“Giáo viên” TikTok bày cách làm “lụi” bài thi tốt nghiệp THPT

19/06/2024 - 06:37

PNO - “Bí kíp lụi đúng 99%”, “Mẹo nhỏ lụi đâu trúng đó”… là những dòng mô tả hấp dẫn về cách làm bài thi mà các “giáo viên” TikTok đang rôm rả đưa ra trước kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Các video hướng dẫn bí quyết khoanh “lụi” tràn lan trên TikTok  - Ảnh chụp màn hình
Các video hướng dẫn bí quyết khoanh “lụi” tràn lan trên TikTok - Ảnh chụp màn hình

Đánh “lụi” vẫn… trúng

“Không cần học bài, không cần biết một chữ nào, đây là mẹo “lụi” trắc nghiệm đúng 100%. Mình lấy đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT để đạt uy tín tối đa và chỉ cho bạn cách lô tô không cần đọc đề, không cần biết gì cả, chỉ cần nhìn đáp án là chọn được đáp án đúng”. Đó là khẳng định của tiktoker có tên H.T.3 với hơn 614.000 lượt theo dõi chia sẻ ở đầu video hướng dẫn “khoanh lụi” của mình.

Theo tiktoker này, quá trình chọn đáp án gồm 3 bước. Đầu tiên, đáp án khác lạ nhất so với 3 đáp án còn lại sẽ là đáp án sai nên loại đi. Tiếp theo, do người ra đề thường muốn giấu đáp án đúng và làm loãng bằng đáp án sai nên cần tiếp tục chọn 1 đáp án khác lạ để loại tiếp, còn lại 2 đáp án. Cuối cùng, đáp án có dữ liệu xuất hiện nhiều nhất trong đề sẽ là đáp án đúng. H.T.3 còn khẳng định: “Phương pháp này có thể áp dụng cho tất cả bài kiểm tra, các kỳ thi quan trọng”. Video này đã thu hút hơn 76.000 lượt yêu thích, gần 1.200 bình luận và 5.000 lượt chia sẻ.

Tài khoản TikTok có tên P.H.G. cũng đăng tải rất nhiều video hướng dẫn làm bài thi trắc nghiệm kỳ thi tốt nghiệp THPT. Với đề thi gồm 50 câu, người này yêu cầu thí sinh phải làm chắc 34 câu trắc nghiệm đầu tiên. Ở các câu còn lại thì xem xét trong số 34 câu đã làm có bao nhiêu phương án A, B, C, D. Trong đó phương án nào có số lần ra để chọn ít nhất thì loại, chẳng hạn loại phương án A. Tiếp theo trong 3 phương án còn lại, tiếp tục tìm phương án được ra ít tiếp theo (chẳng hạn B) và khoanh 16 câu còn lại là B. Người này khẳng định với cách làm này thì “điểm 9 toán quá dễ, học cả đời chưa chắc đã làm được”.

Ngay cả môn lịch sử cũng có nhiều video hướng dẫn cách đánh “lụi” như sau: “đáp án có Bác, Đảng, Nhà nước, nhân dân, chính sách là đáp án đúng; nguyên nhân khách quan thì chọn hoàn cảnh, viện trợ, quốc tế; nguyên nhân chủ quan thì chọn chính sách Đảng, Nhà nước, chiến lược, tinh thần đoàn kết; nhắc đến Mỹ thì chọn cường quốc kinh tế, Liên Xô là đi đầu về vũ trụ, hạt nhân…”.

Ngoài ra, còn có những “bí thuật khoanh trắc nghiệm” khác được chia sẻ như: 3 dài, 1 ngắn thì chọn ngắn; 3 ngắn 1 dài thì chọn dài; 2 ngắn 2 dài thì chọn B, 4 dài chọn C; 4 ngắn chọn A…

Có thể bị điểm liệt

Mỗi khi nghe học sinh (HS) bàn tán, trao đổi với nhau về cách đánh “lụi”, thầy Nguyễn Thanh Tùng - Tổ trưởng Tổ toán Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức) - đều khẳng định ngay với các em: các video hướng dẫn như trên là sai và thiếu căn cứ. Thầy nhấn mạnh: “Việc không học mà có điểm cao là rất vô lý. Nếu cứ tin theo cách này thì HS sẽ không phát triển các kỹ năng như tư duy logic, khả năng phân tích và giải quyết vấn đề”.

Thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên toán tại Hà Nội - chia sẻ: ngày trước, với các phần mềm trộn đề đơn giản từ một đề gốc, các đáp án A, B, C, D tương đối đều nhau. Do đó, khi đã làm hết khả năng, thí sinh có thể áp dụng mẹo để khoanh những câu còn lại. Nhưng những năm gần đây, đề trắc nghiệm trong một phòng thi chỉ giống nhau khoảng 15% và các đáp án A, B, C, D cũng không đều nhau.

Vì thế, có thể khẳng định không có cách nào điền “lụi” mà vẫn chắc đúng. HS có thể thử lấy bất cứ đề nào để làm theo cách đó là thấy hậu quả ngay, điểm sẽ rất thấp, thậm chí nhận cả điểm liệt. Thầy nhắn nhủ: “Thay vì chú tâm theo các phương pháp này, các em nên dành thời gian để ôn luyện kiến thức. Không nên học theo kiểu nhồi nhét mà căn cứ vào cấu trúc, ma trận đề thi để rà soát xem mình còn yếu phần nào thì dành thời gian học phần đó. Để dễ nhớ, các em nên sơ đồ hóa, hình ảnh hóa hay tóm tắt thành các công thức, các quy trình và thực hành cho thành thạo”.

Với các môn khoa học xã hội, thầy Trần Văn Hướng - Tổ trưởng Tổ lịch sử Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức) - nhấn mạnh: thí sinh phải căn cứ vào câu hỏi để trả lời chính xác. Ở môn lịch sử, từ câu số 1-30 tương đối dễ nhưng vẫn đòi hỏi thí sinh phải học bài. Từ câu 31 trở đi là những câu phân hóa. Thí sinh phải nắm chắc kiến thức và biết tư duy sâu thì mới có thể lấy được 2,5 điểm này. Nếu đánh “lụi” thì không thể trông chờ điểm cao.

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI