương mại điện tử, dịch vụ giao hàng chậm gom đơn, đi chợ hộ… không tăng cước phí. Hầu hết các siêu thị đều áp dụng chính sách miễn phí giao hàng cho khách trong bán kính 10 - 15km, sàn thương mại điện tử cũng giảm giá ship.
Đại diện sàn thương mại điện tử Shopee cho biết, đơn vị này hợp tác với Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) triển khai chương trình trợ giá hàng tiêu dùng cho người dân. Theo đó, khi mua sắm trên gian hàng Co.opmart của Shopee, ngoài hưởng chính sách ưu đãi giá đặc biệt cho các sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu, người mua còn được Shopee miễn phí vận chuyển qua dịch vụ NowShip tới 40.000 đồng kèm nhiều mã giảm giá khác của ShopeePay.
“Thông qua dự án ShopeeFarm, chúng tôi cũng tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản địa phương, đồng thời giới thiệu đến người dùng các mặt hàng trái cây địa phương có chất lượng như mận hậu và xoài tròn Yên Châu, Sơn La, vải thiều Bắc Giang, dừa xiêm, bưởi da xanh, sa-pô-chê, sầu riêng, mít Tiền Giang, nhãn lồng Hưng Yên với giá ưu đãi đặc biệt, giao hàng miễn phí ngay trong ngày” - đại diện Shopee cho hay.
Đại diện MM Mega Market cũng cho biết, nhờ có đội ngũ giao hàng riêng và hợp tác với một số đơn vị vận chuyển nên phí dịch vụ này tương đối ổn định. Dịch vụ giao hàng miễn phí được áp dụng trong bán kính 10km kèm điều kiện là các đơn có mặt hàng thực phẩm tươi sống, giá trị hóa đơn tối thiểu 500.000 đồng hoặc đơn không bao gồm mặt hàng thực phẩm tươi sống có giá trị hóa đơn tối thiểu 200.000 đồng. Nếu khách ở xa hơn 10km, đơn vị này sẽ tính thêm phí vận chuyển với từng km tăng thêm và thay đổi theo từng khu vực. Nhân viên chăm sóc khách hàng sẽ liên hệ và trao đổi với khách hàng về phần chi phí giao hàng phát sinh.
Theo đại diện app gọi xe Be, vào cao điểm, đơn vị này nhận được yêu cầu về giao hàng và đi chợ hộ tại TPHCM tăng gấp 10 lần mỗi khung giờ so với mức trung bình của các ngày gần kề trước đó. Lượng yêu cầu tăng cao khiến tài xế phải hoạt động tối đa công suất. Bên cạnh đó, các chuyến giao hàng trong giai đoạn này thường có lộ trình dài hơn thông thường, dẫn đến thời gian hoàn thành mỗi đơn hàng lâu hơn so với trước đây. Để đáp ứng nhu cầu tăng cao, phía Be đang nỗ lực khuyến khích tài xế tăng thời gian phục vụ khách hàng, đồng thời cân đối nguồn cung tài xế từng khu vực theo nhu cầu thị trường.
Nguyễn Cẩm