Nếu đứng ở đường Nguyễn Văn Linh hay những tuyến đường mới ở phía nam TP.HCM, ta sẽ cảm nhận độ rung mặt đường lớn hơn khi đứng ở Quốc lộ 1 hay các tuyến đường ở phía bắc TP.HCM. Đây là cách đơn giản nhất để nhận thấy sự khác biệt về độ nén chặt của nền đất ở hai đầu thành phố. Phía nam vốn trũng thấp hơn phía bắc nên bên dưới những khu đô thị mới hình thành là lượng cát san lấp khổng lồ. Từ đây, nếu truy ngược về đường đi của cát, sẽ giật mình bởi đủ các mối lo.
Cát biển cũng bị hút trộm
Ngày 11/1, kiểm tra một vựa cát ở đường Gò Nổi, P.Phú Hữu, Q.9, TP.HCM, tổ công tác của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP.HCM (PC05) phát hiện hơn 400m3 cát đang được bơm lên từ sà lan (mang biển kiểm soát của tỉnh Long An) không có chứng từ chứng minh nguồn gốc. Việc kiểm tra các vựa cát đang được tăng cường sau thời gian rộ lên tình trạng khai thác cát trái phép ở vùng biển Cần Giờ, H.Cần Giờ, TP.HCM.
Phương tiện khai thác cát trái phép bị bắt giữ ở vùng biển Cần Giờ - Ảnh: CTV
|
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, trung tá Võ Văn Hữu - Trưởng phòng PC05 cho biết, trong năm 2018, trên vùng biển Cần Giờ xảy ra nhiều vụ khai thác cát trái phép với số lượng và quy mô ngày càng lớn. Bộ đội biên phòng và cảnh sát đường thủy đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ dùng tàu lớn và thiết bị hút cát hiện đại. “Cát sau khi khai thác trái phép ở vùng biển Cần Giờ được bán cho những công trình có nhu cầu san lấp mặt bằng.
Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng cát ở biển được tẩy rửa, trộn lẫn với cát sông để làm vật liệu xây dựng công trình. Hiện PC05 đang tập trung xử lý các vụ khai thác cát trái phép do cảnh sát đường thủy chuyển sang, đồng thời cũng kiểm tra, xử lý các điểm buôn bán cát có nguồn gốc bất hợp pháp” - trung tá Hữu thông tin thêm.
Ông H. - giám đốc một công ty xây dựng nhà phố ở khu vực phía nam TP.HCM - cho rằng, tình trạng khai thác trái phép cát biển Cần Giờ cho thấy, cát san lấp đang khan hiếm: “Cát san lấp cho khu vực TP.HCM phần lớn được vận chuyển từ đồng bằng sông Cửu Long, là cát tận thu ở những công trình nạo vét luồng sông. Khi các dự án nạo vét bị siết lại, sẽ xảy ra khan hiếm cát. Khi quá khan hiếm, chủ vựa mới dùng tới cát nhiễm mặn như ở biển Cần Giờ”. Theo ông H., cát xây dựng ở TP.HCM chủ yếu lấy từ khu vực sông Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai) và hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh).
|
Theo lãnh đạo Công an TP.HCM, phần lớn cát san lấp ở TP.HCM không có nguồn gốc hợp pháp - Ảnh: Hoàng Nhiên |
Kỹ sư Vũ Quang Hoài - nguyên phó giám đốc một công ty kiểm định thuộc Bộ Xây dựng - cho biết, cát ở vùng biển Cần Giờ là cát nhiễm mặn nên rất nguy hiểm nếu san lấp hay làm vật liệu xây dựng.
Cát sông cạn, nuốt trôi hàng chục héc-ta đất
Những ngày đầu tháng 1/2019, trở lại khu vực từng có những mỏ cát đẹp trên sông Tắc, giáp ranh giữa Q.9, TP.HCM với tỉnh Đồng Nai, tình trạng khai thác cát trái phép không còn “nóng” như trước, nhưng người dân địa phương vẫn rất e dè, không dám dùng ghe chở chúng tôi đi thực tế.
Nhu cầu xây dựng càng cao, cát lậu càng nhiều
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát đường thủy TP.HCM, trong năm 2018, đơn vị này phát hiện gần 30 vụ khai thác cát trái phép tại TP.HCM, tạm giữ 58 phương tiện, tịch thu hơn 17.000m3 cát. Bên cạnh đó, chỉ tính từ tháng 10/2018 đến nay, Bộ đội biên phòng TP.HCM cũng phát hiện 8 vụ khai thác cát trái phép ở vùng biển Cần Giờ.
Tại cuộc họp về công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn TP.HCM mới đây, thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an TP.HCM - cho biết, hầu hết các công trình xây dựng ở TP.HCM đều dùng cát san lấp không có nguồn gốc hợp pháp, kể cả công trình sử dụng ngân sách nhà nước. Theo thiếu tướng Phan Anh Minh, hiện nay, TP.HCM không cho khai thác cát, nhưng nếu cho khai thác hết trữ lượng cát, cũng chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thực tế.
|
“Do cơ quan chức năng kiểm tra ráo riết nên họ (những đối tượng khai thác cát lậu) tạm dừng để đối phó, chứ “ăng-ten” của họ còn rải khắp nơi. Ai chở nhà báo đi tác nghiệp là họ biết liền. Bọn này hung dữ, thù dai lắm nên dân ở đây cũng sợ” - một người dân từng chở chúng tôi đi ghi nhận nạn khai thác cát lậu ở cù lao Dừa, bày tỏ.
Q.9 có hơn 22km đường sông, trong đó có nhiều đoạn nằm giáp ranh với tỉnh Đồng Nai nên tình trạng khai thác cát lậu rất phức tạp. Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, trong 8 tháng đầu năm 2017 - thời điểm “nóng” nhất về tình trạng khai thác cát lậu ở khu vực này, Công an Q.9 phối hợp với cảnh sát đường thủy và nhiều lực lượng liên quan tuần tra, phát hiện được 14 vụ khai thác cát trái phép, tịch thu 10 ghe bơm cát, 1 sà lan và 11 phương tiện chuyên chở cát không có hóa đơn, chứng từ.
Trong đó, khu vực cù lao Dừa thuộc P.Long Phước và Long Bình (Q.9) được xác định là “điểm nóng” về sạt lở do khai thác cát trái phép. Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường Q.9, từ năm 2003 đến nay, đã có hơn 40ha đất ở khu vực này bị sụp xuống sông do tác động của nạn khai thác cát trái phép.
Ngoài khai thác cát trái phép, các dự án nạo vét luồng tàu kết hợp với tận thu cát cũng làm cho trữ lượng cát trên sông ở Q.9 bị cạn kiệt. Đơn cử, trong năm 2012, một dự án nạo vét tận thu do Bộ Giao thông Vận tải cấp phép đã nạo vét đến 10 triệu m3 bùn cát ở đoạn từ sông Tắc (Q.9) đến chân cầu Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai), trong đó, lượng cát dùng để làm vật liệu xây dựng chiếm tới 7 triệu m3.
Trước khi có dự án này, đã có hai công ty tổ chức thăm dò và xác định, trữ lượng cát trên sông Tắc rất lớn. Cát ở đây lại nổi tiếng về chất lượng nên các điểm thu mua thường bỏ giá cao hơn cát ở những nơi khác.
Tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở điểm nóng khai thác cát trái phép trên sông Tắc - Ảnh: Hoàng Nhiên
|
Tiến sĩ Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM - cho biết, hơn 5 năm trước, UBND TP.HCM đã có quyết định cấm khai thác cát ở TP.HCM nhằm ngăn chặn nạn sạt lở gia tăng, đồng thời bảo vệ nguồn khoáng sản này. Nhưng do không có thống kê cụ thể để đối chiếu nên không thể xác định được trữ lượng cát sau một thời gian dài cấm khai thác, đến nay còn bao nhiêu, tăng giảm thế nào.
Tiến sĩ Phạm Viết Thuận cho rằng, cần đánh giá đầy đủ về nhu cầu sử dụng cát xây dựng ở TP.HCM để đưa ra phương án cung ứng hợp lý. Ông nói: “Hiện nay, do chưa có vật liệu xây dựng thay thế nên ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, cát vẫn được sử dụng làm vật liệu chính.
Do đó, TP.HCM cần phải đánh giá cụ thể nhu cầu sử dụng cát trong 5 năm, 10 năm, 20 năm tới là bao nhiêu, lấy ở đâu. Nếu cần thiết, có thể cho khai thác cát ở TP.HCM nhưng phải khai thác ở mức hợp lý, bảo vệ cảnh quan môi trường. Nếu không đánh giá đầy đủ về nhu cầu sử dụng và cung ứng để cung cấp nguồn cát hợp pháp, sẽ lại xảy ra tình trạng khai thác cát lậu hoặc lợi dụng nạo vét để khai thác cát”.
Sông ngày càng “rỗng ruột”
Cuối tháng 12/2018, khi đi thực tế tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi nhận thấy, nhiều dự án nạo vét tận thu cát trên sông lớn vẫn hoạt động nhộn nhịp. Tại sông Cổ Chiên (giáp ranh giữa các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre), có thời điểm, cả chục chiếc xáng cạp thi nhau múc cát đổ lên sà lan. Chủ một đơn vị có nhiều sà lan chở cát ở đây cho biết, lượng cát nạo vét trên sông Cổ Chiên nói riêng cũng như trên lưu vực sông Tiền, sông Hậu nói chung chủ yếu cung cấp cho các công trình xây dựng ở TP.HCM.
Tiến sĩ Dương Văn Ni - người có nhiều công trình nghiên cứu về môi trường khu vực đồng bằng sông Cửu Long - cho rằng, cát trên sông cũng giống như bộ xương của con người. Nếu bộ xương này không được bảo vệ thì hình dạng của dòng sông cũng bị thay đổi, dẫn đến tình trạng sạt lở gia tăng. Việc khai thác cát hay nạo vét tận thu cát quá mức sẽ làm cho sông “rỗng ruột”, gây ra những hệ lụy khó lường. Do đó, cần phải nghiên cứu tìm ra những vật liệu xây dựng thay thế dần cát tự nhiên.
|
Trung Thanh