Giật mình vì dụng cụ che ổ điện tưởng an toàn hóa ra lại không

19/12/2017 - 16:30

PNO - Một ông bố - cũng là thợ điện chuyện nghiệp vừa đưa ra cảnh báo về mối nguy hiểm khi sử dụng dụng cụ che ổ điện (DCCOĐ) đã khiến nhiều PH bất ngờ vì trước giờ vẫn nghĩ cách làm này đảm bảo an toàn cho trẻ.

Cảnh báo mới đây của Steve Palmer – một ông bố có năm đứa con và cũng là một thợ điện chuyện nghiệp tại công ty JPS Electrical Services (Anh) trên tờ Manchester Evening News về mối nguy hiểm khi sử dụng dụng cụ che ổ điện (DCCOĐ) đã khiến nhiều phụ huynh bất ngờ vì trước giờ vẫn nghĩ cách làm này đảm bảo an toàn cho trẻ. 

Cụ thể, trẻ có thể rút DCCOĐ ra chơi và loay hoay cắm vào và cắm ngược miếng che này xoay lên trên. Khi DCCOĐ vô tình bị lắp ngược, có thể do người lớn sơ suất, có thể do trẻ nghịch ngợm lắp sai, sẽ làm cho ổ điện bị hở.

Trong trường hợp những đứa trẻ đang chơi đùa, dùng một vật nhọn bằng kim loại hoặc một vật có khả năng dẫn diện đâm vào những lỗ điện đó thì chắc chắn hậu quả sẽ rất khó lường.

Giat minh vi dung cu che o dien tuong an toan hoa ra lai khong
 

Tại các cửa hàng đồng giá của Nhật Bản, Hàn Quốc; các cửa hàng thiết bị điện (Việt Nam) và trên các trang mạng trưng bán đủ loại DCCOĐ với giá chỉ từ 16.000 – 40.000 đồng/10 cái. Phần lớn SP có nguồn gốc Trung Quốc, chất liệu chính là nhựa cứng; chỉ khác hình dạng, màu sắc và loại hai chân, ba chân để dùng cho loại ổ điện có hai lỗ, ba lỗ. 

Tại Việt Nam, nhiều gia đình cũng đang dùng các DCCOĐ với nhiều hình dạng, kích cỡ khác nhau để trẻ không nghịch ổ điện. Tuy nhiên, trên thị trường hiện bày bán rất nhiều sản phẩm (SP) có mẫu mã, xuất xứ, giá cả khác nhau. Theo đó, tính năng, chất lượng SP cũng “thượng vàng hạ cám”.

Đáng nói, dùng DCCOĐ với mục đích tránh cho trẻ nghịch ổ điện nhưng SP lại có hình dạng bắt mắt như: con vật, bông hoa đủ sắc màu. Yếu tố này sẽ “phản tác dụng” khi càng kích thích trẻ tò mò rút DCCOĐ ra khỏi ổ điện để chơi.

Hơn thế, nhiều nơi bán DCCOĐ không có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng rất mơ hồ. Tại cửa hàng thiết bị điện trên đường Nguyễn Trãi (Q.5, TP.HCM), người bán giới thiệu bộ 10 DCCOĐ giá chỉ 16.000 đồng và cho biết “đang giảm giá, giá gốc 23.000 đồng. Chất liệu nhựa ABS cứng cao cấp, bền, chịu nhiệt cao, che khít ổ điện, khó tuột ra...”.

Song, chúng tôi thử cắm vào ổ điện tại cửa hàng thì DCCOĐ rất lỏng lẻo, không che khí ổ điện và dễ dàng rớt ra khi chạm nhẹ vào. Người bán phân bua “do ổ điện xài lâu ngày nên bị rộng ra” (!?). Chưa kể, DCCOĐ không có bất kỳ thông tin nguồn gốc, xuất xứ gì, chỉ được đựng trong bịch ni lông trơn chứa hàng trăm SP giống nhau.

Riêng tại các cửa hàng chuyên bán các SP cho mẹ và bé, DCCOĐ có thương hiệu, xuất xứ rõ ràng (Ý, Đức, Mỹ...) và giá bán cao hơn, từ 160.000 đồng/10 cái. SP bằng nhựa cao cấp, màu trắng; được thiết kế hai chân dẹc, có loại bề mặt bo tròn tránh gây trầy xước cho trẻ.

Với thiết kế chỉ người lớn mới dùng tay tháo, lắp được đơn giản mà không cần bất cứ dụng cụ nào. Khi cắm vào, SP bịt gọn hết ổ điện và có quai gấp lại hoặc chốt chặt an toàn, tránh bé tự ý lấy ra khi chơi và các sự cố chập điện. Trên nhãn SP ghi “SP đạt tiêu chuẩn an toàn của Liên minh Châu Âu”.

Như vậy, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ khi dùng DCCOĐ, chúng ta nên chọn SP có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và SP được thiết kế đơn giản, có màu sắc không quá sặc sỡ tránh gây tò mò cho trẻ. Đặc biệt, SP phải che khít ổ điện, che toàn bộ ổ điện càng tốt và có quai, chốt khóa an toàn để trẻ không tự ý mở ra, cắm vào.

Cùng với cảnh báo trên, Steve Palmer hướng dẫn cách đề phòng mối nguy hiểm cho trẻ từ các ổ cắm điện. Nếu nhà có trẻ nhỏ thì nên cài đặt khóa công tắc. Các khóa này thường vừa vặn với một số công tắc tiêu chuẩn, có thể dùng khá tiện lợi như là một cái khóa để ngăn bé bật tắt các bóng đèn hay các trang thiết bị khác. Mỗi ổ cắm điện trong tầm với của trẻ đều phải có bóng đèn trong đó. Sử dụng loại đèn tự động tắt, mở khi trời sáng, tối cắm vừa vặn vào ổ điện ngăn trẻ tò mò đưa ngón tay vào ổ điện.

Bên cạnh đó, cần tránh sử dụng các dây điện nối dài trong phòng của trẻ bất cứ khi nào có thể, phòng trường hợp trẻ cầm chúng lên nhai hoặc kéo giật dây điện làm cây đèn hoặc các thiết bị điện khác đổ ụp xuống. Dạy cho trẻ ý thức được nước và điện là hai thứ không được tiếp xúc cùng lúc; các thiết bị điện như đài phát thanh và máy sấy tóc không bao giờ được đặt gần bồn rửa mặt hay bồn tắm. Dạy trẻ không bao giờ được chạm vào dây điện bị đứt rời hay dây điện bị hở; không chạm bất kỳ dụng cụ điện nào khi tay còn ướt hoặc đi chân trần trên nền ẩm ướt. Tránh xa những dây điện bị đứt rơi xuống đất, báo cho người lớn khi thấy dây điện bị sờn, hở. Luôn cảnh giác đề phòng trẻ đến gần các phích, ổ cắm điện. Những ổ cắm điện, công tắc phải lắp đặt ở vị trí cao hơn 1m35 để trẻ em không với tới được.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI