PNO - Bảo mẫu, giáo viên “thất nghiệp”, người phải ra đường bán rau mưu sinh, người không trụ được phải tìm đường về quê; nhiều trường tư không thể cầm cự được phải xin giải thể… là tình cảnh khó ngờ của nhiều nhà giáo khi mà năm học mới đang gần kề.
Nếu như không có dịch, thời điểm này đang là những ngày vui của những người làm giáo dục. Thầy cô sẽ tất bật chuẩn bị cho năm học mới, đón những “đứa con” trở lại trường sau mấy tháng hè. Thế nhưng, năm nay mọi thứ thay đổi 180 độ. Cuộc mưu sinh của những người ở khối giáo dục tư khó hơn bội phần. Chủ trường không có nguồn thu vẫn phải xoay vòng với lãi ngân hàng, mặt bằng thuê, lương cơ bản cho giáo viên có hợp đồng; giáo viên, bảo mẫu, tạp vụ, bảo vệ… giảm hoặc mất hẳn thu nhập trong khi chi tiêu thiết yếu tăng vùn vụt. Thầy cô khi được hỏi “mùa này sống sao?”, chỉ biết chặc lưỡi than: chưa bao giờ khốn khổ như vậy!
Chiều 21/8, cô N.T.C. (xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh, TP.HCM) hớt hãi gọi điện khắp người quen chỉ để hỏi thông tin ngày 23/8 TP.HCM sẽ hạn chế ra đường nghiêm ngặt đúng không. Những cuộc gọi chỉ để cô xác tín lại một lần nữa về con đường mưu sinh của gia đình có thể tiếp tục hay đứt đoạn. Bởi từ tháng Năm đến nay, một bảo mẫu của trường mầm non tư như cô gần như mất việc, chủ trường không trả lương dù đó là một trường tư khá lớn ở Q.Tân Bình. Tiền tích lũy từ đồng lương 4 - 5 triệu đồng mỗi tháng của cô chỉ có thể trang trải cho cả nhà ba người đến hết tháng Sáu.
“Qua tháng sau, dịch lại tăng, cuộc sống vẫn tiếp diễn và cả nhà cũng không thể ngừng ăn. Vậy là dù biết nguy hiểm nhưng tôi vẫn phải ra đường mưu sinh. Cách nhà chừng ba cây số có mấy nơi trồng rau. Từ tờ mờ sáng, tôi phải đến vườn, ao nhà họ cắt rau rồi chở đến bán cho những nhà có nhu cầu. Nhiều hôm đi bán phải trốn chui trốn nhủi khổ lắm. Bây giờ, siết đối tượng ra đường thì lấy tiền đâu mà sống, trong khi tiền học phí năm thứ hai đại học của con vừa báo đến”, cô C. lo lắng cho hay.
Nhiều giáo viên mầm non tư thục gặp khó khăn trong mùa dịch
Chị N.L., nhân viên của một nhóm lớp mầm non ở Q.7, TP.HCM, đã không thể cầm cự được khi không có thu nhập nhiều tháng liền. “Dù chủ trường có hỗ trợ thực phẩm nhưng cuộc sống thiết yếu đâu chỉ có cái ăn, còn tiền nhà trọ, điện nước, sinh hoạt khác… nên tôi đã đăng ký về quê khi tỉnh nhà cho đăng ký rước công nhân, người lao động về quê tránh dịch. Tôi về Quảng Ngãi, khi nào TP.HCM hết dịch lại xin trở vào đi làm tiếp vì ở quê gia đình cũng không có điều kiện, chỉ có thể làm nông. Nơi tôi làm còn có mấy cô không đăng ký về quê kịp phải ở lại, chưa biết xoay xở thế nào”, chị L. buồn bã nói.
Người lao động ở trường tư, nhất là những nhân viên hợp đồng ngắn hạn là đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất khi dịch bệnh xảy ra. Theo những người này, cuộc sống của họ ở thời điểm hiện tại phụ thuộc rất lớn vào người chủ. Với những chủ trường khá giả và có tâm, họ sẽ gắng gồng hỗ trợ lương cơ bản cho người lao động. Ngược lại, họ không trả lương cũng không thể trách được. Nhưng nếu dịch bệnh vẫn còn tiếp tục kéo dài, trường lớp không thể hoạt động thì đến chủ cũng không thể cầm cự nổi.
Hàng trăm trường, nhóm lớp giải thể
Chị Ng.Nh., chủ nhóm lớp mầm non Hugo (Q.7), cho biết: “Từ khi tạm dừng hoạt động, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Trừ chủ nhóm lớp vừa làm giáo viên thì bốn người còn lại mỗi tháng vẫn được hỗ trợ 1,5 triệu đồng; với bảo mẫu, bảo vệ và lao công thì chỉ có thể hỗ trợ thực phẩm. Tuy nhiên, tình hình này không thể kéo dài được lâu vì chưa thể thông báo tuyển sinh trở lại. Tình trạng không có nguồn thu vẫn còn kéo dài trong khi vốn vay ngân hàng để xây dựng nhóm lớp vẫn đến đều đặn. Năm ngoái đã xin dời lịch chậm trả vì dịch bệnh nên năm nay không được hỗ trợ nữa. Chúng tôi có làm báo cáo tạm dừng hoạt động để không phải đóng thuế và đăng ký với địa phương hỗ trợ cho giáo viên, nhân viên nhưng vẫn chưa nhận được hỗ trợ…”.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, do dịch bệnh kéo dài nên hầu hết các cơ sở giáo dục ngoài công lập gặp nhiều khó khăn, nhất là cấp học mầm non. Trong năm học 2020 - 2021, đã có 151 cơ sở giáo dục mầm non (gồm 27 trường, 124 nhóm trẻ) đã giải thể và ngưng hoạt động, dẫn đến giảm 411 phòng học. Nhiều người dự đoán, con số này sẽ gia tăng trong thời gian tới, bởi, từ bậc tiểu học trở lên có thể tổ chức dạy trực tuyến, ít nhiều vẫn có nguồn thu từ người học. Nhưng bậc mầm non được yêu cầu dạy học trực tiếp nên thời điểm hoạt động trở lại vẫn còn bỏ ngỏ. Theo chị Ng.Nh., “Chúng tôi may mắn còn có mặt bằng nhà, nhiều chủ lớp thuê mướn cơ sở thì cầm chắc phải giải thể nếu tình hình này kéo dài. Các nhóm lớp, trường mầm non rất cần sự hỗ trợ lúc này”.
Hiệu trưởng một trường phổ thông tư thục tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM, chia sẻ: trường tư như một doanh nghiệp nên phải cân đối thu chi. Các chi phí đầu vào đều tăng do trượt giá. Chưa kể năm học 2021 - 2022, chương trình phổ thông sẽ áp dụng chương trình mới thêm khối lớp Hai và lớp Sáu khiến việc đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên tăng lên… Thế nhưng sự hỗ trợ dành cho đối tượng trường tư còn rất hạn chế. “Chúng tôi mong được giảm, miễn một số loại thuế; các chính sách dành cho đội ngũ giáo viên cũng nên như trường công. Chẳng hạn, việc tập huấn chương trình mới, trường tư tự bỏ chi phí mỗi giáo viên tốn khoảng 500.000 đồng…”, vị này nói.
Nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn về quỹ đất khiến nhà đầu tư ít mặn mà với đầu tư vào giáo dục. Thống kê cho thấy, tỷ lệ trường ngoài công lập được cấp phép mới tại thành phố có xu hướng giảm tăng trưởng trong vòng bốn năm trở lại đây. Trong đó, năm 2017, tỷ lệ trường ngoài công lập mới được đưa vào hoạt động tăng 11,74% so với năm trước; đến năm 2018, tỷ lệ này giảm chỉ còn tăng 10,04%. Và đến năm 2019 thì con số này là 6,22%; năm 2020 thì tăng 3,03%; và năm 2021 chỉ tăng 1,77%.
Hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhiều sinh viên không những vượt qua mà còn có thành tích học tập rất tốt, tham gia nghiên cứu khoa học, làm gia sư miễn phí...
Chiều 14/11, tại Hà Nội, diễn ra buổi gặp mặt các nhà giáo của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương.