Giáp tết, người dân ùn ùn đổ về Sài Gòn… khám bệnh

17/01/2017 - 06:30

PNO - Với tâm lý tranh thủ khám bệnh để yên tâm ăn tết, người dân khắp nơi đã đổ về các bệnh viện tại TP.HCM, dẫn đến tình trạng quá tải. Bệnh nhân rồng rắn xếp hàng chờ lấy số thứ tự từ 1-2h sáng.

Lấy thuốc dài ngày để yên tâm… chơi Tết

Tối 12/1, tại tầng trệt của Bệnh viện Chợ Rẫy, nhiều người tay xách nách mang đủ thứ từ mùng, mền, chiếu gối tới phích nước, ba lô, ngồi nằm la liệt. Cứ một người đi khám, lại có một-hai người nhà đi cùng, trải chiếu nằm kín mít từ trong sảnh ra đến ngoài cửa. Nhiều ngày qua, nhân viên bảo vệ bệnh viện này bắt đầu phát số thứ tự cho bà con chờ khám bệnh từ lúc 4g sáng.

Bà Nguyễn Thị Mến, 63 tuổi, quê ở Cà Mau đang chờ khám tại bệnh viện này chia sẻ: “Tôi cùng con gái đi xe đò từ quê lúc 8h tối đến 3h sáng mới tới bệnh viện. Hai mẹ con đã chuẩn bị sẵn áo mưa, mền để trải ra nằm. Ở đây, ai cũng vậy, muốn khám bệnh thì phải đi từ đêm. Mệt quá nhưng con gái tôi không dám ngủ, phải thức trông chừng đồ đạc”.

Bà Mến bị đau lưng, thoái hóa cột sống, không làm ăn gì nổi. Khi được hỏi sao phải đi sớm thế, bà Mến giải thích: “Đi sớm để lấy số, kịp khám trong buổi sáng, chiều bắt xe về luôn. Đường sá xa xôi, trễ xe là phải thuê phòng trọ, ở thêm một ngày lại thêm tốn kém”.

Anh Phạm Văn Hải, 35 tuổi, nhà ở tỉnh Tây Ninh, khám bướu giáp, có mặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ 5h sáng. Để chắc ăn, anh Hải đến TP.HCM từ tối hôm trước, ở nhờ nhà người quen.

Tưởng mình đi thế là sớm, ai dè đến BV lúc trời còn tờ mờ mà anh Hải thấy bà con đã xếp hàng lấy số đông nghẹt. Anh lắc đầu ngao ngán: “Dạo này nuốt hay bị nghẹn, cổ phình to. Tôi khám ở địa phương, họ bảo bị bướu giáp. Nghe bướu là sợ. Còn mười mấy ngày là tết rồi, tôi gác công việc, khám ở Sài Gòn cho yên tâm, ăn tết khỏi thấp thỏm”.

Cảnh người dân ở tỉnh lặn lội từ đêm, xếp hàng lấy số thứ tự cũng diễn ra tại Bệnh viện Thống Nhất, giống như Bệnh viện Chợ Rẫy. Bác sĩ Trương Quang Anh Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Thống Nhất cho biết, khoảng 10 ngày nay, lượng bệnh nhân (BN) từ tỉnh đến khám tăng 10%.

Mỗi ngày, BV này khám khoảng 3.000 lượt BN ngoại trú, trong đó BN các tỉnh chiếm từ 30-40%. Đa số BN là người cao tuổi, trung niên, từ các tỉnh thành lân cận đến khám các bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, cơ xương khớp...

Cụ bà Hoàng Thị Nhỏ, 75 tuổi, quê tỉnh Trà Vinh cho biết, bà có mặt tại Bệnh viện Thống Nhất từ 4h sáng để khám bệnh đái tháo đường. Khi được hỏi sao không khám ở quê cho tiện, cụ tâm sự: “Trước giờ tôi quen khám ở đây rồi. Tôi định lần tái khám này xin bác sĩ thuốc nhiều nhiều, đem theo ra Hà Nội ăn tết cùng gia đình con gái”.

Không chỉ người lớn mới tranh thủ khám bệnh, cận tết cũng là dịp phụ huynh thu xếp đưa con đi kiểm tra sức khỏe. Tại khu Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, giữa trưa vẫn đông nghẹt người chờ khám. Cha mẹ, con cái, kẻ đứng người ngồi, chen chúc đóng tiền, lấy số, chờ đợi.

Chị Trần Thu Thủy, quê ở TP.Cần Thơ đưa con trai tám tuổi đi khám tai. Con chị bị đau nhức tai từ mấy tháng nay, do bận buôn bán nên tới giờ, chị mới thu xếp được.

Giap tet, nguoi dan un un do ve Sai Gon… kham benh
 

Bác sĩ nói: “Không cần vậy đâu”

Theo bác sĩ Trương Quang Anh Vũ, với những bệnh lý mạn tính thông thường như tiểu đường, cao huyết áp, BN có thể khám tại địa phương; các cơ sở khám chữa bệnh tuyến đầu đều có thể điều trị rất tốt những bệnh lý này. Cận tết, bà con không nên quá lo lắng, di chuyển đến TP.HCM, vừa xa xôi, tốn kém lại còn vất vả, ảnh hưởng tới sức khỏe, làm bệnh tình thêm trầm trọng.

Với những bệnh có thể trì hoãn được, bà con cũng nên cân nhắc, thu xếp đi khám sau tết để tránh ùn ứ. Nhiều người tranh thủ khám để xin thuốc dài ngày, thậm chí còn tự ý cầm toa mua thêm là không đúng, vì thời gian tái khám và lượng thuốc đều phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Có những bệnh lý, khi tái khám bác sĩ phải xem xét, điều chỉnh thuốc cho phù hợp với tình trạng bệnh.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhận định, bệnh viện tuyến cơ sở có đủ khả năng khám và điều trị hầu hết những bệnh thông thường nhưng phụ huynh lại cứ muốn đưa con về Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám.

Hiện, tại khoa Nhiễm - Thần kinh, số BN ở tỉnh chiếm khoảng 40% tổng số ca bệnh. “Năm nào cũng vậy, vào tầm này, bệnh nhi từ các tỉnh tranh thủ lên khám đông, phải tới 23-24 tháng Chạp may ra mới vãn. Đông quá, trẻ dễ bị lây nhiễm chéo nhiều bệnh, bệnh này chưa khỏi lại mắc thêm bệnh khác” - bác sĩ Khanh lưu ý.

Theo bác sĩ Lê Trung Nhân, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện tượng quá tải xảy ra chủ yếu do tâm lý muốn tranh thủ khám trước tết của bà con. “Nhiều hôm, vào bệnh viện buổi đêm, nhìn bà con tuyến tỉnh đến sớm, nằm hết ra sảnh chờ lấy số khám bệnh, tôi thấy rất thương.

Thực ra, không cần phải làm như vậy. Người dân hãy đặt hẹn khám qua tổng đài 1080 hoặc 1081. Thậm chí ngay trên giấy khám bệnh, chúng tôi cũng ghi rõ giờ tái khám. Tôi khuyên bà con ở xa muốn khám sớm thì nên canh giờ xe tầm 6g có mặt ở bệnh viện là được, đừng đi từ đêm, vừa vất vả mà lại gây quá tải cho bệnh viện” - bác sĩ Nhân nói.

Về cơ chế quản lý, bác sĩ Nhân cho rằng, những BN khám bảo hiểm y tế (BHYT) nếu tái khám hay chuyển tuyến thì đã theo khuôn khổ rõ ràng. Những khúc mắc về thẻ BHYT cũng đã được ngành y tế tháo gỡ.

Chẳng hạn trước đây, hết tháng 12, BN mới được phát thẻ mới thì nay thẻ mới đã được phát cho người bệnh từ trong tháng 12. Giấy chuyển tuyến từ ngày 16/12/2016 cũng được phép sử dụng qua năm 2017. Do đó, BN không cần phải cuống cuồng đi khám cuối năm cho kịp hạn thẻ BHYT như trước kia nữa…

Thanh Huyền

Tại BV Chợ Rẫy, thời điểm đông BN nhất tại khu khám bệnh là từ 4h30-6h sáng. Theo ghi nhận của phóng viên sáng 12/1, chỉ trong một tiếng rưỡi, có khoảng 1.500-2.000 BN chờ sẵn, ùn ùn lấy số tạo nên hiện tượng quá tải. Do quá đông người dồn vào một thời điểm nên khâu lấy số tiêu tốn thời gian của BN từ 2-3 giờ.

BN không chỉ đến từ các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long mà cả từ miền Trung. Các chuyên khoa thường bị quá tải là nội thần kinh, nội tim mạch, nội niết, nội tiêu hóa, cơ xương khớp. Hiện tại, khoa Khám bệnh của BV Chợ Rẫy có 22 BS thường trực, 60 BS chuyên khoa khám luân phiên và 110 điều dưỡng đang hoạt động hết công suất để phục vụ nhu cầu kiểm tra sức khỏe của người dân.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI