PNO - Mới đây, khi biết con vừa bị giáo viên đánh, một phụ huynh ở Trường tiểu học và THCS Tân Bình (điểm Cây Sao, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) đã xông vào trường tát giáo viên này trước mặt đồng nghiệp và học sinh. Không những vậy, người này còn dùng điện thoại quay video và đăng lên mạng xã hội.
Với vụ việc này, nhiều người cho rằng giáo viên đáng trách khi đánh học sinh nhưng không thể chấp nhận được hành vi phụ huynh hung hăng xông vào trường hành hung giáo viên. Cô giáo sau đó đã bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách và điều chuyển sang trường khác. Nhưng những phụ huynh xông vào trường hành hung, xúc phạm giáo viên sẽ bị xử lý thế nào?
Cô giáo ở Trường tiểu học và THCS Tân Bình (Long An) bị phụ huynh xông vào trường hành hung - Ảnh cắt từ clip
Cô Tú Loan - giáo viên của một trường tiểu học ở TPHCM - chia sẻ: “Có một em học sinh ngỗ nghịch, đánh hết bạn này đến bạn khác trong lớp. Khi có em kể lại, tôi buột miệng dặn với học sinh này là “con tránh bạn ra, đừng chơi với bạn nữa để không bị đánh”. Không hiểu sao sau đó, chuyện này đến tai phụ huynh của em học sinh ngỗ nghịch kia. Họ đã lập tức lên trường tố cáo với ban giám hiệu, lôi kéo các phụ huynh khác tấn công tôi bằng lời nói, đưa câu chuyện lên mạng xã hội cho rằng tôi cô lập học sinh. Vụ việc đã khiến tôi chịu áp lực lớn từ đầu năm học tới nay”. Nhiều người chỉ mới nghe câu chuyện một chiều, chưa rõ thực hư nhưng đã lập tức dùng những từ ngữ ác ý, chửi mắng khiến cô giáo tổn thương nặng nề. Dù sau đó cô và đại diện ban giám hiệu nhà trường đã gặp và chia sẻ sự việc với phụ huynh nhưng phụ huynh này vẫn giữ thái độ hằn học.
Đi dạy hơn chục năm nay, cô Vũ Thị Thương - giáo viên Trường tiểu học Ngô Quyền (quận Bình Tân, TPHCM) - cho biết: ngoài áp lực dạy học thì nỗi sợ lớn nhất của giáo viên chính là… phụ huynh. Có nhiều trường hợp oái oăm, mà giáo viên cũng không biết phải bảo vệ bản thân thế nào. Có học sinh suốt cả 1 học kỳ cha mẹ không xem đến vở dặn dò hay sổ liên lạc của con. Thông tin cô gửi trên nhóm phụ huynh cũng không đọc. Mãi đến khi gần hết năm học, thấy con còn nhiều bài tập chưa hoàn thành phụ huynh liền tức tốc lên trường mắng, trách cô giáo ngay trước mặt học trò. “Sợ nhất là phụ huynh luôn lăm lăm điện thoại ghi âm, quay video, chỉ cần sơ sẩy trong lời ăn tiếng nói có thể bị tung lên mạng ngay” - cô Thương chia sẻ.
Không chỉ giáo viên mà những cán bộ quản lý các trường cũng có cùng chung nỗi sợ này. Mới đây, cô Hoàng Anh - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Thế Vinh (TP Thủ Đức) - tá hỏa khi nhận thông tin trường bị phụ huynh phản ánh. Cô cho biết trước đó phường đã nhờ nhà trường phát phiếu cam kết tham gia giao thông an toàn đến tay học sinh, phụ huynh để tuyên truyền. Trong phiếu có cả phần chữ ký của học sinh và phụ huynh nhưng sau đó nhiều cha mẹ lại phản ánh rằng trường bắt học sinh tiểu học cam kết “không uống rượu bia khi lái xe”.
Cần có chế tài nghiêm khắc
Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) - nhận định: việc giáo viên bị tấn công bằng vũ lực hoặc áp lực dư luận xã hội là một thực tế cần quan tâm. Trong đó, tổn thương từ lời nói xúc phạm, những hành vi thiếu tôn trọng của phụ huynh cũng rất nghiêm trọng. Để bảo vệ giáo viên, trước hết trường học phải chủ động ngăn chặn các tình huống tấn công từ phụ huynh bằng cách luôn có người trực gác cổng. Bất kỳ phụ huynh hay người lạ vào trường phải có lý do, trình căn cước công dân để trường nắm thông tin. Trong những trường hợp khẩn cấp, giáo viên hoặc nhân viên bị tấn công thì lực lượng bảo vệ phải trực tiếp can ngăn. “Nhưng nếu sự hung hãn trở nên quá mức thì đồng nghiệp trong trường cần chung tay khống chế đối tượng hoặc nhờ đến sự hỗ trợ của công an phường nơi gần nhất” - ông nói.
Phụ huynh Trường tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp, TPHCM) cùng con tham gia phiên chợ rau sạch do trường tổ chức hôm 19/4. Đây là một trong những hoạt động của trường nhằm xây dựng văn hóa ứng xử, giao tiếp thân thiện giữa phụ huynh và giáo viên, nhà trường - Ảnh: Nguyễn Loan
Về mặt pháp lý, ông Huỳnh Thanh Phú cho rằng cần phải có quy định chế tài nghiêm khắc từ xử phạt vi phạm hành chính cho đến truy cứu trách nhiệm hình sự những trường hợp tấn công, xúc phạm giáo viên. Ngoài ra, mỗi trường cũng cần xây dựng văn hóa ứng xử giao tiếp, giữa giáo viên với học sinh và giữa giáo viên với cha mẹ học sinh. Cần tuyên truyền, thông tin đến phụ huynh các quy định xử phạt và nguyên tắc ứng xử với nhà giáo.
Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung - Phó trưởng ban phụ trách Ban Thanh tra - Pháp chế (Đại học Quốc gia TPHCM) - cho rằng, hiện nhà giáo đang chịu chi phối bởi Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Viên chức, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Lao động với giáo viên ngoài công lập… “Việc có nhiều bộ luật chi phối thì có lúc lợi ích được tăng lên nhưng cũng còn những “khoảng trống”, khiến quyền lợi giáo viên chưa được đảm bảo. Trong đó, các quy định về quyền, nghĩa vụ của nhà giáo hiện nay khá rời rạc, tản mạn và chưa đủ mạnh để bảo vệ họ” - bà Thái Thị Tuyết Dung nói.
Bà nhận định nhà giáo chịu áp lực lớn khi uy tín của mình ảnh hưởng đến người học và sự đòi hỏi rất cao từ xã hội. Kể cả sự riêng tư của nhà giáo cũng bị ảnh hưởng. Đặc thù văn hóa Á Đông cũng đặt lên vai giáo viên nhiều sứ mệnh, trong khi đó quyền lợi và phúc lợi họ được hưởng chưa tương xứng với trách nhiệm, áp lực này.
Mới đây, khi chia sẻ tại tọa đàm pháp luật về nhà giáo do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhận định môi trường làm việc, nhận thức xã hội với nghề giáo quan trọng hơn rất nhiều so với tiền lương: “Chẳng hạn việc bảo vệ danh dự, uy tín của nhà giáo. Một vài trường hợp cá biệt, có thể làm tổn thương hàng triệu nhà giáo. Khi phụ huynh xâm phạm tới giáo viên thì phải xử lý thế nào?”. Ông cũng cho biết Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến để xây dựng Luật Nhà giáo nhằm kiện toàn bộ luật, bảo vệ tối đa lợi ích, quyền lợi, trách nhiệm của nhà giáo. Trong đó, sẽ quy định rõ việc xử phạt với những hành vi xâm phạm, làm tổn thương đến danh dự, uy tín của giáo viên.
Năm 2025, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM tuyển sinh bằng 5 phương thức khác nhau, như: ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng, xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT…
Trường dự kiến 3 phương thức tuyển sinh: tuyển thẳng và ưu tiên; tuyển theo đề án tuyển sinh của trường; dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Triển khai đồng bộ chương trình giáo dục phổ thông 2018, chuyển đổi số, chung tay khắc phục bão Yagi... là những sự kiện lớn của ngành giáo dục trong năm 2024.