Giật mình trước con số trong sổ tiết kiệm của vợ, anh thay đổi và 'nên người' từ đó

14/10/2016 - 11:30

PNO - Nếu chị ỷ lại chồng làm ra tiền, không vì tự ái đàn bà, vì tương lai con cái, chưa chắc họ đã mua nổi căn nhà, chưa chắc anh tôi đã “nên người” như hôm nay.

Anh chậm vợ, nên ba mẹ tôi rầu dữ. Rầu vì anh không biết giữ tiền, chưa hết tháng đã than hết tiền, có khi còn phải vay mượn, mà lương anh đâu phải ít. Mẹ tôi xót tiền, thương con trai phung phí sức khỏe vào những cuộc nhậu nhẹt vô bổ nên luôn mong anh có vợ, mà phải là một cô vợ “cao tay” mới trị được anh.

Ai dè, vợ anh hiền như đất. Gần mười năm đầu chung sống, ngoài tiền bạc đóng góp cho gia đình nhỏ, phần lớn tiền anh làm ra vẫn theo anh suốt hành trình ăn nhậu, đàn đúm. Vợ anh buồn. Hai đứa con nhỏ sinh năm một “quay” chị ốm như sợi chỉ. Chị nói như động viên mình “ráng đợi hai con vào tiểu học, sẽ vực lại nghề may từ thời con gái”.

Giat minh truoc con so trong so tiet kiem cua vo, anh thay doi va 'nen nguoi' tu do
Ảnh mang tính chất minh họa. Internet

Ban đầu, chị nhận hàng gia công quần áo, tỉ mẩn từng chút, tốn nhiều thời gian mà tiền kiếm được quá “hẻo”. Vừa may vừa chuyện nhà, chuyện con cái, chị bị chồng la suốt, “tiền may cả tháng không bằng tôi nhậu một bữa, dẹp đi cho cha con tôi nhờ”. Nhưng, chị vẫn kiên trì. Chị nói, tiền tuy không nhiều nhưng gom góp lại, sẽ thành số tiền lớn; còn hơn anh làm tiền nhiều mà đổ hết ra quán nhậu, chỉ làm giàu cho thiên hạ. Anh bảo, mười năm chung sống, lần đầu tiên anh nghe vợ nói một câu có lý.

Thời con gái, chị dâu tôi vốn là thợ cắt rập quần áo cho một công ty may. Nhờ tay nghề giỏi, bạn hàng tìm đến với chị đông dần. Công việc ngày càng nhiều, chị làm miệt mài, có khi ăn uống qua loa, làm gì cũng tranh thủ, nên hay bị chồng nhắc nhở.

Mặc chồng nói gì thì nói, chị tự nhủ cứ hoàn thành vai trò người con dâu, người vợ, người mẹ trước, công việc có thể làm lấn qua đêm cũng chẳng sao. Sau hai năm bám nghề cắt rập quần áo, một ngày chị chìa trước mắt anh cuốn sổ tiết kiệm với con số khiến anh giật mình. Trong cuộc đời hai mươi năm đi làm với mức lương khá cao, anh chưa từng dành dụm được như thế. Anh bảo, đàn bà khác đàn ông là vậy. Nhưng, mẹ tôi thì nói, không phải đàn bà nào cũng được như thế.

Từ dạo ấy, anh đi làm về sớm, ít la cà hơn. Đêm nào cũng chứng kiến cảnh vợ làm việc có khi tới mười hai giờ khuya mới nghỉ, anh gọi chị là “vợ siêu nhân”. Từ đó, anh tự nhận phần đưa đón con, rửa chén, làm việc lặt vặt trong nhà. Những việc ấy, ban đầu làm chưa quen, nhưng giờ thì anh nhận, anh cũng trở thành “siêu nhân” rồi.

Có những hôm đi nhậu về trễ, nhìn thau chén, anh khất với vợ sáng mai sẽ dậy rửa sớm. Anh nhờ con trai để chuông điện thoại báo thức, đúng 6 giờ là anh lọ mọ xuống bếp. Chị kể, anh thay đổi một trời một vực, không phải vì thấy chị làm ra tiền mà ham, mà vì thấy chị vất vả quá, anh không thể không giúp một tay.

Chị bị bệnh gai cột sống, mỗi đêm anh còn thêm khoản đấm lưng cho vợ. Anh kể vui “Bả dạo này càng làm càng sung, trước khi đi ngủ hay tổng kết kiểu như “hôm nay em kiếm hơn một “chai” đó nghen”, rồi không quên nhắc nhở chồng chi tiêu tiết kiệm để còn mua nhà ra riêng.

Mẹ tôi nghe chuyện, vui lắm, rằng đàn ông là phải thương vợ như thế mới được. Đàn ông tốt còn là tấm gương cho con trai. “Xem ra con Thảo đã “thuần” được thằng Minh rồi”. Bây giờ, trong gia đình hay ngoài xã hội, tiếng nói của anh tôi cũng có giá trị hơn, do anh bớt nhậu nhẹt, bỏ thói mượn tiền ăn chơi, biết quan tâm những người xung quanh…

Mọi việc lớn nhỏ trong nhà, anh giao hết quyền quyết định cho vợ. Anh chị chuẩn bị có ngôi nhà mới, khang trang, là công sức của cả hai, nhưng công đầu chính là của chị. Nếu chị ỷ lại chồng làm ra tiền, không vì tự ái đàn bà, vì tương lai con cái, chưa chắc họ đã mua nổi căn nhà, chưa chắc anh tôi đã “nên người” như hôm nay. Mẹ tôi quý chị như con gái. Anh tôi quý vợ như vàng. Anh thay đổi không chỉ là niềm vui của chị, mà còn là của cả gia đình chúng tôi.

Nguyên Sa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI