Giáp tết, nhiều trẻ nhập viện do bỏng nước sôi

04/02/2024 - 09:56

PNO - Hiện Khoa Bỏng - Chỉnh trực Bệnh viện Nhi Đồng 2 đang có 55 bệnh nhi nội trú thì 14 bé bị bỏng nước sôi do người lớn bất cẩn.

Theo bác sĩ Chuyên khoa I Ngô Hồng Phúc - Quyền điều hành Khoa Bỏng - Chỉnh trực, Bệnh viện Nhi Đồng 2, tuần cuối cùng giáp tết Nguyên Đán 2024, số trẻ em bị bỏng sinh hoạt tăng rất cao.

Quên hòa nước lạnh đã tắm cho con

Các tình huống xảy ra tai nạn với các bệnh nhi bị bỏng nước sôi đều chỉ vì phút giây lơ đễnh của người lớn. Chẳng hạn trường hợp của bé P.T.D., 9 tháng tuổi, ngụ tại TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Gia đình bé D. kinh doanh tạp hóa. Cuối năm, khách tới mua hàng tấp nập nên mẹ của bé bận rộn, bán hàng không ngơi tay. Khi mẹ bé đang đổ nước sôi vào thau, chuẩn bị pha nước tắm cho bé thì có điện thoại khách gọi đặt hàng. Sau khi nghe điện thoại, mẹ bé quên hòa thêm nước lạnh mà cứ thế đặt luôn con vào thau nước nóng. Bé khóc ré lên, làm mẹ hoảng hồn, vội vàng nhấc con ra. Lúc này, phần cơ thể từ thắt lưng trở xuống của bé D. bị bỏng đỏ rát. Ba mẹ bé vội mở vòi nước lạnh dội lên người con rồi nhanh chóng đưa bé tới bệnh viện. Bé D. được xác định bỏng độ 2 do nước sôi, đã được chăm sóc, xử trí và theo dõi vết thương.

 

 

Trẻ bị bỏng nước sôi do người lớn bất cẩn (ảnh minh hoạ)
Trẻ bị bỏng nước sôi do người lớn bất cẩn (Ảnh minh họa)

Trường hợp khác là bé H.A.T., 3 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM, bị bỏng độ 2 vùng bụng, mông, bộ phận sinh dục do ngồi trúng nồi lẩu. Gia đình bé làm tiệc tất niên, trải chiếu, bày nồi lẩu dưới sàn. Trong lúc người lớn đang mải chuẩn bị mâm cơm tất niên, bé T. chạy chơi và ngã, ngồi trúng luôn nồi lẩu. Rất may, nồi lẩu chỉ nóng chứ chưa được bật bếp nấu sôi lại; nếu không, hậu quả chưa biết sẽ còn nghiêm trọng tới mức nào. 

Di chứng sẹo co rút

Nhìn chung, những ca bỏng do nước sôi đưa tới Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong thời gian này đều đã được gia đình sơ cứu ban đầu bằng cách bôi kem, băng vết thương. Tại bệnh viện, tùy từng mức độ mà các bé sẽ được chỉ định điều trị khác nhau. Đối với bệnh nhi bị bỏng, chủ yếu là truyền dịch để bù nước, xử trí nhiễm trùng như cắt lọc vết thương, kháng sinh đặc hiệu… 

Tùy mức độ tổn thương mà di chứng của bỏng nước sôi để lại sẽ khác nhau. Bỏng độ 1 là nhẹ nhất - da bị rát đỏ như sau khi phơi nắng về, không để lại di chứng, tự phục hồi được. Bỏng độ 2 sẽ nổi bóng nước, dễ lành, nhưng nếu chăm sóc vết thương không đúng cách, có thể gây nhiễm trùng. Đặc biệt, khi vết thương đóng vảy ở các vị trí cử động nhiều như ngón tay, khuỷu tay, chân thì bệnh nhân phải tập vật lý trị liệu đều đặn tới khi lành hẳn để tránh di chứng sẹo co rút. Trên cơ thể, bị bỏng ở vùng mặt là khó điều trị nhất. Dù có phẫu thuật chỉnh sửa thì thẩm mỹ của bệnh nhân cũng không thể hồi phục như xưa.

Bác sĩ Ngô Hồng Phúc đang khám cho một bệnh nhi bị tổn thương do bỏng sinh hoạt (ảnh: Thanh Huyền)
Bác sĩ Ngô Hồng Phúc đang khám cho một bệnh nhi bị tổn thương do bỏng sinh hoạt - Ảnh: Thanh Huyền

Bác sĩ Hồng Phúc cảnh báo phụ huynh, cần trông nom con cái cẩn thận. Chỉ vì một phút xao nhãng, lơ là, hậu quả phải gánh chịu có thể sẽ là di chứng suốt đời, thậm chí là tính mạng của đứa trẻ. Dù bận rộn cách mấy, gia đình vẫn nên cắt cử riêng một người lớn theo sát, trông nom các bé. Trẻ em hiếu động, chưa nhận thức được nguy hiểm, nhất là những bé đang độ tuổi chập chững biết đi. Nước sôi phải để ở vị trí an toàn, nơi trẻ không thể với tới. Khi tổ chức tiệc tùng cần chú ý giữ trẻ tránh xa nồi canh, nồi lẩu, bếp cồn, bếp ga. Tất cả các tình huống tai nạn bỏng xảy ra với trẻ em tại gia đình hầu như đều trong lúc nấu ăn, chuẩn bị tiệc tùng.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI