Vì yêu nên gắn bó, vì yêu mà vượt nhọc nhằn ở những thời điểm thất bại. Và cũng vì yêu mà tìm tòi, trăn trở, thức khuya dậy sớm, nâng niu từng cành cây, để theo cái nghề mà ai đó bất chợt hỏi, ông đều cười hồn hậu: “Hồi trẻ tôi mê kiểng lắm. Mê nên kiếm cây giống làm từ từ”.
|
Ông Năm Công bên ly trà nóng rôm rả chuyện trò về kiểng tạo hình. |
Những “con thú” bước ra từ vườn kiểng
Những ngày đầu tháng 11 Âm lịch, vườn kiểng Năm Công tất bật hơn mọi khi, từ khách ghé thăm cho đến những người thợ làm vườn. Khách nô nức đặt hàng, ai ghé qua cũng muốn có một cây kiểng thú, kiểng tạo hình đặc biệt trưng trong sân nhà những ngày tết hoặc trang trí cơ quan, vì vậy những người thợ đua nhau làm cho kịp đơn hàng. Đàn ông kẻ vận chuyển cây, kẻ ráp kiểng vào khung sắt, thanh niên thì khuân cây vừa chiết dựng thành hàng, tưới nước, còn phụ nữ thì đôi tay thoăn thoắt dâm cành vừa chiết vào những bọc đất nhỏ.
|
Vườn kiểng tạo hình Năm Công những ngày giáp tết. |
Chí - chàng thanh niên tầm mười tám, hai mươi, vừa dựng cành cây si mới chiết vào hàng rào để giữ cây đứng vững, vừa hát nghêu ngao một đoạn nhạc boléro. Phát hiện đang bị chụp hình, Chí cười giòn giấu mặt vào những hàng cây vừa dựng lên. Người miền Tây bao giờ cũng vậy, hỏi gì cũng chỉ cười cười cho qua. Họ chỉ có thể nói bằng hành động, bằng những con thú kiểng, những “bức tường” cây si dựng nhà mát xanh tươi và đầy chăm chút. 20 người thợ gắn bó với vườn phần đông đều là bà con quanh vùng. Người mới cũng hơn 2 năm, còn người cũ thì hơn chục năm. Tất cả chung tay, chung sức.
Vườn kiểng Năm Công đông khách quanh năm, bởi khách của vườn không chỉ đến từ nhiều tỉnh thành trong nước mà còn ở nhiều nơi trên thế giới như Singapore, Đài Loan, Úc, Mỹ… với đủ yêu cầu từ kiểng thú, kiểng tạo hình đến cây công trình các loại. Tuy nhiên, gần tết Âm lịch vẫn là thời điểm đông vui và nhộn nhịp nhất. Bộ kiểng thú 12 con giáp cũng được đặt hàng nhiều nhất.
Phía sau vườn, ông Năm Công đang tỉ mẩn tỉa và ghép nhánh cây si vào khung sắt hình chú lợn - linh vật của năm Kỷ Hợi 2019. Ở tuổi 72 nhưng đôi tay ông vẫn nhanh nhẹn, khéo léo và chính xác đến từng chi tiết.
|
Chú Sỹ, 49 tuổi, về làm thợ cho vườn kiểng hơn 2 năm nay. |
Không phải ngẫu nhiên người dân miệt này cũng như dân chơi kiểng cả nước đặt cho ông biệt danh “vua cây kiểng" miền Tây. Bởi, ông chính là “cha đẻ” của loại hình kiểng thú, kiểng tạo hình cỡ lớn, khác với kiểng bonsai thường thấy. Ông cũng là người đầu tiên phát hiện ra cây si sở hữu những đặc tính phù hợp với kiểng tạo hình mà giờ đây nhà vườn cả nước tin dùng.
Ông cũng chính là lão nông đầu tiên được mời sang hội chợ cây cảnh tại Đài Loan suốt 10 ngày để giới làm cây cảnh thế giới có thể chiêm ngưỡng những con thú sống động từ đôi tay khéo léo, chuẩn xác. Ông còn làm nhiều, rất nhiều loại kiểng tạo hình khác nữa mà chính ông, khi được hỏi trong một năm làm được bao nhiêu cũng không nhớ hết.
Hơn 50 năm gắn bó với mảnh vườn, ông dành trọn tình yêu và cả cuộc đời cho kiểng tạo hình - cái nghề đưa tên tuổi ông lan khắp chốn, ra tận nước ngoài, nuôi sống cả gia đình và khơi thêm sinh khí cho một vùng quê vốn sống bằng nghề trồng cây, trồng hoa. Hơn 50 năm, những cây kiểng sống động như thật, đủ hình dáng, từ đám thú ngộ nghĩnh như bù xè, kiến vàng, ong mật… cho đến bộ thú 12 con giáp; từ con trâu - linh vật cho SEA Games 23, 11 môn thể thao của SEA Games cho đến chiếc tàu, xe hơi, xe đạp… bước ra từ vườn kiểng Năm Công rồi tỏa đi khắp trong Nam ngoài Bắc, qua Singapore, Đài Loan, sang tận Mỹ và xứ kangaroo xa xôi.
|
Từng người thợ mỗi người mỗi việc. |
Vài năm gần đây, ông Năm còn “sáng tạo” ra mẫu nhà mát, nhà bầu hai mái bằng cây si để các khu du lịch làm nhà hàng, quán ăn. “Hồi xưa lấy thân che kiểng, giờ lấy kiểng che người, như làm mấy cái nhà mình ở vậy” - ông cười.
Lão nông có đôi mắt "nghệ nhân"
Ông Năm mặc vội chiếc áo sơ mi sờn tay dài ra đón chúng tôi vào thăm vườn - những người khách không hẹn trước mà đến - bằng nụ cười hồn hậu, chất phác.
Buổi đầu “khởi nghiệp” với kiểng tạo hình cỡ lớn, ông Năm không dùng cây bùm xụm - vốn được các tiền bối cây kiểng tin dùng vì loài cây này đòi hỏi khả năng uốn rất kỳ công, tốn nhiều thời gian mà kích thước lại giới hạn. Thấy cành mai dẻo, ông bèn thử sức. Năm đầu tiên, đám kiểng tạo hình theo chân cả gia đình lên công viên Tao Đàn vào dịp tết, người người túa ra xem, chỉ trỏ, trầm trồ ngưỡng mộ. Bao nhiêu mô hình làm ra bán hết bấy nhiêu. Ông Năm nhìn đám cây kiểng như những đứa con trưởng thành đi làm đẹp cho đời, ánh mắt rạng ngời.
|
Ông Năm Công đang cặm cụi tạo hình kiểng, chỉ thêm cho những người thợ. Nghe có khách ghé thăm, ông bước vội ra đón. |
Niềm vui chưa lâu thì sang năm thứ 2, cũng chính những cây mai đó khiến ông điêu đứng. Mai chiết cành được 40 ngày, đem ráp vào khung, nâng niu chăm chút từng li từng tí thì bắt đầu “chết không biết bao nhiêu cho xuể”. Ông và người nhà bỏ cơm, bỏ ngủ thay phiên nhau đổi hết nhánh này đến nhánh khác, mai vẫn không ngừng chết. Ông bế tắc, không biết phải làm thế nào.
50 cặp kiểng tạo hình đến giáp Tết chỉ còn được 20 cặp, sát ngày lên phố vẫn tiếp tục chết. Chuyến xe lên phố trĩu nặng. Chuyến xe về quê chìm trong im lặng. Với người yêu cây kiểng như ông, đó còn là một nỗi thất vọng, một nỗi đau như bị phụ rẫy. Năm đó, nhà ông không có tết. “Đợt đó, tui chán quá nên bỏ luôn” - ông trầm ngâm dù lời nhẹ tênh khi nhắc lại.
Nhưng rồi tình yêu với cây kiểng đã thôi thúc ông đứng dậy và đối mặt với thất bại. Ông lại tiếp tục quan sát, tìm hiểu thêm đặc tính của nhiều loại cây. Cây si chính là món quà mà “thần vườn” đã đền đáp tấm lòng kiên trì của ông. Cây phát triển nhanh, dễ sống, bộ lá đẹp, thích hợp với mọi điều kiện thời tiết. Chỉ cần trồng dưới đất 3 năm là có thể chiết và ghép kiểng. “Cây si ghép kiểng hình là số 1” - ông Năm khẳng định. Và ông đã minh chứng bằng vườn kiểng tạo hình mang tên ông, vang danh khắp nơi, giờ đang được người con trai nối nghiệp.
|
Những cây si được bó thành dãy, xếp ngay ngắn làm nhà mát cho khu du lịch. |
Ông Năm tâm sự, khó nhất với kiểng tạo hình không phải ở khâu ghép cây mà là hoàn chỉnh khung sườn. Trong các loại tạo hình, phức tạp nhất là kiểng thú và khó nhất là bộ kiểng 12 con giáp. Bởi lẽ, 12 con thú ấy đã quá quen thuộc trong tâm thức người Việt. Làm thế nào mỗi năm có thể tạo ra hàng trăm con thú khác nhau với kích thước khác nhau, mà không con nào giống con nào, vừa để người xem thoạt nhìn có thể nhận ra ngay vừa thổi vào đó nét duyên dáng, uyển chuyển là một thách thức không hề nhỏ.
Cách duy nhất của ông Năm là “vừa làm mình vừa phải suy nghĩ vừa điều chỉnh”. Chưa giống thì quan sát tỉ mẩn, uốn thêm cho giống. Cái “giống” ở đây không chỉ ở hình dáng mà còn ở khả năng phát hiện ra đặc tính của từng loài vật rồi “hiện thực hóa” chúng thành hình. Những “con thú” qua đôi tay thô ráp, to bè của ông Năm, dần trở nên có hồn vía, sống động như thật. Có lẽ chính vì thế, với ông Năm, con rồng là khó thực hiện nhất. Không chỉ bởi độ phức tạp, chiều dài của nó mà còn bởi rồng là giống loài thuộc về trí tưởng tượng.
Thật tiếc khi chúng tôi ghé, hơn trăm cây kiểng thú, trong đó có chú lợn - linh vật của năm Kỷ Hợi 2019 vừa được xuất hàng theo chân khách. Trong vườn còn lại mỗi chú lợn đang tạo hình dở dang cho một đợt đặt hàng khác. Giá trung bình cho 1 cây kiểng thú cỡ nhỏ dao động khoảng 1-3 triệu đồng, cao giá nhất là con rồng, từ 20 - 30 triệu đồng.
|
Hàng lục bình khổng lồ chờ khách đến lấy. Bên cạnh là những khung sườn kẽm để tạo hình |
So với công sức miệt mài sớm hôm của ông Năm và 20 người thợ-nông-dân làm luôn tay luôn chân quanh năm ở vườn, từ chăm cây, chiết cành, rồi lại chăm đến lúc tạo hình, thành phẩm thực sự chẳng bõ công. Nhưng họ vẫn ngày đêm miệt mài, bởi đó không chỉ là kế sinh nhai nuôi sống gia đình, giúp con cái học hành mà còn là một thú vui tao nhã, làm đẹp cho đời.
Điểm đáng quý là dù danh tiếng vườn kiểng giờ đây đã vang xa, tiền bạc thu được đủ ổn định cuộc sống nhưng những nghệ nhân nông dân ấy - mà ông Năm là người mở đường - vẫn ngày đêm miệt mài với cây, với đất, với những khung sắt tạo hình. Lần nào cũng vậy, mỗi lần dựng khung sắt mới, cả khu vườn chộn rộn như đi hội.
Lần nào đám thú tỏa đi, ông Năm cũng nghe lòng dâng trào nỗi xúc động khó tả. Những nghệ nhân nông dân ấy cũng chẳng vì gia tăng nguồn lợi mà nhận bừa đơn hàng rồi làm cẩu thả. Họ trọng chữ tín - mà nói theo cách của người làm nông là, sự hồn hậu, chất phác vẫn vẹn nguyên trong huyết quản.
|
Người thợ lâu năm nhất của vườn kiểng Năm Công bên tạo hình chú lợn chưa hoàn chỉnh, linh vật của tết Kỷ Hợi 2019. |
Từ vườn kiểng Năm Công, nghề làm kiểng tạo hình lan rộng quanh ấp Phú Long, xã Hưng Khánh Trung B. Người nào làm được kiểng thì mở cơ sở, ai không làm thì trở thành đầu mối cung cấp cây si. Hỏi ông Năm có sợ người khác cạnh tranh, ông cười: “Có gì đâu mà lo. Ai làm được thì làm. Mình nên khuyến khích cho bà con chứ không phải mình bá chủ”.
Điều khiến ông Năm trăn trở là dù nghề kiểng tạo hình đóng góp, mang lại lợi nhuận giúp bà con ổn định cuộc sống nhưng mãi đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn không cho xuất cây trực tiếp ra thị trường các nước. Muốn đưa cây đi, cách duy nhất phải qua trung gian, và cũng chỉ được xuất khung sườn.
Lê Phan